• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí: Nghiên cứu lộ trình, giải pháp để cán bộ yên tâm công tác

Thời sự 20/03/2023 20:35

(Tổ Quốc) - Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 21, chiều 20/3, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm sát. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí: Mọi nguyên nhân đều từ cán bộ - Ảnh 1.

Quang cảnh phiên chất vấn nhóm vấn đề về lĩnh vực kiểm sát.

Nghiên cứu lộ trình, giải pháp để cán bộ yên tâm công tác

Chất vấn Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) Lê Minh Trí, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) nêu rõ, Luật Tố tụng hình sự cho phép quyền hạn công an xã được kiểm tra, xác minh sơ bộ đối với các tin tố giác, tin báo về tội phạm để chống oan sai, phòng ngừa, bỏ lọt tội phạm.

Nhưng phải thừa nhận là lực lượng công an xã chưa đủ chín để làm nhiệm vụ này. Vậy Viện trưởng có giải pháp nào để ngăn ngừa, ngăn chặn hiện tượng trên? Đồng thời, ông Hòa cũng chuyển câu hỏi này đến Bộ trưởng Bộ Công an.

Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí: Mọi nguyên nhân đều từ cán bộ - Ảnh 2.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp)

Đề cập tình hình tội phạm ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp, nhất là lĩnh vực y tế và tham nhũng, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị Viện trưởng VKSNDTC có giải pháp hữu hiệu nào nhất để truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý nghiêm quy định của pháp luật, phòng ngừa, răn đe loại tội phạm này?

Về câu hỏi liên quan đến lực lượng công an xã, Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí cho biết, thời gian qua, khi nhiều công an chính quy được điều về công an xã, trình độ của lực lượng này được nâng lên rõ rệt.

Tuy nhiên, khi đặt trách nhiệm mới cho lực lượng công an, cần làm rõ và quán triệt tinh thần trách nhiệm ngay từ đầu trong việc xử lý tin báo, tố giác tội phạm. Viện kiểm sát cũng phối hợp chặt chẽ, có hướng dẫn cụ thể, chi tiết trong vấn đề này, tuy nhiên, còn gặp một số khó khăn do biên chế không đủ.

Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí: Mọi nguyên nhân đều từ cán bộ - Ảnh 3.

Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí trả lời chất vấn.

Về vấn đề chống chiếm đoạt, vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, tạo cơ chế để không thể, không muốn, không dám tham nhũng, Viện trưởng VKSNDTC cho rằng cần có cơ chế quản lý, hệ thống pháp luật chặt chẽ, quy định chế tài quản lý nhà nước thật tốt để người có quyền không dám lợi dụng quyền lực, bên cạnh đó cần nghiên cứu để có lộ trình thay đổi cơ chế, chính sách đảm bảo cán bộ an tâm công tác.

Viện trưởng VKSNDTC cũng cho rằng, hiện nay chế độ chính sách cho cán bộ các cấp mặc dù có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, nhiều khó khăn. Vì vậy, cần nghiên cứu lộ trình, giải pháp nhằm đảm bảo chế độ, để cán bộ yên tâm công tác. Đảm bảo giảm bớt khó khăn cho người cán bộ tâm huyết, muốn giữ gìn sự trong sáng, đạo đức nghề nghiệp.

Càng những khâu yếu càng cần phải tăng cường cán bộ có kinh nghiệm, tâm huyết

Đặt câu hỏi đến Viện trưởng Lê Minh Trí, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, thời gian qua, công tác kiểm sát thi hành án dân sự chưa đạt yêu cầu đề ra. Nhiều bản án đủ điều kiện nhưng chậm được thi hành, chưa đảm bảo tính nghiêm minh của bản án, gây bức xúc trong dư luận. Trách nhiệm và giải pháp của Viện trưởng đối với vấn đề này?

Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí: Mọi nguyên nhân đều từ cán bộ - Ảnh 4.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế)

Trả lời vấn đề này, Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí cho biết, hiện có nhiều quy định bất cập, không phù hợp trong Luật Thi hành án dân sự 2008 và các văn bản liên quan. Do đó, Viện kiểm sát đã chỉ đạo toàn ngành tổng kết 5 năm thi hành Luật Thi hành án dân sự và tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, bất cập của luật và các văn bản có liên quan đến kiến nghị sửa đổi toàn diện Luật và các văn bản pháp luật có liên quan.

