(Tổ Quốc) - Theo trang SCMP, Việt Nam có thể trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất tại khu vực Đông Nam Á.
Săn lùng những trái sim rừng hoàn hảo, nhà chưng cất Daniel Hoài Nguyễn say mê với nghề truyền thống làm vườn và tham gia vào các hoạt động cộng đồng trên đồi ở vùng Tây Nguyên của Việt Nam. Kết quả là loại rượu gin thủ công đầu tiên của Việt Nam, có tên là rượu Sông Cái ra đời và ngày càng phát triển mạnh trên thị trường nội địa cũng như thế giới.
Daniel sinh ra ở California nhưng có một tình yêu đặc biệt với Việt Nam. Chàng Việt kiều Daniel Hoài Nguyễn đã lựa chọn trở về Việt Nam để khởi nghiệp với nguồn nông sản bản địa của đồng bào dân tộc miền núi với hy vọng giúp hình ảnh Việt Nam thăng hạng trên thế giới.
Daniel cho rằng Việt Nam đang có "cơ hội vàng" để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, vừa là trung tâm sản xuất, vừa là thỏi nam châm hút vốn từ các công ty khởi nghiệp đầy triển vọng.
"Lợi thế của Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng nhanh. Chi phí lao động tương đối rẻ hơn so với các thị trường khác", Daniel nói với This Week in Asia.
Thành công trong tương lai của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào việc tạo ra một nền kinh tế kỹ thuật số có thể cung cấp hàng triệu việc làm cho nguồn nhân lực là sinh viên tốt nghiệp thông minh nhất ở Đông Nam Á. Đồng thời là điểm hẹn để những người Việt Nam ở nước ngoài trở về như Daniel và đóng góp nhiều hơn cho đất nước.
Với dân số gần 100 triệu người, độ tuổi trung bình là khoảng 32, Việt Nam có lực lượng lao động và người tiêu dùng nội địa dồi dào – và đó là tin tốt cho những công ty muốn khởi nghiệp ở đây.
"Kết hợp với tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, điều này sẽ mang lại cơ hội cho người tiêu dùng tiềm năng khổng lồ những giải pháp và dịch vụ kỹ thuật số. Ngoài ra Việt Nam nổi tiếng cũng là điểm đến có giá cả phải chăng và những kỹ sư tài năng", ông Willis Wee, người sáng lập và CEO của Tech in Asia cho biết.
Những kỳ lân mới
Theo báo cáo e-Conomy SEA 2023 của Google, Temasek và Bain & Company, nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 45 tỷ USD vào năm 2025.
Hiện tại, những kỳ lân như 'siêu ứng dụng' MoMo và studio trò chơi tập trung vào công nghệ Sky Mavis đang gây chú ý, cho thấy Việt Nam có thể làm mọi thứ từ thanh toán điện tử đến phát triển trò chơi điện tử.
Đáng chú ý, ngân hàng Mizuho Bank của Nhật Bản đã đầu tư hàng triệu USD vào "ngôi sao" công nghệ tài chính fintech MoMo từ rất sớm, trong khi Binance cũng đã đầu tư khoảng 150 triệu USD vào Sky Mavis, công ty đã phát triển trò chơi blockchain Axie Infinity cực kỳ nổi tiếng.
Trong hai tháng đầu năm nay, tổng dòng vốn vào Việt Nam đã lên tới 4,29 tỷ USD trong các lĩnh vực từ trung tâm dữ liệu, xe điện và các công ty fintech. Quốc gia Đông Nam Á cũng được hưởng lợi từ việc chuyển dịch chuỗi cung ứng.
Theo Viện Brookings, Apple, Intel và LG đều đã chuyển một phần chuỗi cung ứng của họ sang Việt Nam trong những năm gần đây, với 1/10 số lượng điện thoại thông minh trên thế giới hiện được sản xuất tại quốc gia Đông Nam Á này.
Sự chứng thực ngày càng gia tăng về vai trò của Việt Nam được xem như điểm nhấn quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thị trường triển vọng
Daniel cho biết đã thành lập công ty rượu gin Sông Cái vào năm 2018 để tạo ra một doanh nghiệp nâng cao chuỗi giá trị. Rượu của ông hiện được bán ở Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và cả Việt Nam.
"Việt Nam là một quốc gia sản xuất và xuất khẩu hàng nông sản thô khổng lồ, vì vậy, tôi đã phải trăn trở tìm cách phát triển hoạt động kinh doanh. Thực tế, Việt Nam có thể là nhà xuất khẩu hàng đầu về cà phê, chè, hạt tiêu hoặc gạo nhưng giá trị kinh tế mà nó thực sự mang lại cho người nông dân là không đáng kể", Daniel nói.
Những doanh nhân như Daniel đang bước vào thị trường với kiến thức thu được từ các trường kinh doanh uy tín của phương Tây đồng thời phát triển những dự án khởi nghiệp ban đầu để tận dụng cơ hội sẵn có ở quê hương tổ tiên.
Các chuyên gia cho rằng chính sự nhiệt tình của những người như Daniel đang mang lại cho Việt Nam lợi thế cạnh tranh ở Đông Nam Á.
"Việt Nam có nét độc đáo riêng. Có rất nhiều nhân tài trở về nước được giáo dục rất tốt. Họ có kỹ năng, kỹ thuật tuyệt vời và mang lại nhiều ý tưởng cũng như quan điểm mới cho hệ sinh thái. Đó chính là những ý tưởng kinh doanh tuyệt vời và bắt đầu công việc kinh doanh mới", ông Willem Smit, Giảng viên trưởng khoa khởi nghiệp của Học viện YSEALI tại Đại học Fulbright Việt Nam nhận định.
Các nhà phân tích cho rằng Việt Nam nằm ở điểm giao thoa giữa sản xuất và gia công thiết bị công nghệ, thu hút ngày càng nhiều hợp đồng.
Cushman và Wakefield, một công ty bất động sản thương mại, mô tả Việt Nam là điểm đến hàng đầu trên toàn cầu xét về độ hấp dẫn đối với nguồn nhân lực thuê ngoài, một phần bởi nguồn tài năng trẻ và đang khao khát.
Theo bảng xếp hạng toàn cầu năm ngoái của công ty tư vấn Startup Genome của Mỹ, Việt Nam là ngôi nhà của gần 3.500 công ty khởi nghiệp, trở thành hệ sinh thái khởi nghiệp lớn thứ tư ở châu Á.
Con số này gần như tăng gấp đôi trong thời kỳ đại dịch Covid-19, khi lượng vốn đầu tư mạo hiểm đổ vào quốc gia này tăng lên, đạt mức cao kỷ lục lúc bấy giờ là 1,4 tỷ USD vào năm 2021./.