(Tổ Quốc) - Công an TP HCM xác định trên địa bàn có 873 đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi, trong đó hơn 2/3 là người các tỉnh phía Bắc, không ít đối tượng đang bị điều tra, truy nã.
- 05.12.2018 Vụ bảo vệ bị giết, chôn xác ở Sài Gòn: Cướp tài sản trả nợ vay nặng lãi
- 29.11.2018 "Sập bẫy" cho vay nặng lãi, nữ sinh vỡ nợ hơn 340 triệu đồng
- 21.11.2018 Tìm không được chồng, nhóm cho vay nặng lãi đánh đập, bắt vợ ở Sài Gòn
- 09.11.2018 Giáo viên cho vay nặng lãi bị bắt giữ cùng 500 triệu
- 06.11.2018 Công an Đà Nẵng liệt kê danh sách các đối tượng cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê
Tại ngày làm việc thứ 2 kỳ họp HĐND TP HCM lần thứ 12 khóa IX, một số đại biểu đề cập tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi đang lộng hành, gây nhiều hệ lụy.
Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó giám đốc Công an TP HCM cho biết, thuật ngữ "tín dụng đen" được lấy từ phim xã hội đen Hồng Kông. Còn ở góc độ pháp luật, đây là vi phạm về hoạt động tín dụng không có giấy chứng nhận đủ điều kiện của ngân hàng nhà nước Việt Nam về lãi suất vượt quy định. Hiện nay theo luật dân sự, lãi suất cao nhất không vượt quá 20%/năm.
Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó giám đốc Công an TP HCM
Theo tướng Minh, bây giờ dư luận và người dân thấy nhiều, chứ từ năm 2014, công an TP bắt đầu phát hiện có tình trạng các đối tượng, chủ yếu là phía bắc vào thuê nhà, hoạt động tín dụng trái phép ở địa bàn TP.
"Thực ra vi phạm về cho vay nặng lãi không phải là lớn, nhưng hậu quả phát sinh sau nó là điều đáng lo ngại" – Thiếu tướng Phan Anh Minh nói và cho biết, năm 2014, trung bình 1 tháng có 1 vụ án hình sự, là hệ quả của hoạt động cho vay trái pháp luật, còn hiện này là 4 vụ.
Án nhẹ nhất là xâm phạm về chỗ ở, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt, hủy hoại tài sản; còn nặng là giết người. Tính riêng năm nay thành phố có 3 vụ án mạng do thu hồi nợ không được.
Phó GĐ Công an TP HCM thông tin, qua điều tra, xác định trên địa bàn TP có 873 đối tượng hoạt động cho vay trái pháp luật và vi phạm lãi suất. Trong đó hơn 2/3 là người các tỉnh phía Bắc, không ít đối tượng đang bị điều tra, truy nã.
Hoạt động cho vay nặng lãi hoành hành ở TP HCM, phần lớn do các đối tượng cộm cán ở phía Bắc vào
Lực lượng công an đã lập biên bản 60 nhóm với hơn 320 đối tượng vi phạm. Tuy nhiên, hầu hết chỉ bị xử phạt hành chính về những vi phạm không đáng kể như không đăng ký tạm trú, gây mất trật tự công cộng... Chỉ ít băng nhóm gây án hình sự như tàng trữ vũ khí quân dụng trái phép, bị khởi tố, tạm giam.
"Công an TP kiểm tra hàng loạt địa bàn quận 6, 8, 9, thu được hơn 20 can chất bẩn của các băng nhóm. Đây là chất dịch thải ra từ các lò mổ, chúng mua về để 10 ngày rồi mới đem đi gây áp lực, đe dọa con nợ để đòi tiền. Khi cảnh sát mở các can này ra lập biên bản, các đối tượng cũng ói mửa chịu không nổi. Thứ đó mà tạt vào nhà dân thì chỉ có nước cạo tường ra sơn lại mới hết", tướng Minh nói.
Khó xử lý hình sự vì vướng luật
Thiếu tướng Phan Anh Minh nói rằng cả Bộ Công an và Công an TP rất muốn xử lý nghiêm hành vi cho vay nặng lãi, nhưng việc xử lý hình sự các vi phạm này rất khó vì vướng quy định.
Phó GĐ Công an TP HCM cho biết, trước đây, theo Bộ luật hình sự cũ, gần như không vụ nào có thể khởi tố được vì căn cứ định tội phải "có tính chất bóc lột", "phải có giá trị thặng dư" trong khi các nạn nhân không phải người lao động nên không thể có bóc lột. Vì không bị xử lý nặng nên các băng nhóm này hoành hành.
Xịt sơn, ném chất bẩn là các cách khủng bố con nợ của các băng nhóm cho vay nặng lãi
Trong Bộ luật hình sự mới vừa có hiệu lực quy định: lãi suất khoảng 8,33% mỗi tháng, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên, bị xử lý bằng hình phạt là cải tạo không giam giữ. Thu lợi bất chính đến 100 triệu đồng thì hình phạt cao nhất là 3 năm tù nhưng không được tạm giam.
Theo tướng Minh, cho vay nặng lãi thuộc nhóm vi phạm bên tài chính ngân hàng, chứ không phải tội hình sự là một vướng mắc. Hiện nay trong toàn bộ hệ thống luật hành chính không có vi phạm về cho vay vượt lãi suất quy định.
"Trước đây chúng ta ngộ nhận đó là giao dịch dân sự do các bên tự thỏa thuận với nhau, khi các bên có tranh chấp về lãi suất thì tòa án sẽ giải quyết. Đây là sơ hở khi chúng ta lập pháp", tướng Minh nhận định.
Về hướng giải quyết, tướng Phan Anh Minh cho hay, một số vấn đề đang được lấy ý kiến sửa đổi đồng bộ và có hệ thống. Khi đó cơ quan chức năng sẽ có cơ sở pháp lý để xử lý "tín dụng đen" một cách căn cơ.
Công an thành phố cũng đưa nội dung "đấu tranh với tín dụng đen" vào kế hoạch cao điểm phòng chống tội phạm, đồng thời xây dựng đề án tăng cường chất lượng hoạt động của công an phường xã (trong đó có nội dung quản chặt nhân khẩu) để sớm phát hiện tội phạm trên địa bàn.
Ngoài ra, Phó GĐ Công an TP HCM cũng đề nghị hội đồng định giá trong các hoạt động tố tụng cần đánh giá thiệt hại từ việc tạt chất bẩn, sơn... khiến nạn nhân phải tô sửa lại nhà, để có căn cứ xử lý các băng nhóm về hành vi Hủy hoại tài sản.