(Toquoc)-Nhiều người tức giận. Số khác chỉ trích ông Bush đang tự bào chữa hay che giấu những quyết định sai lầm nghiêm trọng của mình.
(Toquoc)-Cuốn hồi ký mới xuất bản của cựu Tổng thống Bush làm nước Mỹ sôi sục. Những bí mật động trời được tiết lộ. Dân Mỹ và thế giới kinh ngạc. Nhiều người thấy tức giận, số khác chỉ trích cựu Tổng thống Mỹ chỉ đang tự bào chữa hay che giấu những quyết định sai lầm nghiêm trọng của mình.
Ngày 9/11, cuốn Hồi ký “Decision Points” (Những thời điểm quyết định) của cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush ra mắt công chúng và gây xôn xao dư luận. Đợt phát hành đầu tiên, NXB Crown Publishes tung ra 1,5 triệu bản với giá 35USD/cuốn, riêng 1.000 cuốn có chữ ký tác giả được bán với giá 350USD. Cựu chuyên viên viết diễn văn tại Nhà Trắng, Chris Michel, giúp ông Bush chấp bút. Trong ngày đầu tiên phát hành, ít nhất 170.000 bản in và khoảng 50.000 bản điện tử được bán ra. Đây là kết quả tiêu thụ lớn nhất trong ngày đầu tiên phát hành một tác phẩm không hư cấu do Random House Inc xuất bản trong sáu năm qua. Kết quả này là khá bất ngờ trong bối cảnh nền kinh tế nước Mỹ đang rơi vào suy thoái.
Cựu Tổng thống Mỹ G. Bush và bìa cuốn hồi ký
Những bí mật
Trong cuốn hồi ký, ông Bush tiết lộ một bí mật chưa từng công bố, rằng ông từng ra lệnh cho Lầu Năm góc lên kế hoạch tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran. Một vài cố vấn của ông Bush từng kiến nghị nên tổ chức đàm phán trực tiếp với Iran, nhưng bị ông bác bỏ.
Về vụ cơ sở hạt nhân ở sa mạc phía đông của Syria bị huỷ diệt tháng 9/2007, ông Bush khẳng định Israel tự làm việc này chứ Mỹ không “dính dáng”. Lúc đó, sau khi Thủ tướng Israel Ehud Olmert đề nghị Mỹ không kích cơ sở nói trên, ông Bush triệu tập đội ngũ an ninh quốc gia để thảo luận về một cuộc tấn công bí mật, nhưng CIA và quân đội Mỹ kết luận là hành động đó quá mạo hiểm nên ông Bush đã nói “không”.
Ngoài các vấn đề chính trị, Bush cũng tiết lộ một số chuyện về đời sống riêng tư.
Lãnh đạo thế giới trong mắt Bush
Đánh giá về những lãnh đạo thế giới và quan hệ với họ trong suốt 8 năm trong Nhà Trắng, ông Bush dùng lời lẽ khi tử tế, lúc chua cay, đả kích, và cả một số nhằm hoá giải những mâu thuẫn trước đây.
Về Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. "Một người có thái độ không dễ bị kích động, luôn giữ óc tư duy”, và từng nói với ông Bush rằng, điều khiến ông trăn trở hàng đêm là yêu cầu tạo ra 25 triệu việc làm mới mỗi năm để thích ứng với tốc độ gia tăng dân số.
"Đó là dấu hiệu cho thấy, ông là một nhà lãnh đạo thực tế, hướng nội không phải là người chỉ lý luận, thích bộc lộ lo lắng ra bên ngoài”.
Về cựu Thủ tướng Anh Tony Blair. Ông Bush ca ngợi cựu Thủ tướng Anh là người bạn gần gũi nhất trên trường quốc tế. Ông Bush nhấn mạnh: “Một số đồng minh của chúng tôi đã dao động, nhưng Tony Blair không bao giờ làm vậy”, khi nói về sự ủng hộ của nước Anh với Mỹ trong cuộc chiến Iraq và Afghanistan. Nhà Bush và nhà Blair đã nhanh chóng kết thân với nhau trong cuộc gặp đầu tiên vào tháng 2/2001.
Cựu Tổng thống Nga Vladimir Putin, hiện đảm nhận chức Thủ tướng. "Đôi khi tự phụ, đôi khi rất thu hút, luôn luôn cứng rắn”, cựu Tổng thống Mỹ viết về đồng nhiệm Nga.
Ông Bush còn đề cập tới sự phản đối của Putin về cuộc chiến Iraq tháng 3/2003: “Dường như với tôi, một phần lý do là Putin không muốn tổn hại tới những hợp đồng dầu khí béo bở của Nga”.
