(Tổ Quốc) - Việt Nam mong muốn và sẵn sàng cùng các nước liên quan tăng cường hợp tác nhằm quản lý và sử dụng hiệu quả bền vững nguồn nước sông Mekong, vừa đảm bảo hài hoà lợi ích của các nước, vừa không có tác động đến đời sống của người dân sinh sống trong lưu vực.
Tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều ngày 23/5, phóng viên đặt câu hỏi về ảnh hưởng của các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong tới Việt Nam. Cụ thể, hiện nay dọc theo dòng chính sông Mekong có 14 đập thủy điện, trong đó 12 đập của Trung Quốc, các ý kiến chuyên gia cho rằng các đập này khiến cho nguy cơ làm cạn kiệt dòng chảy và giảm lượng trầm tích chảy tới dòng chính Mekong, gây ra hạn mặn và đang ảnh hưởng đến Việt Nam.
Trước vấn đề này, Phó phát phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt cho biết Mekong là dòng sông chung xuyên biên giới và chảy qua nhiều quốc gia. Là quốc gia hạ nguồn ở sông Mekong, Việt Nam rất quan tâm đến các tác động xuyên biên giới và khả năng tích nước của các công trình thuỷ điện trên dòng sông Mekong.
"Như chúng tôi đã nhiều lần nói rõ, việc phát triển và vận hành các công trình thuỷ điện trên sông Mekong cần đảm bảo không gây tác động tiêu cực, bao gồm các tác động xuyên biên giới đến môi trường, phát triển kinh tế xã hội, đời sống kinh tế xã hội ở các nước trên lưu vực sông Mekong, đặc biệt là các nước hạ nguồn và phải phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế", Phó phát ngôn Đoàn Khắc Việt cho biết.
Phó phát ngôn Đoàn Khắc Việt nhấn mạnh Việt Nam mong muốn và sẵn sàng cùng các nước liên quan tăng cường hợp tác nhằm quản lý và sử dụng hiệu quả bền vững nguồn nước sông Mekong, vừa đảm bảo hài hoà lợi ích của các nước, vừa không có tác động đến đời sống của người dân sinh sống trong lưu vực.
Uỷ hội Sông Mekong quốc tế có các đối tác đối thoại với các quốc gia thượng nguồn và đang tiếp tục thúc đẩy hợp tác các cơ chế đảm bảo lợi ích của các đối tác.
Cũng tại buổi họp báo chiều nay (23/5), trước câu hỏi của báo chí liên quan đến quy định của Trung Quốc từ ngày 15/5, cụ thể giới chức trách Trung Quốc ban hành quy định sẽ có hiệu lực từ ngày 15/6/2024, cho phép hải cảnh nước này áp dụng hình phạt giam giữ lên tới 30 ngày với những người nước ngoài xâm phạm hoặc có hành vi hỗ trợ xâm phạm lãnh hải hoặc vùng biển mà Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền và không qua xét xử.
Đặc biệt, trong những vụ việc phức tạp, thời gian giam giữ có thể lên đến 60 ngày sau khi được cơ quan hải cảnh chấp thuận, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt tái khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với những vùng biển được xác lập phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
"Việt Nam luôn kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam tại các vùng biển, cũng như quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam phù hợp với Công ước UNCLOS năm 1982 và luật pháp của Việt Nam", ông Đoàn Khắc Việt nhấn mạnh tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 23/5./.