(Tổ Quốc) - Sau hơn 2 tháng bị phong toả, tâm dịch COVID-19 đầu tiên trên thế giới, thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc đã chính thức được gỡ bỏ phong toả.
Hôm thứ Tư (8/4), Trung Quốc tuyên bố dỡ bỏ lệnh phong tỏa Vũ Hán – nơi ca bệnh COVID-19 đầu tiên được phát hiện và sau đó dẫn tới một đại dịch bùng phát, đã và đang cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người trên toàn thế giới, khiến kinh tế toàn cầu rung chuyển và làm đảo lộn cuộc sống trên khắp hành tinh.
Tại Vũ Hán, với số người nhiễm và tử vong vì COVID-19 lên tới hàng trăm nghìn người, nỗi ám ảnh để lại sẽ còn kéo dài trong nhiều thập kỷ. Công việc kinh doanh cho dù được mở cửa lại cũng sẽ phải đối mặt với con đường khó khăn phía trước. Di chuyển của người dân vẫn sẽ được chính quyền theo dõi chặt chẽ trong một thời gian dài…
Trung Quốc bắt đầu phong tỏa Vũ Hán vào cuối tháng 1 nhằm ngăn chặn COVID-19 lây lan. Vào thời điểm đó, nhiều ý kiến coi đây là một động thái quá cực đoan; tuy nhiên, khi đại dịch bùng phát trên toàn thế giới, một loạt chính phủ đã áp dụng các biện pháp hạn chế di chuyển ở nhiều mức độ khác nhau, từ tương tự như Vũ Hán cho đến nới lỏng hơn.
Quyết định dỡ bỏ phong tỏa Vũ Hán được đưa ra sau khi chỉ có có 3 ca bệnh mới được ghi nhận tại thành phố trong 3 tuần gần đây nhất và lần đầu tiên kể từ tháng 1, toàn Trung Quốc không có thêm ca tử vong nào. Lệnh cấm rời Vũ Hán chính thức chấm dứt vào đúng nửa đêm theo giờ Trung Quốc.
Người dân giờ đây có thể rời khỏi thành phố sau khi xuất trình với chính quyền chứng nhận trên một ứng dụng điện thoại di động, rằng họ không phải là nguy cơ lây nhiễm. Truyền thông địa phương ghi lại hình ảnh những hàng dài xe ô tô nối đuôi nhau hướng về phía các trạm soát vé ở ngoại ô Vũ Hán ngay sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ. Cơ quan đường sắt Trung Quốc cũng ước tính sẽ có hơn 55.000 người rời thành phố bằng tàu hỏa vào hôm thứ Tư.
Tuy nhiên, bên trong nội đô, các quy định nghiêm ngặt về cá nhân và doanh nghiệp vẫn được áp dụng nhằm đề phòng virus có thể tái bùng phát. Giới chức thành phố kêu gọi người dân ở trong nhà càng nhiều càng tốt và các trường học vẫn đóng cửa.
Trong thực tế, nhiều người dân Vũ Hán vẫn chưa nghĩ tới việc ngừng tự cách li, chưa nói đến rời khỏi thành phố. Trong hơn 80.000 người nhiễm COVID-19 trên toàn Đại lục Trung Quốc, 2/3 là ở Vũ Hán. "Những trải nghiệm của người dân Vũ Hán về căn bệnh này sâu sắc hơn nhiều so với các thành phố khác", Yan Hui, một nhân viên marketing sinh ra tại Vũ Hán và từng mắc virus nhưng may mắn đã hồi phục.
Vũ Hàn ngày hôm nay sẽ không bao giờ có thể trở lại như Vũ Hán trước khi đại dịch bùng phát.
Trong những ngày gần đây, ngày càng có nhiều cửa hàng, mặc dù tái hoạt động nhưng vẫn dựng rào chắn trên vỉa hè để khách hàng có thể mua đồ mà không cần vào bên trong. Trong những công viên dọc theo bờ sông Dương Tử, các gia đình bắt đầu ra ngoài để tận hưởng ánh nắng mặt trời và không khí tự nhiên. Người già cũng dần tụ tập với nhau thành những nhóm nhỏ để tán chuyện hoặc chơi cờ tướng. Trẻ em vẫn ít thấy hơn và nếu xuất hiện thì luôn có người lớn đi kèm. Hệ thống giao thông công cộng cũng đã hoạt động lại nhưng số hành khách vẫn còn khá ít ỏi.
