• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Việt Nam đẩy mạnh quan hệ với các nước lớn

Thế giới 30/05/2016 06:26

(Tổ Quốc)- Ba sự kiện đối ngoại tháng Năm mang tính biểu tượng cao, thực chất và hiệu quả.

(Tổ Quốc)- Ba sự kiện đối ngoại tháng Năm mang tính biểu tượng cao, thực chất và hiệu quả.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama thăm chính thức Việt Nam; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Nga và tham dự cuộc gặp gỡ cấp cao Nga-ASEAN kỷ niệm 20 năm thiết lập Quan hệ Đối thoại ASEAN-Nga; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Nhật Bản và tham dự phiên họp thứ nhất Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng.



Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng Tổng thống Obama nâng ly chúc mừng mối quan hệ Việt- Mỹ ngày càng đi vào chiều sâu

Quan hệ Việt-Mỹ đi vào chiều sâu, biến tầm nhìn thành hiện thực

Với chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ, lợi ích chung giữa hai bên tiếp tục được mở rộng, quan hệ đối tác được nâng cấp và ngày càng đi vào chiều sâu. Các thỏa thuận Hà Nội cho thấy bước tiến của quan hệ Việt-Mỹ khi tầm nhìn đạt được trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư ĐCS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tháng 7 năm ngoái đã biến thành hiện thực thông qua các chương trình hành động cụ thể.

Bên cạnh các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, giáo dục, khoa học – công nghệ, y tế, ngoại giao nhân dân, quyền con người, nhân đạo và giải quyết hậu quả chiến tranh, hai bên nhất trí cho rằng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có tầm quan trọng về chiến lược và kinh tế. TPP mang ý nghĩa của một liên minh kinh tế; Tổng thống Mỹ một lần nữa cam kết Mỹ “sẽ tiếp tục nỗ lực để giải phóng tối đa tiềm năng của nền kinh tế của Việt Nam thông qua TPP”.

Việt Nam và Hoa Kỳ tái khẳng định cam kết tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước; đã ký Ý định thư thành lập Nhóm Công tác về Sáng kiến dự trữ thiết bị y tế và nhân đạo (CHAMSI). Hai bên nhấn mạnh tính cấp thiết của việc bảo đảm tự do hàng hải và hàng không, cũng như duy trì các hoạt động thương mại hợp pháp không bị cản trở ở Biển Đông; kêu gọi phi quân sự hóa và kiềm chế trong xử lý các tranh chấp.

Với việc Tổng thống Mỹ tuyên bố gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam, Hoa Kỳ đã thực hiện cam kết bình thường hóa quan hệ hoàn toàn với Việt Nam.



Việt Nam đóng góp xứng đáng vào thành công của Hội nghị ASEAN-Nga tại Cấp cao Sochi

Quan hệ Việt-Nga phù hợp đường hướng phát triển cơ bản

Sochi là cuộc gặp gỡ cấp cao lần thứ ba giữa ASEAN và Nga (Kuala Lumpur – 2005, Hà Nội – 2010), thực hiện theo sáng kiến của Tổng thống Nga V. Putin. Các văn kiện đưa ra tại cuộc gặp cấp cao Sochi đánh giá tích cực các thành tựu sâu rộng đạt được trong 20 năm thiết lập Quan hệ Đối thoại ASEAN-Nga trên nhiều lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế-thương mại, văn hoá, giao lưu nhân dân và hợp tác phát triển, góp phần củng cố và tăng cường quan hệ cũng như hoà bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực. 

Khuyến khích sự can dự của Nga vào các công việc Đông Nam Á/Biển Đông là có lợi cho ASEAN đa dạng hóa quan hệ với các cường quốc. Thỏa thuận Sochi đặt cơ sở thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa các quốc gia Đông Nam Á và Nga trong tầm nhìn trung hạn.

Việt Nam là đối tác lâu đời và quan trọng hàng đầu của Nga tại Đông Nam Á/ASEAN. Chuyến thăm Nga của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và tham dự sự kiện ASEAN-Nga tại Sochi góp phần xứng đáng vào kết quả của Hội nghị. Những thỏa thuận Sochi phản ánh rõ nét quan điểm của Việt Nam, phù hợp với lợi ích địa chính trị/kinh tế của ASEAN và Nga, cũng như lợi ích của hòa bình, ổn định và phát triển tại Đông Á.



Việt Nam tham dự G-7 mở rộng là sự ghi nhận vai trò và đóng góp của Việt Nam trong các vấn đề khu vực và quốc tế

Quan hệ Việt-Nhật nhất trí cao về phương hướng lớn và các biện pháp cụ thể

Việc Việt Nam lần đầu tiên được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tổ chức tại Nhật Bản đánh dấu sự ghi nhận đối với vai trò và đóng góp của Việt Nam trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Nhân dịp Hội nghị, người đứng đầu chính phủ Việt Nam đã có các cuộc tiếp xúc với những người đứng đầu nhà nước và chính phủ của các nước công nghiệp phát triển Pháp, Đức, Anh, Mỹ, Ý, Canada, Chủ tịch Ủy ban châu Âu và Chủ tịch Hội đồng châu Âu.

Khi thăm Nhật Bản, hai nhà lãnh đạo chính phủ Việt Nam và Nhật Bản đã trao đổi ý kiến sâu rộng và đạt nhất trí cao về phương hướng lớn và các biện pháp cụ thể để đưa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản phát triển toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn nữa. Hai Thủ tướng nhất trí tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng giữa hai nước, hợp tác chặt chẽ cùng trao đổi các biện pháp cụ thể để thúc đẩy kết nối hai nền kinh tế với các nội dung kết nối chiến lược phát triển kinh tế, kết nối nguồn lực sản xuất, kết nối nguồn nhân lực thông qua hợp tác đầu tư, thương mại, ODA... Hai bên nhất trí về tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; các bên liên quan không có những hành động thay đổi nguyên trạng, gây phức tạp, mở rộng tranh chấp và quân sự hóa trên Biển Đông; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý; nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế.

Các hoạt động đối ngoại tháng Năm vừa qua là bước triển khai quan trọng Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ 12 về đường lới chính sách đối ngoại: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước; bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Mở rộng và đưa vào chiều sâu các quan hệ đối ngoại; tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế”./.

TS. Nguyễn Ngọc Trường

NỔI BẬT TRANG CHỦ