Cựu Tổng thống Bush cũng nói rằng cuộc chiến của Nga với Gruzia vào tháng 8/2008 làm xấu đi mối quan hệ giữa hai người. Ông cũng nhắc đến một lần nói chuyện trong đó Putin tự tuyên bố mình là người "máu nóng", nhưng Bush trả lời rằng: "Không, Vladimir, anh là người máu lạnh".
Tổng thống và cựu Tổng thống Pháp. Tổng thống Nicolas Sarkozy được mô tả là một lãnh đạo “năng động”, “người đã dẫn dắt mô hình ủng hộ Mỹ”. Người tiền nhiệm của ông, Jacques Chirac, được Bush viết trong hồi ký như một người thích diễn thuyết với các nhà lãnh đạo thế giới khác về đạo lý và chính sách.
"Jacques Chirac và tôi không nhất trí với nhau nhiều”. Bush dẫn việc ông Chirac gọi lãnh đạo Palestine Yasser Arafat "là người đàn ông quả cảm”, và nói với các nhà lãnh đạo G8 khác rằng, ông Putin điều hành nước Nga quá tốt và không cần lời khuyên nào từ phương Tây.
Kể về Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi, ông Bush viết, một ngày sau cuộc tấn công khủng bố 11/9/2001, ông Berlusconi đã “khóc như một cậu bé con và không thể dừng lại được”.
Cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder. Trong cuốn hồi ký của mình, ông Bush mô tả, ông Schroeder đã trao đổi với ông trước cuộc chiến Iraq “Tôi sẽ ở bên ông” nếu việc dùng vũ lực là cần thiết, sau đó, để tái cử, ông đã phản đối mạnh mẽ viễn cảnh chiến tranh.
Ông Bush viết rằng, ông cảm thấy lòng tin của ông bị tổn thương và nhấn mạnh rằng, ông Schroeder đã trở thành chủ tịch một công ty thuộc sở hữu của Gazprom, tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nga, khi ông còn còn giữ ghế lãnh đạo.
Những sai lầm
Cựu Tổng thống Mỹ thừa nhận một số khuyết điểm trong thời kỳ đương chức, trong đó có những sai lầm liên quan đến cơn bão lịch sử Katrina và cuộc chiến tại Iraq.
Chiến tranh Iraq
“Với cương vị là lãnh đạo của chính quyền liên bang, lẽ ra tôi phải nhìn ra những vấn đề bất cập sớm hơn, và giải quyết kịp thời hơn” - ông Bush nói.
Về cuộc chiến Iraq, ngày 8/11, khi trả lời một chương trình truyền hình của kênh NBC, cựu Tổng thống Mỹ cho biết: "Bản thân tôi đã phản đối việc khai chiến tại Iraq, tôi cũng cảm thấy rất phẫn nộ khi biết đã không tìm thấy bất cứ bằng chứng nào để chứng minh Iraq sở hữu vũ khí huỷ diệt hàng loạt. Tôi cũng cảm thấy ghê tởm khi chứng kiến những bức ảnh nói về việc ngược đãi tù nhân do lính Mỹ thực hiện...".
"Tôi là người đã phản đối dùng vũ lực. Tôi không muốn chiến tranh nên đã tìm cơ hội ở các kênh ngoại giao khác", Bush nói thêm. Trả lời câu hỏi của một nhà báo về việc đưa quân sang Iraq tại thời điểm đó có phải do sự thúc giục của phó Tổng thống Dick Cheney hay không thì ông Bush đã trả lời: "Tôi mới là người có quyền quyết định nên xuất quân hay không... Ông ấy (chỉ Dick Cheney) nói: "Chúng ta xuất quân thôi... nhưng tôi đã không đồng ý...".
Tuy nhiên cuộc chiến tại Iraq kéo dài tới 7 năm với hàng nghìn lính Mỹ chết trận, hàng tỷ đô la tiền thuế của dân Mỹ bị phung phí.
"Sau nửa năm tham gia cuộc chiến mà không tìm thấy vũ khí hủy diệt, chính bản thân tôi cũng cảm thấy kinh hoàng và phẫn nộ. Khi đó, mỗi ngày trôi qua với tôi rất nặng nề, cứ như mình mắc phải một căn bệnh nào đó...". Tuy nhiên, vị tổng thống này không hề nói tới hai chữ xin lỗi tới nhân dân Mỹ. Nhiều nhà phân tích cho rằng, nếu như nói lời xin lỗi, thì căn bản cũng giống như thừa nhận về sai lầm trong quyết sách.
Ông Bush cũng thừa nhận mình đã “đi sai một bước” khi cho phép phóng viên chụp tấm ảnh ông ngồi trên chuyên cơ và nhìn xuống New Orleans sau khi thảm họa Katrina vừa quét qua. Bức ảnh không chứng minh được điều gì ngoài sự thiếu linh hoạt, nhạy bén của chính quyền liên bang.
