(Tổ Quốc) - Nhiều ý kiến trái chiều về động cơ cũng như ảnh hưởng của sự kiện Meng Wanzhou tới quan hệ Mỹ và Trung Quốc.
Vụ Canada bắt ngờ bắt giữ giám đốc tài chính (CFO) tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei, bà Meng Wanzhou, đang trở thành tâm điểm của chính trường quốc tế trong những ngày gần đây. Bà Meng cũng chính là con gái của nhà sáng lập Huawei, Ren Zhengfei.
Huawei là một trong những tập đoàn công nghệ viễn thông lớn nhất Trung Quóc
Con bài mặc cả cho Washington trong cuộc chiến thương mại?
Tờ SCMP dẫn lời Liu Weidong, một học giả về Mỹ - Trung tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho hay, sự kiện Meng Wanzhou nhiều khả năng là một động thái có tính toán từ Washington, nhằm gia tăng vị thế của mình trong các cuộc đàm phán thương mại với Bắc Kinh.
"Trong vòng ba tháng tới, chúng ta sẽ nhìn thấy thêm nhiều vụ việc tương tự, bao gồm trừng phạt các công ty nhà nước và cá nhân của Trung Quốc – nhằm tăng cường lợi thế cho phía Mỹ", ông Liu nói.
Trong vòng ba tháng tới, chúng ta sẽ nhìn thấy thêm nhiều vụ việc tương tự, bao gồm trừng phạt các công ty nhà nước và cá nhân của Trung Quốc – nhằm tăng cường lợi thế cho phía Mỹ.
Liu Weidong
Tương tự, Wang Heng, một giáo sư luật kinh tế tại Đại học New South Wales của Australia đánh giá, Mỹ có thể thông qua vụ việc để mở rộng áp lực lên Trung Quốc. Theo ông, nếu được xử lý ổn thỏa, nó sẽ giúp giải quyết các vấn đề tranh cãi giữa Bắc Kinh và Washington, bao gồm cả tấn công không gian mạng.
"Nếu cơ hội bị bỏ qua và không thể giải quyết trong vòng 90 ngày, vấn đề sẽ chỉ tiếp tục leo thang", Wang cảnh báo.
Không chỉ dừng ở xung đột thương mại
Trong khi đó, hãng tin AP đánh giá, vụ bắt giữ Meng Wanzhou sẽ chỉ càng làm tăng thêm khó khăn cho chính quyền Tổng thống Trump trong những nỗ lực giải quyết bất đồng với Bắc Kinh.
Về ngắn hạn, sự kiện sẽ khiến chủ nghĩa hoài nghi về quyết định "đình chiến" thương mại mà hai nhà lãnh đạo Trung, Mỹ đạt được ở Buenos Aires - có cơ hội lan rộng. Hôm thứ Năm (6/12), thị trường chứng khoán Mỹ đã có những xáo động tiêu cực trước lo ngại thỏa thuận 90 ngày sẽ bị đổ vỡ.
Tuy nhiên, đối với trường hợp của Huawei - vốn luôn là một đối tượng nóng của an ninh quốc gia Mỹ, mọi chuyện không còn dừng lại ở thuế má hay thị trường kinh doanh. Washington và Bắc Kinh đang bế tắc trong một cuộc đụng độ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, và dự kiến sẽ còn ảnh hưởng tới kinh tế và chính trị trong nhiều thập kỷ tới.
"Vụ việc lớn hơn nhiều so với quy mô một cuộc xung đột thương mại", Amanda deBusk, người phụ trách thương mại quốc tế tại Dechert LLP nói. "Nó hướng tới: ai sẽ là quốc gia lãnh đạo thế giới".
Nữ CFO Meng Wanzhou
Bà Meng Wanzhou bị bắt giữ vào tối thứ Bảy (1/12) – cùng ngày với cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong khuôn khổ thượng đỉnh G20 tại Argentina. Bị nghi ngờ là đã cố gắng tìm cách "lách" các lệnh trừng phạt của Mỹ dành cho Iran, bà Meng có thể sẽ bị dẫn độ về Mỹ.
Vụ việc lớn hơn nhiều so với quy mô một cuộc xung đột thương mại... Nó hướng tới: ai sẽ là quốc gia lãnh đạo thế giới.
Amanda deBusk
Công ty Huawei từ lâu đã dính phải những cáo buộc làm gián điệp cho quân đội hoặc các cơ quan an ninh Mỹ. Tháng trước, Rob Joyce, một cố vấn an ninh mạng của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ tuyên bố, Bắc Kinh đã vi phạm một hiệp định ký kết năm 2015 với Mỹ nhằm chấm dứt tình trạng ăn cắp sở hữu trí tuệ.
