(Tổ Quốc) - Đó là phân tích đánh giá của các chuyên gia thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới được công bố mới đây trong Chiến lược và Định hướng thu hút FDI thế hệ mới giai đoạn 2020 – 2030 của Việt Nam.
Hình minh họa: Hiệp định EVFTA : Nguồn Dân Trí |
Cụ thể, theo đánh giá của các chuyên gia, nhờ có các hiệp định thương mại đã ký kết, Việt Nam có cơ hội tiếp cận ưu tiên đến những thị trường quan trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ. Điều này không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam mà còn tăng tính hấp dẫn để thu hút vốn đầu tư FDI trong thời gian tới.
Những hiệp định mà Việt Nam vừa kết thúc đàm phán bao gồm Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo dự kiến, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU sẽ có hiệu lực trong năm 2018. Điều này sẽ đồng nghĩa với việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan đối với hàng hóa của Việt Nam khi vào thị trường EU. Đây chính là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với các nước khác trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc, do nước này chưa có được PTA (Các hiệp định thương mại ưu đãi) với liên minh kinh tế châu Âu.
Việt Nam là một trong 11 nước ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào tháng 3/2018. Chúng ta cũng đã ký kết FTA với Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á – Âu (EAEU) và là thành viên của Cộng đồng Kinh tế ASIAN (AEC) mới thành lập.
Các nghiên cứu đều cho thấy Việt Nam nằm trong số các quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ các PTA, đặc biệt là CPTPP. Theo ước tính EVFTA có thể làm tăng GDP của Việt Nam trong dài hạn thêm khoảng 7-8% tùy thuộc vào các tình huống thực tế. Xuất khẩu của Việt Nam sang EU ước tính sẽ tăng 50% và nhập khẩu từ EU tăng 43%. Riêng lĩnh vực dệt may và da giày sẽ được hưởng lợi nhiều từ EVFTA./.
Vi Phong