(Tổ Quốc) - Tại khu vực sạt lở thuộc thủy điện Rào Trăng 3, lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã thi công đến điểm cuối của dòng chảy nhân tạo, đẩy nhanh tiến độ công tác nắn dòng đắp đập trên sông Rào Trăng để phục vụ việc tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích.
- 16.11.2020 Sớm nối lại việc tìm kiếm các nạn nhân mất tích tại Rào Trăng 3
- 09.11.2020 Sẽ "ngăn đập, nắn dòng" để tìm kiếm các nạn nhân tại Thủy điện Rào Trăng 3
- 31.10.2020 Dốc toàn lực tìm kiếm 12 công nhân mất tích tại thủy điện Rào Trăng 3
- 30.10.2020 Người nhà nạn nhân tại Rào Trăng 3: Tôi không nghĩ khu vực tìm kiếm lại khó khăn, hiểm trở đến thế
Ngay sau khi cơn bão số 13 đi qua, lực lượng chức năng tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã nối lại công tác tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích tại thủy điện Rào Trăng 3. Đến chiều ngày 19/11, các lực lượng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn của tỉnh đã bắt đầu nắn dòng, đắp đập trên sông Rào Trăng để phục vụ công tác tìm kiếm.
Theo đó, vị trí nắn dòng nằm ở phía thượng nguồn, đoạn gần với khu vực sạt lở vùi lấp nhà điều hành công trình Thủy điện Rào Trăng 3 khiến 17 người bị vùi lấp. Đây là vị trí được khoanh vùng và xác định có khả năng cao là nơi các nạn nhân còn mất tích bị vùi lấp nên công tác thi công, tìm kiếm được thực hiện hết sức cẩn trọng.
Trung tá Phan Thắng - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, khó khăn nhất trong việc tổ chức tìm kiếm là lưu tốc của dòng chảy trên sông Rào Trăng rất lớn, khoảng 15 đến 20m3/giây. Trước bão số 13, các lực lượng đã đào được khoảng 60% khối lượng công việc, thế nhưng đến thời điểm hiện tại lại bị khối lượng lớn đất đá bồi lấp. Hiện các phương tiện máy móc, nhân lực đã được huy động để tập trung nắn lại dòng chảy, tập kết đầy đủ các vật liệu để bảo đảm công tác đắp đập nắn dòng về phía thượng lưu đạt kết quả tốt.
Các đơn vị thi công nắn dòng chảy để phục vụ công tác tìm kiếm các nạn nhân.
Ghi nhận tại hiện trường vụ sạt lở cũng cho thấy, nhiều khối bê tông lớn từ khu nhà điều hành dự án thủy điện Rào Trăng 3 đang nằm dưới lòng suối. Bên cạnh đó, hàng trăm nghìn mét khối đất đá sạt lở xuống khiến công tác tìm kiếm gặp nhiều khó khăn.
Hơn 200 người gồm bộ đội, công an phải vượt qua bùn đất, vách đá cheo leo, khuân vác từng hòn đá để làm bờ đê ngăn dòng chảy. Bên cạnh đó, lực lượng tìm kiếm đã tiến hành đào đất để tạo dòng chảy mới. Sử dụng rọ đá để ngăn đập, bạt chống thấm và bao xi măng chứa đất để xếp ngăn phía trước đập nhằm cản nước. Phấn đấu khoảng 1 đến 2 ngày tới sẽ hoàn tất việc đắp đập nắn dòng để tiến hành tìm kiếm dưới lòng suối.
Cũng trong ngày hôm nay, ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có mặt tại hiện trường để kiểm tra và kịp thời thăm hỏi, động viên lực lượng tìm kiếm. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị các lực lượng chức năng tiếp tục nỗ lực thi công. Đảm bảo công tác hậu cần thiết yếu, nguồn nhiên liệu... Đồng thời tăng cường cảnh giác, có phương án an toàn cho lực lượng thi công, đảm bảo đường rút quân khi có sự cố xảy ra.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Phương cũng yêu cầu các đơn vị chức năng chuẩn bị phương án dự phòng để hộ đê ngăn dòng chảy, phòng tránh lượng nước chảy về quá lớn có thể ảnh hưởng đến kết cấu của đập.
Như Báo điện tử Tổ Quốc đã thông tin trước đó, ngày 12/10 lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế nhận được thông tin về việc sạt lở đất vùi lấp nhiều công nhân tại thủy điện Rào Trăng 3. Trưa cùng ngày đoàn công tác của Quân khu 4 và UBND tỉnh lên đường vào hiện trường thì không may gặp nạn, khiến 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh.
Đến thời điểm hiện tại, lực lượng chức năng mới tìm được 5/17 công nhân thủy điện Rào Trăng 3 mất tích. Dù công tác tìm kiếm, cứu nạn được địa phương tích cực triển khai, tuy nhiên liên tục gặp khó khăn do thời tiết bất lợi. Mới đây nhất do ảnh hưởng bão số 13 nên các lực lượng tìm kiếm đã tạm dừng triển khai để đảm bảo an toàn./.