Trong khi Luật thi hành án dân sự và các văn bản liên quan chưa được sửa bổ sung thì khi gặp khó khăn, vướng mắc trong nhận thức và áp dụng pháp luật thì ngành kiểm sát đã phối hợp với cơ quan liên ngành Trung ương thống nhất hướng dẫn địa phương thực hiện.

Ngành cũng tăng cường việc nghiên cứu, ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn quy trình cũng như kỹ năng kiểm sát, thi hành án dân sự như là việc kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án, kiểm sát hoạt động bán đấu giá tài sản, thi hành án, kiểm sát việc quản lý, thu chi tiền thi hành án….Nghiên cứu sửa đổi và hoàn thiện hệ thống biểu mẫu nghiệp vụ cũng như sổ nghiệp vụ kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, hoàn thiện phần mềm quản lý công tác kiểm sát thi hành án dân sự.

"Mọi nguyên nhân đều từ cán bộ, càng những khâu yếu càng cần phải tăng cường cán bộ có kinh nghiệm, tâm huyết và trách nhiệm để thực hiện và đặc biệt là phải có bản lĩnh" - ông Lê Minh Trí nhấn mạnh.

Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí: Mọi nguyên nhân đều từ cán bộ - Ảnh 5.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương)

Tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) cho biết, qua các bài phát biểu tại Hội nghị tổng kết phòng, chống tham nhũng và phần trả lời chất vấn tại phiên họp lần này, Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí có đưa ra quan điểm về tính nhân văn sẽ mang lại hiệu quả cao và phù hợp với xu hướng tiên tiến của nền tư pháp.

"Với vai trò người đứng đầu ngành kiểm sát, đề nghị Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết các tiêu chí và lộ trình tham mưu Quốc hội ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn cụ thể quan điểm trên?" - đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân đặt câu hỏi.

Trả lời vấn đề này, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, VKSNDTC có chức năng, nhiệm vụ tham mưu, chủ trì (do sự phân công của Quốc hội và cấp thẩm quyền) trong việc xây dựng pháp luật. Từ thực tiễn các vụ án, bên cạnh xử lý nghiêm, cũng cần xử lý nhân văn, đây cũng là yêu cầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và tiêu cực.

Các cơ quan chức năng cũng quán triệt quan điểm này, nhưng để chủ trương thành thực tiễn cần cụ thể hóa bằng các quy định của pháp luật. VKSNDTC đã kiến nghị Quốc hội xem xét, giao cơ quan có thẩm quyền chủ trì soạn thảo.

Kiến nghị hoàn thiện thể chế, để “không thể tham nhũng”

Cùng tham gia làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm, Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, trong chỉ đạo xử lý án tham nhũng, ngoài tập trung xử lý đối tượng vi phạm, thu hồi tối đa tài sản tham nhũng thì một trong những vấn đề được quan tâm là xác định sơ hở, thiếu sót trong quản lý kinh tế - xã hội để kiến nghị hoàn thiện thể chế, để “không thể tham nhũng”.

Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí: Nghiên cứu lộ trình, giải pháp để cán bộ yên tâm công tác - Ảnh 6.

Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an

“Qua một số vụ án trong lĩnh vực y tế, giáo dục vừa qua, cơ quan điều tra có nhiều kiến nghị khắc phục sơ hở trong đầu tư công, đấu thầu, mua sắm thiết bị, góp phần minh bạch với mục tiêu làm một vụ việc cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực, để đối tượng tham nhũng phải bị xử lý, người đang có kiểu cách làm việc hay công ty có phương thức làm việc như thế phải chấm dứt ngay, nếu không sẽ bị xử lý", Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh.

Nhấn mạnh một số lĩnh vực như chứng khoán, tài chính, doanh nghiệp thể hiện rõ điều đó, Đại tướng Tô Lâm cho rằng vụ việc không nhiều nhưng để lại những bài học, kinh nghiệm phải rút ra, phải chấn chỉnh từ thông tư, nghị định, pháp luật để phòng ngừa tội phạm.

Hầu hết qua các vụ án cơ quan điều tra có kiến nghị hoàn thiện cơ chế quản lý phòng ngừa tội phạm. Đây là nội dung sẽ được ngành Công an tiếp tục chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới./.



Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