(Tổ Quốc) - Nhà báo kỳ cựu Cary Huang cho biết, lịch sử lâu dài của các siêu cường như Trung Quốc và Nga luôn tồn tại và giống như một bài toán khó đối với các hoài nghi từ Mỹ.
Nga Trung chung luận điệu về Triều Tiên
Nga và Trung Quốc nằm trong số ít các quốc gia có quan hệ kinh tế với Triều Tiên. Hai nước nhiều lần kêu gọi các bên nên kiềm chế giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Moscow và Bắc Kinh có chung lo lắng khi Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại Hàn Quốc.
Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh minh họa |
Triều Tiên ngày 3/9 tuyên bố thử thành công một quả bom nhiệt hạch có thể gắn lên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), đánh dấu lần thử hạt nhân thứ 6 của nước này. Đây có thể là mối đe dọa lớn đối với Washington. Tổng thống Mỹ Donald Trump sau đó tuyên bố cắt đứt mọi quan hệ với những nước vẫn con duy trì giao dịch Triều Tiên. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ còn cảnh báo "có nhiều phương án để hủy diệt" Triều Tiên.
"Tránh có leo thang. Những người thông minh nên biết được lý do để kiềm chế", Thứ trưởng Ryabkov nói. Ông gọi việc Washington kêu gọi trừng phạt Bình Nhưỡng là không nên.
“Chúng tôi hoàn toàn không thể chấp nhận việc chúng tôi đang nỗ lực giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân Triều Tiên, tuy nhiên, những lợi ích của chúng tôi lại bị trừng phạt hoặc bị ảnh hưởng bởi chính điều này. Điều này không khách quan và thật bất công", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nhấn mạnh sau tuyên bố của Tổng thống Trump.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị một mặt kêu gọi Hội đồng Bảo an nên có các hành động để kiềm chế Triều Tiên, mặt khác tuyên bố vấn đề Triều Tiên cần được giải quyết thông qua đối thoại.
Theo chuyên gia Catherine Dill từ Trung tâm Nghiên cứu Chống phổ biến vũ khí James Martin, Nga và Trung Quốc có thể sẽ không chống đối mạnh mẽ các biện pháp trừng phạt Triều Tiên do Mỹ đề xuất vì xét trên khía cạnh chính trị, cả hai nước đều khó thực hiện điều này. Tuy nhiên, Moscow và Bắc Kinh có thể sẽ tìm cách đàm phán để loại bớt một số đề xuất trừng phạt do Washington đưa ra ban đầu.
Ông Artyom Lukin, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Liên bang Viễn Đông của Nga, nói rằng Nga và Trung Quốc vẫn có lợi ích chiến lược chung trong vấn đề Triều Tiên, vì cả hai đều lo sợ rằng sự sụp đổ của Bình Nhưỡng sẽ gây ra tình trạng bất ổn ở khu vực biên giới của cả hai nước.
“Cả Nga lẫn Trung Quốc đều quan tâm tới sự tồn tại lâu dài của Triều Tiên vì cả hai nước đều xem Triều Tiên như một đòn bẩy để chống lại các liên minh do Mỹ làm trung tâm ở khu vực Đông Bắc Á”, chuyên gia Lukin cho biết.
“Moscow cũng như Bắc Kinh đều lo ngại rằng các tuyên bố mạnh mẽ của Tổng thống Donald Trump có thể sẽ kích động một cuộc chiến tranh, mà nếu cuộc chiến này xảy ra, sẽ hủy diệt hoàn toàn bán đảo Triều Tiên, đồng thời gây ra những hậu quả thảm khốc về kinh tế và môi trường cho các quốc gia láng giềng”, ông Lukin cho biết thêm.
Hợp tác tăng cường ảnh hưởng toàn cầu
Các cuộc diễn tập quân sự hàng năm giữa hai siêu cường thứ hai và thứ ba thế giới luôn duy trì tại Vladivostok vào 18-21/9 và cuộc diễn tập trên biển tại Biển Nhật bản và biển Okhotsk trong thời gian từ 22-26/9.
Các hoạt động chung từ châu Âu đến châu Á không chỉ nhằm thúc đẩy quan hệ quân sự mà còn thắt chặt quan hệ hai nước và ít nhiều gây áp lực đối với Mỹ.
Các cuộc diễn tập lớn nhất đã đã diễn ra trong bối cảnh các căng thẳng leo thang tại bán đảo Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố tham vọng hạt nhân khiến cho thế giới có nhiều lo lắng.
Moscow và Bắc Kinh có chia sẻ quan điểm chung và kêu gọi các bên liên quan nên kiềm chế và tìm cách giải quyết hòa bình đối với Bình Nhưỡng. Nga và Trung Quốc cũng phản đối việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc nhằm tăng cường bảo vệ đối phó với Triều Tiên.
Gần đây, quan hệ của Mỹ với Trung Quốc và Nga liên tục trở nên căng thẳng. Trong khi Moscow cũng luôn “chiến tranh lạnh” với phương Tây khi liên quan đến các vấn đề Ukraine và can thiệp tại Syria thì Bắc Kinh cũng vướng vào các mâu thuẫn biển Đông và biển Hoa Đông với Washington.
Thêm vào đó, việc thúc đẩy mối quan hệ quân sự giữa Bắc Kinh và Moscow cũng khiến Mỹ khó khăn trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, quá trình phát triển của hai nước được xem là điều dễ hiểu. Cả Trung Quốc và Nga cần phải trở thành đôi bạn quyền lực tăng cường ảnh hưởng toàn cầu, chung tay đối phó với các cứng nhắc của Mỹ. Moscow và Bắc Kinh nhận thấy lựa chọn chiến lược nhất để có thể đối phó với mọi sóng gió là song hành cùng nhau.
Tuy nhiên, điều này không hề liên quan đế lợi ích quốc gia khác như Ukraine, Syria, NATO, xung đột biển Đông, biển Hoa Đông và Đài Loan.
Mặc dù cùng chung biên giới dài nhất thế giới nhưng cả Trung Quốc và Nga đều chia sẻ ít quyền lợi chung trong lĩnh vực lịch sử, văn hóa, tôn giáo và truyền thống.
(Theo scmp)