• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Với dự thảo khung, COC chẳng khác là mấy DOC

Thế giới 14/08/2017 06:19

(Tổ Quốc)-Ngoại giao Trung Quốc cần khung COC Biển Đông trước Đại hội 19 Đảng Cộng sản.

Trải qua gần 4 năm thương thuyết, ngày 6/8, tại Manila, Ngoại trưởng các nước ASEAN và Trung Quốc thông qua dự thảo khung về bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Văn bản tiếng Anh dài chưa đến 300 chữ nhưng chứa đựng cả một “trời” những bất trắc và biến số trong tương lai. Nếu theo cái “khung” đã được thỏa thuận mà xây dựng COC thì COC sẽ không khác là mấy DOC.

 

Khiếm khuyết cơ bản nhất: Thiếu tính ràng buộc pháp lý

Văn bản khung chia 3 phần: (1) Các điều khoản mở đầu; (2) Các điều khoản chung; (3) Các điều khoản cuối. 

1. “Các điều khoản mở đầu” gồm 3 mục: a. Cơ sở của COC; b. Sự liên kết và tương tác giữa DOC và COC; và c. Tầm quan trọng và các nguyện vọng. 

Theo những người biết rõ các cuộc đàm phán, Trung Quốc coi COC là một phần của tiến trình thực hiện DOC. Các quan chức Trung Quốc nhiều lần nhấn mạnh, người ta nên hạ thấp kì vọng rằng COC sẽ khác biệt DOC. 

2. “Các điều khoản chung” gồm 3 phần: a. Các mục tiêu; b. Các nguyên tắc; c. Các nghĩa vụ cơ bản. 

Mục tiêu thứ nhất: “Thiết lập một khuôn khổ dựa trên các quy tắc bao gồm một loạt quy chuẩn chỉ đạo cách ứng xử của các bên và thúc đẩy hợp tác hàng hải trên Biển Đông”.

Mục tiêu thứ hai: “Thúc đẩy lòng tin lẫn nhau, sự hợp tác và uy tín, ngăn ngừa các sự cố, giải quyết các sự cố nếu chúng xảy ra, và tạo ra một môi trường thuận lợi cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp”.

Mục tiêu thứ ba: “Đảm bảo an ninh và an toàn hàng hải và quyền tự do đi lại trên biển và trên không”.

“Các nguyên tắc” gồm 4 phần:  

Nguyên tắc đầu tiên: COC “không phải là một công cụ để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ hay các vấn đề về phân định ranh giới trên biển”.

Nguyên tắc thứ hai: “Cam kết đối với các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam Á (TAC), năm nguyên tắc chung sống hòa bình và các nguyên tắc phổ quát được công nhận khác của luật pháp quốc tế”.

Nguyên tắc thứ ba: “Cam kết thực thi đầy đủ và hiệu quả DOC”.

Nguyên tắc thứ tư: “Tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau phù hợp với luật pháp quốc tế, và nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác”. 

“Các nghĩa vụ cơ bản” gồm 6 phần:

i. “Nghĩa vụ hợp tác;

ii. Thúc đẩy hợp tác hàng hải thiết thực;

iii. Tự kiềm chế/Thúc đẩy sự tin cậy và lòng tin;

iv. Ngăn ngừa các sự cố: 1. Các biện pháp xây dựng lòng tin; 2. Các đường dây nóng;

v. Xử lý các sự cố;

vi. Các nghĩa vụ khác phù hợp với luật pháp quốc tế để hoàn thành các mục tiêu và nguyên tắc của COC”. 

3. Các điều khoản cuối cùng 

a. “Khuyến khích các nước khác tôn trọng các nguyên tắc của COC”;

b. “Các cơ chế cần thiết để giám sát việc thực thi”;

c. “Đánh giá COC”;

d. “Bản chất hiệu lực thi hành”. 

Đảo đá Rubi tại Trường Sa (cùng đá Chữ Thập và đá Vành Khăn) đã trở thành các căn cứ tiến tiêu của Trung Quốc ở nam phần Biển Đông

Tại sao lại thỏa thuận cái khung này?

Người ta dễ dàng thấy rằng, trong khi dự thảo khung là một bước đi hướng tới tiến trình quản lý xung đột cho Biển Đông, văn kiện này có chi tiết ngắn gọn và mang nhiều nguyên tắc và điều khoản cũ đã có trong Tuyên bố ASEAN-Trung Quốc năm 2002 về cách Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), vốn thậm chí vẫn chưa được thực hiện một phần. 

Trước những căng thẳng tăng cao ở Biển Đông, một số thành viên ASEAN đã nhiều lần kêu gọi xúc tiến các cuộc đàm phán về COC. Đến năm 2013, Trung Quốc mới chấp nhận đàm phán COC. Nhưng phải sau khi Tòa trọng tài ở La Haye ra phán quyết lịch sử vào ngày 12/7/2016 bất lợi cho Trung Quốc và việc bồi đắp và xây dựng 7 đảo nhân tạo đã căn bản hoàn thành, thì Bắc Kinh mới đồng ý đẩy nhanh đàm phán. Đến lúc này thì Philippines của Duterte đã đứng về phía Trung Quốc trong các tranh chấp Biển Đông. Indonesia, Malaysia và Singapore cũng hạ ngọn cờ Biển Đông của họ xuống, thuận theo lập trường Trung Quốc. Chỉ còn lại Việt Nam đơn thương độc mã kiên trì nguyên tắc COC cần “có tính ràng buộc về mặt pháp lý”.

Nhưng Trung Quốc phản đối một bộ quy tắc có tính ràng buộc về mặt pháp lý vì nó sẽ hạn chế quyền tự do hành động trên Biển Đông và vì bản thân 9 nước ASEAN đã không đồng thuận về vấn đề này.

Chả lẽ ASEAN sẽ quy thuận lập trường ấy của Trung Quốc? Nếu như vậy, bản COC cuối cùng chỉ mang tính tự nguyện và không ràng buộc như DOC. 

Chỉ còn 2 tháng nữa Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc 19 sẽ khai mạc, với những “tiến” “thoái” về nhân sự. Những người đứng đầu ngành ngoại giao của Trung Quốc rất cần một thành tích dù mang tính tượng trưng như thỏa thuận khung COC vừa rồi. Dù cuộc đàm phán COC rồi đây sẽ kéo dài và gây nản lòng./.

Người bình luận

NỔI BẬT TRANG CHỦ