Việt Nam được gọi tên là một trong các nước Đông Nam Á nỗ lực ứng phó bão lũ
(Tổ Quốc) - Lượng mưa trên mức trung bình được dự báo sẽ đổ bộ vào Đông Nam Á trong những tháng tới, khi hiện tượng La Nina mang theo bão và mưa lớn vào khu vực này.
Theo trang SCMP, các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á có thể chứng kiến lượng mưa cao hơn trung bình trong những tháng tới, đe dọa gây thêm gián đoạn cho nông nghiệp, du lịch và sản lượng công nghiệp.
Các chuyên gia thời tiết dự đoán tình hình ẩm ướt hơn do hiện tượng La Nina mới nổi sẽ xảy ra từ Philippines đến Việt Nam cho đến hết tháng 11 năm nay.
La Nina là hiện tượng nhiệt độ trên bề mặt đại dương giảm, đi kèm với gió và mưa. La Nina thường kéo theo các cơn bão mạnh ở Đại Tây Dương.
Nhiều mưa hơn cũng ảnh hưởng đến các nỗ lực phục hồi ở Việt Nam, quốc gia đã bị Bão Yagi tấn công vào tháng 9/2024. Đây là một cơn bão tồi tệ nhất tấn công đất nước này trong nhiều thập kỷ.
Thái Lan – quốc gia vốn dĩ phụ thuộc vào du lịch - đang phải đối mặt với khoản thiệt hại lên tới 30 tỷ baht (904 triệu đô la Mỹ) do lũ lụt ở phía bắc, bao gồm cả Chiang Mai.
Trong khi đó, Philippines, nơi hứng chịu khoảng 9 cơn bão mỗi năm cũng đang phải vật lộn với một số cơn bão chết người trong những tháng gần đây, bao gồm bão Gaemi vào tháng 7, Yagi vào tháng 9 và Krathon vào tháng 10.
"Hiện tượng La Nina được dự đoán sẽ xảy ra từ tháng 10 - 11/2024 trở đi, gây ra lượng mưa cao hơn bình thường ở một số quốc gia trong khu vực", Trung tâm Khí tượng Đặc biệt ASEAN (ASMC) cho biết.
Singapore ngày 14/10 đã ban hành cảnh báo lũ lụt khi thời tiết giao mùa mang theo sấm sét và mưa rào. Cơ quan thời tiết Philippines dự đoán rằng hầu hết nước này có thể có lượng mưa cao hơn mức trung bình cho đến cuối năm.
Theo Trung Tâm Dự Báo Khí Tượng Thủy Văn Quốc Gia, Việt Nam dự kiến sẽ có lượng mưa cao hơn mức trung bình trong những tháng tới.
Theo Takahisa Nishikawa, Trưởng nhóm dự báo của The Weather Company, Việt Nam cũng có thể sẽ chứng kiến nhiều cơn bão nhiệt đới nhiều hơn bình thường, gây ra mưa lớn với nguy cơ lũ lụt, lở đất và các tòa nhà bị sập vì gió mạnh.
Việt Nam là một trong các nước đã nỗ lực ứng phó bão lũ
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đã dự đoán 60% hiện tượng La Nina khả năng xảy ra vào cuối năm nay. Các chuyên gia cũng đã dự báo sự xuất hiện của những hiện tượng này trong nhiều tháng qua nhưng khả năng sẽ yếu hơn và ngắn hơn so với dự báo ban đầu.
Nhiệt độ bề mặt biển ấm hơn cũng góp phần vào sự phát triển của các hệ thống bão. Nghiên cứu của các nhà khoa học tại Mỹ và Singapore cho thấy khí hậu ấm lên dự kiến sẽ làm tăng khả năng hình thành và phát triển của bão gần bờ biển khu vực Đông Nam Á.
"Các cơn bão nhiệt đới sẽ mạnh hơn vì lý thuyết cơ bản rất rõ ràng: nhiệt độ đại dương cao hơn. Đại dương càng ấm thì càng có nhiều năng lượng để các cơn bão nhiệt đới trở nên lớn hơn và mạnh hơn. Những nơi như Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam cũng có thể sẽ chứng kiến nhiều siêu bão hơn", ông Benjamin Horton, Giám đốc Đài quan sát Trái đất Singapore, người tham gia nghiên cứu cho biết.
Sự "hung dữ" ngày càng tăng của các cơn bão nhiệt đới ở Thái Bình Dương đang thúc đẩy doanh nghiệp và chính phủ các nước ở khu vực Đông Nam Á phải cân nhắc những cách tiếp cận mới để ứng phó với bão lũ.
"Nếu Yagi đã cho chúng ta thấy những tác động mạnh khủng khiếp thì đó cũng là bài học mà chúng ta cần nỗ lực hơn nữa để bảo vệ đất nước và nền kinh tế trong tương lai. Không có cách tiếp cận thực tế nào ngoài việc các nước phải bắt đầu ngay từ bây giờ", Bruno Jaspaert, Chủ tịch EuroCham Việt Nam cho biết.
Khu công nghiệp Amata City Hạ Long ở phía bắc Việt nam là một ví dụ điển hình. Được thành lập vào năm 2018, khu công nghiệp này đã tiến hành các cuộc khảo sát mở rộng để đánh giá rủi ro lũ lụt trước khi khởi công và đầu tư vào hệ thống phòng chống lũ lụt tiên tiến.
"Trong khi gió mạnh của bão Yagi đã gây ra thiệt hại cho các nhà máy thì lũ lụt may mắn đã được ngăn chặn ngay từ đầu do thiết kế trong công viên của khu công nghiệp", nhà điều hành Amata cho biết trong một tuyên bố.
Ông Jaspaert cho biết Yagi có thể thúc đẩy chính phủ Việt Nam thắt chặt các quy định về xây dựng công nghiệp để giúp các tòa nhà chống bão tốt hơn.
"Trong bối cảnh đó, các nước cần phải nỗ lực đầu tư nhiều hơn và tìm kiếm nhiều cách hơn nữa để bảo vệ các tòa nhà trước tác động mạnh mẽ của siêu bão", ông Jaspaert nhấn mạnh./.