Bên ngoài các khu chung cư là hàng loạt các hộp giấy xếp chồng lên nhau –hệ quả của việc mua sắm trực tuyến liên tục gia tăng. Theo nhà bán lẻ JD.com, so với một tháng trước đó, số đơn hàng đến từ tỉnh Hồ Bắc (mà Vũ Hán là thủ phủ) tăng gấp 3 lần trong tháng 3. "Người dân bắt đầu chuyển từ mua các nhu yếu phẩm hàng ngày và đồ dùng trong nhà sang quần áo, mỹ phẩm và đồ đi du lịch", đại diện của JD tiết lộ.
Phó thị trưởng Vũ Hán Hu Yabo cho hay, gần 94% doanh nghiệp trên toàn Vũ Hán đã khôi phục hoạt động. Đối với các ngành công nghiệp chủ lực, tỷ lệ vượt mức 97%, còn đối với ngành dịch vụ, tỷ lệ là 93%.
Tuy nhiên, hiện chưa rõ bao nhiêu doanh nghiệp thực sự đang hoạt động. Tại các nhà máy công nghiệp, chỉ 60% công nhân đang làm việc và lượng điện tiêu thụ mới chỉ bằng 1/5 so với cùng kỳ năm ngoái. Nhà máy của Honda đã hoạt động với toàn bộ công suất. Còn trên mạng xã hội, gã khổng lồ công nghệ Huawei tuyên bố, các nhân viên tại Trung tâm nghiên Huawei tại Vũ Hán sẵn sàng quay trở lại làm việc "khi mà làn sóng mới của tinh thần tích cực đang tràn ngập khắp công ty".
Mặc dù vậy ở đâu đó, những bi quan về nền kinh tế địa phương vẫn luôn hiện hữu. Hầu hết các nhà máy tại Trung Quốc vẫn đang đối mặt với khó khăn do dịch bệnh khiến nhu cầu xuất khẩu sang nước ngoài giảm sút mạnh. Do sản xuất tái khởi động sẽ đi kèm với các chi phí về thiết bị và văn phòng, ảnh hưởng sẽ càng rõ rệt hơn lên toàn nền kinh tế.
Trong tháng 2 khi đại dịch đạt đỉnh điểm tại Trung Quốc, không có một hợp đồng bất động sản nhà ở nào được ký kết tại Vũ Hán.
Bà Helen Ding, một nhân viên thiết kế kiến trúc chia sẻ, mặc dù các dự án hiện tại của công ty bà có quy mô khá lớn và khó có thể bị hủy bỏ, nhưng giới quản lý đang lo lắng về việc kinh doanh và khách hàng trong tương lai.
"Cả thế giới đang trong tình trạng rất xấu và không một ai thực sự tự tin về tương lai", bà Ding nói.
Đối với các doanh nghiệp nhỏ, mất đi nguồn thu nhập có thể dẫn tới nhiều vấn đề hơn. Không có tiền mặt, doanh nghiệp phải sa thải nhân viên và giờ không thể thuê lại họ ngay lập tức. Những doanh nghiệp khác lo lắng về kho hàng tồn vẫn chưa bán được, chi phí để duy trì thiết bị và hải quan…
Trong tháng 3, một tập đoàn nhà hàng lớn tại Vũ Hán đã phải viết một lá thư gửi tới chính quyền thành phố đề nghị được hỗ trợ như giảm tiền thuê, trợ cấp vay và lương… Lá thư chỉ ra, đại dịch là một "thảm hoạ" cho ngành dịch vụ ăn uống.
Vào thời kỳ dịch bệnh bùng phát mạnh nhất, ông Liu Dongzhou từng nghĩ tới việc từ bỏ doanh nghiệp chuyên sản xuất cá viên, gà trộn và các sản phẩm đông lạnh khác của mình. Giờ đây ông hy vọng có thể tái sản xuất vào tuần sau, nhưng sẽ phải cho nghỉ 1/5 trong tổng số 80 nhân viên. Mặc dù từng nghe tới các chính sách hỗ trợ của chính phủ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng ông Liu cho rằng, trong thời gian ngắn, công ty của ông sẽ không nhận được bất kỳ trợ giúp nào.
Ngay cả khi người dân được phép rời Vũ Hán, ông Liu tiết lộ, tại khu vực ông sinh sống, chính quyền địa phương vẫn thắt chặt những hạn chế di chuyển của cư dân. "Đối với một người bình thường, dỡ bỏ hay không dỡ bỏ lệnh phong tỏa không có nhiều khác biệt", ông Liu nói.