(Tổ Quốc) - Chiều 3/7, UBND tỉnh Ninh Bình và Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã tổ chức tổng kết hội nghị quốc tế "Phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam".
- 03.07.2023 Phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam
- 26.06.2023 Tái thẩm định Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông năm 2023
- 22.06.2023 Nhiều hoạt động kỷ niệm 20 năm Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới
- 18.06.2023 Kỷ niệm 30 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO vinh danh là Di sản thế giới
- 16.06.2023 Đẩy mạnh tuyên truyền về UNESCO và vị thế của Việt Nam trong UNESCO
Trong 1 ngày làm việc, hội nghị tập trung thảo luận 3 phiên chuyên đề trọng tâm, bao gồm: Thực tiễn về phát huy danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam; kinh nghiệm quốc tế về phát huy danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững; giải pháp huy động nguồn lực trong bảo tồn và phát huy giá trị danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững.
Ông Phạm Vinh Quang, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổng kết nội dung thảo luận và kết luận hội nghị cho biết: Hội nghị đã nhận được 20 tham luận của các đại biểu quốc tế, nhà nghiên cứu, khoa học, nhà quản lý trong và ngoài nước, nêu bật việc phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam; thể hiện sự đồng hành một cách tích cực nhất về trách nhiệm của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ các di sản văn hóa và di sản thiên nhiên được UNESCO ghi danh vì sự phát triển bền vững theo quan điểm của UNESCO.
Trong đó nhiều vấn đề trọng tâm được tập trung thảo luận như: Cơ chế, chính sách đặc thù trong phân loại đô thị, bảo đảm các đô thị là di sản được UNESCO vinh danh không bị cuốn theo mô hình "đô thị nén", vừa thúc đẩy đô thị hóa, hiện đại hóa phù hợp chức năng đô thị di sản, vừa giữ gìn, bảo tồn được các giá trị cốt lõi mà UNESCO vinh danh; cơ chế, chính sách đặc thù bảo đảm chuyển đổi sinh kế bền vững cho người dân trong các vùng di sản; cơ chế, chính sách đặc thù trong huy động, phân bổ các nguồn lực đầu tư cho phát triển bền vững các đô thị di sản, từ các cơ chế, chính sách giải phóng nguồn lực đất đai, tài chính, tự nhiên đến nguồn lực con người, nguồn lực văn hóa, thúc đẩy kết nối các loại nguồn lực cho phát triển, khắc phục các mâu thuẫn, xung đột giữa yêu cầu bảo tồn và phát triển...
Hội nghị quốc tế "Phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam" khẳng định vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới là một đất nước nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống, đáp ứng nhu cầu xã hội, đảm bảo việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa - thiên nhiên và giá trị truyền thống vì sự phát triển bền vững.
Việc tổ chức hội nghị cũng góp phần quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh, di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của tỉnh Ninh Bình; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng, đẩy mạnh giữ gìn, bảo tồn các di sản văn hóa và thiên nhiên của Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung.
Đồng thời, sự kiện này còn góp phần để Ninh Bình và các đô thị khác của Việt Nam cũng như các nước tìm giải pháp, huy động các nguồn lực nhằm bảo tồn và phát huy danh hiệu UNESCO bền vững./.