Nhiều quốc gia khác đang phải đối mặt với sức ép ngày càng tăng phải chọn lựa giữa các nhà cung cấp Trung Quốc và Mỹ cho công nghệ không dây 5G. Washington kêu gọi các nước không mua thiết bị từ Huawei với lời cảnh báo, họ có thể trở thành nạn nhân của gián điệp Trung Quốc.
Trong khi đó, một mặt Bắc Kinh phản đối vụ bắt giữ Meng, mặt khác lại ra tín hiệu không muốn gián đoạn quá trình dàn xếp xung đột thương mại với chính quyền ông Trump. Phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng cho biết, Bắc Kinh tin rằng sẽ đạt được một thỏa thuận trong thời hạn 90 ngày, trước khi Washington áp thuế cho 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Cuộc chiến sẽ kéo dài trong nhiều năm?
Theo chính phủ Mỹ và nhiều nhà phân tích, Trung Quốc đang theo đuổi một chiến lược tham vọng nhằm "soán ngôi" Mỹ trong công nghệ và lãnh đạo kinh tế toàn cầu. Bắc Kinh bị cho là đã triển khai những chiến thuật "trấn lột", buộc các công ty Mỹ và nước ngoài phải cung cấp các bí mật thương mại nhằm đổi lấy quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc.
Bên cạnh việc áp thuế, Mỹ còn thắt chặt quy định xuất khẩu hàng hóa công nghệ cao sang Trung Quốc; khiến các doanh nghiệp Trung Quốc khó khăn hơn khi đầu tư vào Mỹ hoặc mua lại các công nghệ của Mỹ như robot, trí tuệ nhân tạo và thực tế ảo…
Giới chức Mỹ và Trung Quốc "đang cố gắng để giải quyết một vấn đề có thể cần tới nhiều năm, thậm chí là cả một thập kỷ, mới kết thúc.
Rod Hunter
Đầu năm nay, Mỹ gần như khiến đối thủ lớn nhất của Huawei là công ty Trung Quốc ZTE Corp, phải dừng hoạt động vì những cáo buộc bán thiết bị cho Triều Tiên và Iran. Tổng thống Trump sau đó đã ban hành một lệnh hoãn thi hành trừng phạt; ZTE thoát nạn phút cuối nhờ nộp khoản tiền phạt lên tới 1 tỷ USD và đồng ý để chính quyền Mỹ giám sát các hoạt động của mình.
Ông Adam Segal, một nhà phân tích không gian mạng tại Hội đồng Đối ngoại nhận định, các ngành công nghiệp công nghệ Mỹ và Trung Quốc phụ thuộc vào nhau nhiều đến nỗi, "rất khó để không tự dẫm vào chân mình khi tìm cách tách riêng hai bên mà không trừng phạt các công ty Mỹ".
Còn theo Dean Garfield, Chủ tịch nhóm thương mại Hội đồng Công nghệ thông tin Mỹ, sáng chế của các công ty Mỹ thường phụ thuộc vào phát triển và thử nghiệm sản phẩm do các đối tác Trung Quốc thực hiện, còn chưa kể tới các nhà cung cấp linh kiện.
Các sản phẩm của Huawei và ZTE không chỉ bị cấm trong các cơ quan chính phủ Mỹ, mà còn gần như bị hạn chế hoàn toàn tại thị trường nước này. Một báo cáo năm 2012 của Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ yêu cầu các công ty Mỹ tránh xa khỏi các sản phẩm của Huawei và ZTE; đồng thời kêu gọi ngăn cản bất kỳ thương vụ sáp nhập hoặc thu mua nào liên quan.
Priscilla Moriuchi, một chuyên gia về Đông Á tại Cơ quan An ninh Quốc gia cảnh báo, cả ZTE và Huawei đều có quan hệ thân cận với giới quân sự và chính trị Trung Quốc. "Nguy cơ từ những công ty như vậy nằm ở sự tiếp cận của họ với các hạ tầng cơ sở internet trọng yếu", bà Moriuchi nói.
"Cho dù điều gì có xảy ra trong ngắn hạn, thì vụ bắt giữ giám đốc tài chính của Huawei là một dấu hiệu về một cuộc đụng độ công nghệ lâu dài", Derek Scissors, một chuyên gia khác tại Viện Doanh nghiệp Mỹ nhấn mạnh. "Điều đó không thể được giải quyết chỉ trong vòng 90 ngày".
Rod Hunter, một quan chức về kinh tế quốc tế từng làm việc cho Tổng thống George W. Bush tỏ ra đồng tình với ý kiến trên. Theo ông, Bắc Kinh sẽ không thay đổi các chính sách công nghệ của mình một cách dễ dàng. "Giới chức Mỹ và Trung Quốc đang cố gắng để giải quyết một vấn đề có thể cần tới nhiều năm, thậm chí là cả một thập kỷ, mới kết thúc", ông Hunter nói.