Ông Bush từng muốn “thay thế” Bộ trưởng Quốc phòng khi ấy là ông Donald Rumfeld hồi năm 2006, song lại không chọn được người thế chỗ thích hợp.
Ông Bush cũng từng có ý định “phế” phó Tổng thống khi ấy là ông Dick Cheney, vì những sai lầm của ông này tại chiến trường Iraq. Tuy nhiên, ý định đã không được thực hiện.
Chỉ trích
Cuốn Hồi ký của cựu Tổng thống Bush không chỉ làm xôn xao dư luận Mỹ mà quốc tế cũng đặc biệt quan tâm. Đa số các ý kiến cho rằng, đây chỉ là những lời biện minh nhằm che giấu nhiều quyết định sai lầm nghiêm trọng của ông Bush trong suốt 8 năm cầm quyền.
Nhận được sự quan tâm hơn cả là những quyết định liên quan đến mối quan hệ với Israel, động cơ phát động hai cuộc chiến tranh và phản ứng với các lãnh đạo thế giới.
Tại Anh, tờ Telegraph gọi cuốn hồi ký của ông Bush là minh chứng cho thấy chính trị đổi thay nhanh chóng thế nào. Từ tỷ lệ ủng hộ 90% vào thời điểm tháng 9/2001, khi xảy ra cuộc tấn công khủng bố 11/9, ông Bush rời nhiệm sở năm 2009 với chỉ 25% người ủng hộ.
Trong khi đó, báo giới Israel lại tập trung mũi nhọn vào những bí mật động trời về cuộc tấn công Syria hồi năm 2007 mà ông Bush tiết lộ trong hồi ký. Theo tờ Haaretz của Israel, cuốn sách của ông Bush cho thấy một bài học quý báu cho chính quyền Israel. “Người Mỹ dường như không muốn đáp ứng nguyện vọng của người dân Israel. Trong hoàn cảnh này, tinh thần tự thân vận động quan trọng hơn cả và tốt hơn hết là im lặng hành động, thay vì thông báo rùm beng”.
Trong khi đó, báo giới Syria lại “im hơi lặng tiếng” về vụ tiết lộ cuộc tấn công này. Press TV của Iran, một đồng minh thân cận của Syria, cũng chỉ nhận xét: “Ông Bush dường như né tránh mọi tội lỗi chiến tranh của mình”.
Sami Moubayed, Tổng biên tập tờ tạp chí Forward của Syria khẳng định: “Sau hai năm suy ngẫm, cựu Tổng thống Mỹ vẫn chưa nhận ra những lỗi lầm của mình và cũng không tỏ bất cứ thái độ ăn năn nào”.
“Mọi ngôn từ trong cuốn hồi ký đều nhằm mục đích che giấu tội lỗi của ông ta, đặc biệt trong vụ việc tra tấn phạm nhân. Ông ấy dường như không chút day dứt về những hành động sai trái của mình”, ông Moubayed viết.
Tờ The Sydney Morning Herald của Australia viết, trong cuốn sách, ông Bush khẳng định thời điểm khiến tâm trạng ông trùng xuống nhất trong hai nhiệm kỳ Tổng thống là lúc ca sĩ da màu Kanye West cáo buộc ông không quan tâm tới người da màu.
Tuy nhiên, theo The Sydney Morning Herald, thời điểm tồi tệ nhất của ông Bush đáng ra phải là lúc ông trở thành đích đến của màn “giày bay” tại Iraq năm 2008. “Cuối cùng, Tổng thống ngông nghênh cũng phải cúi đầu chỉ để tránh một chiếc giày”, The Sydney Morning Herald nhấn mạnh.
Dù có những biện minh, che giấu cho nhiều sai lầm của mình, cựu Tổng thống Bush cũng không thể phủ nhận ông chính là người phát động hai cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan; sự tắc trách, phản ứng chậm chạp của chính quyền liên bang khiến cho thảm hoạ Katrina, vụ khủng bố 11/9 thêm nặng nề; những vụ tra tấn tù nhân vô nhân đạo và một di sản cho người kế nhiệm chẳng vẻ vang gì - cuộc khủng hoảng kép của nước Mỹ với nền chính trị chia rẽ, kinh tế suy thoái, thất nghiệp và nợ công tăng vọt… Không có gì đánh giá tốt nhất những việc ông đã làm trong 8 năm bằng chính sự phản ứng của cử tri nữa: 90% người Mỹ ủng hộ ông vào thời điểm đỉnh cao và khi về hưu con số này chỉ còn là 25%./.
Võ Vân (Tổng hợp)