• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ đầu tư phát triển tàu sân bay hạng nhẹ?

Thế giới 01/09/2022 19:12

(Tổ Quốc) - Theo tờ Asia Times, hàng không mẫu hạm hạng nhẹ TCG Anadolu đã làm nổi bật học thuyết phát triển mới của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vươn tới Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương.

Thông tin cơ bản

TCG Anadolu, do nhà máy đóng tàu Sedef (Thổ Nhĩ Kỳ) phối hợp với hãng Navantia của Tây Ban Nha chế tạo, đã được hạ thủy vào tháng Hai năm nay và trải qua một loạt các cuộc thử nghiệm trên biển trong tháng Ba.

Nó có thể được xem là một tàu sân bay mini với khả năng triển khai tại biển Aegean, Biển Đen, Địa Trung Hải, cũng như Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương.

TCG Anadolu được thiết kế dựa trên mẫu SPS Juan Carlos I (tàu tấn công đổ bộ đa năng kiêm tàu sân bay) của Hải quân Tây Ban Nha. Nó kết hợp các tính năng của tàu sân bay với tàu đổ bộ và được định danh là tàu đổ bộ chở trực thăng (LHD).

Chiếc tàu sân bay hạng nhẹ được kỳ vọng sẽ trở thành kỳ hạm của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ với chiều dài 232m, rộng 32m. Con tàu trang bị hệ thống quản lý tác chiến GENESIS-ADVENT do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất và radar Leonardo SPN-720 của Italia.

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ đầu tư phát triển tàu sân bay hạng nhẹ? - Ảnh 1.

Tàu sân bay TCG Anadolu tại cảng. Nguồn: Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ

Theo dự kiến ban đầu, TCG Anadolu sẽ triển khai phiên bản cất cánh ngắn/hạ cánh thẳng đứng của F-35. Tuy nhiên, do đã bị Mỹ loại khỏi chương trình này sau khi quyết định mua hệ thống phòng không S-400 của Nga nên Thổ Nhĩ Kỳ hiện có kế hoạch vận hành máy bay tấn công huấn luyện hạng nhẹ nội địa mang tên Hürjet.

Hürjet là máy bay 1 động cơ, 1 chỗ ngồi với hệ thống điện tử hàng không hiện đại, có thể đảm nhiệm các vai trò huấn luyện và tấn công hạng nhẹ. Tuy nhiên, Ankara vẫn cần phải tiến hành một số sửa đổi về mặt thiết kế của cả Hürjet và TCG Anadolu để chúng tương thích. Ví dụ như, khung máy bay của Hürjet cần được tăng cường để chịu được áp lực khi đáp xuống tàu sân bay.

Ngoài ra, do TCG Anadolu ban đầu được thiết kế để triển khai phiên bản cất cánh ngắn/hạ cánh thẳng đứng của F-35 nên giờ đây, nó cần được trang bị hệ thống máy phóng mới có thể triển khai được Hürjet. Hệ thống cáp hãm đà cũng cần được bổ sung.

Hiện vẫn chưa rõ Hürjet có thể dừng lại bằng cách nào trong trường hợp móc trượt cáp hãm đà, bởi sàn đáp của TCG Anadolu quá ngắn, khiến máy bay khó có thể cất cánh trở lại.

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ đầu tư phát triển tàu sân bay hạng nhẹ? - Ảnh 2.

Máy bay huấn luyện và tấn công hạng nhẹ Hürjet tại triển lãm ở Istanbul năm 2018. Nguồn: Wiki

Con tàu còn có khả năng mang các loại trực thăng như trực thăng tấn công nội địa T129 ATAK của Thổ Nhĩ Kỳ, trực thăng chống ngầm S-70 Seahawk (Mỹ) và một số loại trực thăng hạng nặng. TCG Anadolu có thể mang tổng cộng 14 trực thăng, tuy nhiên, con số này có thể thay đổi tùy yêu cầu nhiệm vụ.

Ankara cho biết, TCG Anadolu có thể được trang bị phiên bản hải quân của máy bay không người lái Bayraktar, mang tên Bayraktar TB-3. Mẫu máy bay này vẫn đang trong quá trình phát triển. Nó được thiết kế để cất cánh và hạ cánh trên các tàu đổ bộ bằng cách sử dụng hệ thống con lăn tương đối đơn giản, cùng với lưới cứu hộ.

Bayraktar TB-3 được dự đoán có khối lượng cất cánh 1.450kg và đôi cánh có thể gập lại để tiết kiệm không gian trên tàu. TCG Anadolu có thể mang từ 30-50 máy bay loại này.

Ngoài TCG Anadolu, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang lên kế hoạch đóng một tàu khác cùng lớp mang tên TCG Trakiya.

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ đầu tư phát triển tàu sân bay hạng nhẹ? - Ảnh 3.

Máy bay không người lái Bayraktar. Ảnh: Wiki

Tiềm năng triển khai lực lượng

Theo tờ Asia Times, tàu sân bay hạng nhẹ là một hạng mục tiêu biểu trong chương trình hiện đại hóa hải quân toàn diện của Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara còn đang dự định mua các khinh hạm MILGEM (để thay thế các tàu lớp Oliver Hazard đã cũ), khu trục hạm phòng không TF-2000 và tàu ngầm trang bị hệ thống đẩy không khí độc lập lớp Reis.

TCG Anadolu được dự đoán sẽ mang tới cho Thổ Nhĩ Kỳ tiềm năng triển khai lực lượng mạnh mẽ và trở thành phương tiện ngoại giao hải quân của Ankara tại khu vực Biển Đen, cũng như Địa Trung Hải.

Do TCG Anadolu được thiết kế hướng tới vai trò kỳ hạm nên nó cũng cho thấy kỳ vọng của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc nâng cao vị thế của nước này, nhằm trở thành một bên đóng vai trò quan trọng trong các sứ mệnh đa quốc gia như CTF-151 ở châu Phi, UNIFIL ở Địa Trung Hải và các cuộc tập trận hải quân quốc tế khác.

Những phát triển này phù hợp với học thuyết mới của Thổ Nhĩ Kỳ, phản ánh các lợi ích kinh tế, địa-chính trị và lợi ích chiến lược của Ankara trong bối cảnh hàng hải hiện nay.

Trong học thuyết này, Thổ Nhĩ Kỳ muốn khẳng định yêu sách lãnh thổ của mình đối với Hy Lạp, đảm bảo nguồn dự trữ năng lượng đáng kể ở Đông Địa Trung Hải, và định vị Thổ Nhĩ Kỳ như một quốc gia hàng hải quan trọng, cũng như là trung tâm giữa châu Âu, châu Á và châu Phi.

Điều này cũng phản ánh mong muốn của Ankara là trở thành một cường quốc ở khu vực Địa Trung Hải, có khả năng bảo vệ lợi ích quốc gia một cách độc lập và trở thành cường quốc hàng hải mới.

Nhật Minh

NỔI BẬT TRANG CHỦ