(Tổ Quốc) - Theo hãng CNN, "Cyberpunk: Peach John" là tác phẩm manga bằng AI hoàn chỉnh đầu tiên trên thế giới vừa ra mắt.
Trong cuốn truyện tranh mới nhất "Cyberpunk: Peach John", tác giả truyện tranh Rootport đã mô tả nhân vật Momotaro - người được cho là sinh ra từ một quả đào khổng lồ - nhưng phải sống trong một tương lai đen tối. Trong khi nhà văn tự tạo ra cốt truyện và đối thoại thì những hình ảnh trong truyện được tạo ra bằng trí tuệ nhân tạo (AI).
Phía nhà xuất bản Shinchosha tin rằng "Cyberpunk: Peach John" là tác phẩm manga hoàn chỉnh đầu tiên trên thế giới bằng AI. Bắt đầu ra mắt tại Nhật Bản vào ngày 9/3, cuốn truyện được minh họa bằng Midjourney, một trình tạo hình ảnh trực tuyến có thể vẽ ra các bức ảnh chi tiết dựa trên yêu cầu của người dùng.
Tác giả Rootport đã nhập một chuỗi mô tả văn bản, sau đó tinh chỉnh bằng các hình ảnh phù hợp với cốt truyện của mình. Tác giả Rootport cho biết ông đã hoàn thành tác phẩm chỉ trong 6 tuần với hơn 100 trang. Không giống như nhiều ấn phẩm truyện tranh khác, nếu được in đầy đủ màu sắc trong một tác phẩm có quy mô như thế này, sẽ phải mất hơn một năm để hoàn thành.
Các công cụ hình ảnh AI trực tuyến như Midjourney, DALL-E 2, Stable Diffusion và Google's Imagen đã trở nên phổ biến kể từ khi công bố rộng rãi vào năm ngoái. Tuy nhiên, các tác giả truyện tranh vẫn mất nhiều công sức để tạo ra "hình ảnh hoàn hảo cho một cảnh cụ thể."
Đáng chú ý, Midjourney không thể sao chép trực tiếp các nhân vật hiện có trong các tư thế mới hoặc với các biểu cảm khuôn mặt khác nhau. Để giải quyết vấn đề này, ông Rootport đã tạo cho các nhân vật của mình những đặc điểm nổi bật (chẳng hạn như tóc hồng, tai chó hoặc bộ kimono đỏ) để giúp người đọc nhận ra các nhân vật khi bắt đầu câu chuyện.
"Ngay cả trong các tác phẩm manga huyền thoại, việc các nhân vật khác nhau trong phần đầu và phần cuối của bộ truyện đều rất bình thường," ông giải thích.
Các công cụ hình ảnh AI cũng gặp khó khăn trong việc hiển thị chính xác bàn tay con người, thường xuất hiện với quá nhiều (hoặc quá ít) ngón tay. Vì lý do này, Rootport cho biết ông đã hạn chế những cảnh có hình ảnh bàn tay của các nhân vật.
"Những bàn tay rất khó vẽ", ông nói.
Sáng tạo nghệ thuật qua AI
Việc sử dụng công cụ hình ảnh AI đang đặt ra câu hỏi về tính sáng tạo và tính toàn vẹn của nghệ thuật. Vào tháng 8 năm ngoái, nhà thiết kế trò chơi Jason M. Allen ở Colorado từng gây chú ý khi giành chiến thắng trong cuộc thi nghệ thuật trị giá 300 USD với hình ảnh bằng AI. Người dùng mạng xã hội đã đặt câu hỏi về giá trị nghệ thuật trong tác phẩm của Allen mặc dù ông khẳng định đã phải mất rất nhiều thời gian để cho ra tác phẩm qua AI.
"Không phải chỉ đơn giản là ghép các từ lại với nhau và giành chiến thắng trong các cuộc thi", Allen nói thêm.
Những tranh cãi tương tự đã gây chú ý ở thế giới truyện tranh.
Tuy nhiên, tác giả Rootport nhấn mạnh cuốn truyện tranh của ông, bao gồm 10 trang hướng dẫn cách cho độc giả biết cách sản xuất truyện tranh do AI tạo ra, là một tác phẩm nghệ thuật. Ông Rootport lập luận rằng rất ủng hộ nghệ thuật AI.
"Nếu bạn xem các tác phẩm - sử dụng các sản phẩm công nghiệp và thiết kế nhãn hiệu hiện có là nghệ thuật - thì không có lý do nào để đối xử khác biệt với AI", tác giả Rootport nhấn mạnh.
Tác giả cũng cho biết tác phẩm của ông đã được đón nhận tích cực khi đăng bản xem trước truyện tranh trên mạng.
"Cả con người và AI đều sáng tạo dựa trên dữ liệu quá khứ. Tuy nhiên, con người có thể tạo ra không chỉ từ dữ liệu mà còn từ cảm xúc, kinh nghiệm và giao tiếp. Hiện tại, AI vẫn chưa có cảm xúc hay trải nghiệm cũng như không thể giao tiếp. Về mặt này, AI chưa thể tự mình tạo ra một tác phẩm hoàn hảo. Và sự trợ giúp của con người là rất cần thiết", tác giả Rootport nói.
Ông Rootport tin rằng công nghệ AI cuối cùng sẽ giải phóng các nghệ sĩ khỏi "quá trình mệt mỏi" khi sáng tác manga, mà theo ông thường khiến các nghệ sĩ làm việc quá sức. Ông lập luận các công cụ như Midjourney có thể cải thiện điều kiện làm việc của ngành sáng tác.
"Công cụ AI không chỉ giúp mọi việc trở nên dễ dàng hơn đối với những người sáng tạo truyện tranh mà còn có khả năng cải thiện chất lượng của chính những câu chuyện đó. Vì vậy, bằng cách giảm lượng thời gian dành cho các công việc tốn nhiều công sức, người sáng tạo có thể dành nhiều thời gian và năng lượng hơn cho các khía cạnh sáng tạo của manga", ông nói./.