• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Venezuela lún sâu khủng hoảng, đứng trước thời kỳ "hậu Maduro"

Thế giới 15/02/2019 08:05

(Tổ Quốc)- Khủng hoảng thể chế, kinh tế, xã hội trầm trọng, lạm phát lên tới 1 triệu %.

Ở những mức độ khác nhau, hầu hết các nước lớn trên thế giới đều đã can dự vào tình hình nước này. Brazil và Colombia - hai nước láng giềng lớn của Venezuela – cũng đã đứng về phe chống đối Tổng thống Maduro.

Hồi cuối tuần trước, cả Nga và Mỹ đã cùng đệ trình lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hai dự thảo Nghị quyết về Venezuela. Washington kêu gọi bầu lại tổng thống Venezuela và dành ưu tiên cho viện trợ nhân đạo. Nga ủng hộ chế độ Maduro, chỉ trích một số "âm mưu can thiệp vào công việc nội bộ" của Venezuela, "đe dọa tính độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ" của quốc gia này. Một nguồn tin cho biết, bên trong hậu trường Liên hợp quốc, các bên vẫn tiếp tục đàm phán. Washington chưa ấn định ngày đưa dự thảo nghị quyết của Mỹ ra thảo luận. Trong trường hợp biểu quyết, đề xuất của Nga sẽ không hội đủ số phiếu để được thông qua.

Mỹ muốn lật đổ chính phủ cánh tả Maduro, người giương cao ngọn cờ chống "chủ nghĩa đế quốc Mỹ", chuyển đổi xu hướng chính trị của Mỹ Latinh theo hướng thiên hữu. Ngoài ra, Mỹ có lợi ích dầu mỏ tại nước này.

Venezuela lún sâu khủng hoảng, đứng trước thời kỳ hậu Maduro - Ảnh 1.

p.p1 {margin: 0.0px 0.0px 0.0px 0.0px; font: 19.0px 'Times New Roman'; -webkit-text-stroke: #000000}span.s1 {font: 12.0px Helvetica; font-kerning: none}span.s2 {font-kerning: none}Venezuela: Biểu tình chống chính phủ Maduro diễn ra thường xuyên trên đường phố Caracas.

Mối lo ngại lớn nhất của Nga là phong trào đối lập ủng hộ tổng thống tự phong Juan Guaido sẽ có các hành động chống lại lợi ích và công dân Nga ở Venezuela.

Venezuela nợ Nga 10,5 tỷ USD. Nga kiểm soát 49,9% Citgo, công ty vận hành ba nhà máy lọc dầu lớn thuộc sở hữu tập đoàn dầu khí quốc gia Venezuela. Moskva vừa ký được hợp đồng khai thác dầu trị giá hơn 5 tỷ USD. Venezuela là thị trường xuất khẩu vũ khí của Nga. Moscow đã bán cho chính quyền Venezuela 17 tỷ USD vũ khí hiện đại, trong đó có pháo hạng nặng, xe thiết giáp, tên lửa phòng không S-300 và cả tiêm kích Su-30. Venezuela được xem là một căn cứ quân sự tiềm năng để Nga phát huy ảnh hưởng ở Nam Mỹ.

Pete Duncan, giáo sư chính trị tại Đại học London, nhận định với Al Jazeera: "Nếu đánh mất quan hệ với Caracas, đó sẽ là đòn giáng nặng nề với Moskva. Putin sẽ làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn âm mưu thay đổi chế độ ở Venezuela".

Venezuela cung cấp khoảng 300.000 thùng dầu mỗi ngày cho Trung Quốc để trả dần khoản nợ 20 tỷ USD. Venezuela cũng là cứ điểm tiềm năng về quân sự của Trung Quốc ở Tây bán cầu.

Chuẩn bị thời kỳ "hậu Maduro"

Ngày 9/2, tại Caracas, trong một đoạn video được công bố, Đại tá Lục Quân Ruben Alberto Paz Jimenez tuyên bố "không công nhận Maduro là Tổng thống" mà xem Tổng thống tự phong Juan Guaido là người đứng đầu Quân đội. Ông Pas Jemenez kêu gọi bộ trưởng Quốc Phòng Venezuela, Vladimir Padrino Lopez, một người trung thành với Tổng thống Nicolas Maduro, nên "suy nghĩ kỹ" trước một thời điểm mang tính quyết định đối với Venezuela. Ông này kêu gọi Caracas nhanh chóng mở cửa biên giới để viện trợ nhân đạo quốc tế đến được tay người dân Venezuela.

Tuy nhiên, quân đội Venezuela vẫn khẳng định ủng hộ Maduro. Trong số 32 bộ trưởng của chính phủ hiện nay, 9 người có xuất thân quân đội, kiểm soát các lĩnh vực quan trọng như quốc phòng, nội vụ, nông nghiệp, thực phẩm và cả công ty dầu mỏ nhà nước PDVSA. Doanh nghiệp này có vị thế trọng yếu vì 96% doanh thu của Venezuela đến từ dầu thô.

Venezuela lún sâu khủng hoảng, đứng trước thời kỳ hậu Maduro - Ảnh 2.

Quân cảnh vệ quốc gia đàn áp những người biểu tình tại Caracas năm 2018.

Theo phân tích của Stratfor, một tổ chức tình báo tư nhân Mỹ, cộng đồng quốc tế đã chuẩn bị cho một thế giới hậu Maduro. Với cấm vận xiết chặt, Tổng thống Nicolas Maduro đang vật lộn bám giữ quyền lực và việc ông bị lật đổ trong vài tháng nữa đang hiện hữu. Sau bốn năm nền kinh tế suy sụp và hơn một thập kỷ quản lý sai lầm, Venezuela đang cần sự trợ giúp của quốc tế.

Nhóm Lima, Mỹ và một số nước EU sẽ phối hợp với World Bank và Quỹ tiền tệ quốc tế IMF cung cấp tài chính tái thiết Venezuela. Theo Bộ Tài chính Colombia, Venezuela cần ít nhất 60 tỷ USD để tái thiết. Carlos Vecchio, đại diện của Tổng thống tự phong Juan Guaido tại Mỹ, nói chính phủ của Guaido sẽ đưa ra đạo luật xóa bỏ yêu cầu Công ty nhà nước Petro de Venezuela phải nắm đa số cổ phần trong các liên doanh.

Kế hoạch trợ giúp về kinh tế cho Venezuela cho thấy cần thiết phải có một lộ trình ổn định kinh tế sau Maduro và đưa đất nước trở lại một nền tài chính khỏe mạnh. Mặc dù tội phạm và tham nhũng sẽ còn kéo dài, ổn định tài chính công đối với Venezuela trong vài năm tới sẽ giải quyết nạn lạm phát phi mã và giảm dần dòng người Venezuela di cư sang các nước láng giềng.

Ưu tiên của chính quyền Venezuela sau Maduro sẽ là phải ổn định nền tài chính công và kiềm chế lạm phát, khuyến khích nền kinh tế tăng trưởng thông qua những thay đổi về luật lệ và cơ cấu lại các khoản nợ các tổ chức tài chính và có thể cả với Nga và Trung Quốc.

Theo các nhà quan sát, xuất khẩu dầu lửa vẫn là cách nhanh nhất, hiệu quả nhất để đem lại thu nhập cho đất nước. Cản trở chính cho kinh tế tăng trưởng trong lĩnh vực dầu khí là sự tham nhũng của quân đội. Là một lực lượng quyền lực duy nhất tại Venezuela, quân đội sẽ có thể đòi các khoản hối lộ lớn, kể cả khi lực lượng đối lập soạn ra các quy định chống tham nhũng./.



Lưu Việt

NỔI BẬT TRANG CHỦ