(Tổ Quốc) - Theo Thiếu tướng Vladimir Dvorkin, Mỹ hiện đang có thể có tới 20.000 đầu đạn hạt nhân chiến thuật trong kho vũ khí của họ, còn Nga chỉ sở hữu không quá 2.000 đầu đạn.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật là loại được sử dụng trong các trận đánh ngoài tiền tuyến và ở những khu vực cách đó hàng chục km. Chúng nhỏ hơn nhiều so với vũ khí hạt nhân chiến lược nhưng vẫn là một trong những phương tiện chiến tranh nguy hiểm nhất từng được chế tạo.
‘Cả Liên Xô và Mỹ đều đã từng thử nghiệm vũ khí hạt nhân”, Giáo sư Vadim Kozyulin thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự Nga cho biết. “Mỗi quốc gia đều từng nghiên cứu khả năng trang bị lượng nổ hạt nhân công suất thấp cho súng trường, mìn chống bộ binh, chống tăng, cũng như đạn xe tăng và nhiều loại đạn pháo khác nhau”.
Theo giáo sư Kozyulin, cho tới nay những vũ khí như vậy vẫn chưa từng được sử dụng trong chiến đấu vì đơn giản, bụi phóng xạ và ô nhiễm khu vực xung quanh sẽ kết thúc cuộc tấn công bằng cách giết chết luôn cả quân mình và quân kẻ thù.
Một trong những khác biệt chính giữa vũ khí hạt nhân chiến thuật và chiến lược nằm ở chỗ, vũ khí chiến thuật không bị điều tiết bởi bất kỳ hiệp ước quốc tế nào. Chẳng hạn như, tại cả Nga và Mỹ, các đầu đạn hạt nhân trang bị cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tàu ngầm và máy bay ném bom hạt nhân bị giới hạn ở mức 1.550 đơn vị và 700 phương tiện mạng phóng.
Tuy nhiên, việc các nước được phép sở hữu bao nhiêu đầu đạn hạt nhân nhỏ hơn thì lại không có quy định nào. Các cường quốc thế giới vẫn chưa thống nhất được một thỏa thuận về vấn đề này.
Tên lửa Iskander-M trong một cuộc tập trận năm 2016. Ảnh: TASS
Thiếu tướng Vladimir Dvorkin, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung ương 4 thuộc Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Mỹ có thể có tới 20.000 đầu đạn hạt nhân chiến thuật trong kho vũ khí của họ, còn Nga sở hữu không quá 2.000 đầu đạn.
Theo ông, vào đầu những năm 1990, kho vũ khí của Nga có các đầu đạn và bom trang bị cho tên lửa Oka, Tochka và Luna. Ngoài ra, Nga cũng có hàng trăm đầu đạn dùng cho tên lửa chống hạm và chống ngầm cũng như các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa, mìn hạt nhân và đạn pháo cỡ nòng lớn.
Thế nhưng, Nga đã bắt đầu đơn phương phá hủy chúng khi cuộc chạy đua vũ trang kết thúc.
Trong khi đó, học thuyết quân sự mới của Mỹ hiện nay lại đang đề cập tới vai trò của các đầu đạn hạt nhân công suất thấp để sử dụng trong các cuộc xung đột cục bộ. Mỹ coi đây như một biện pháp răn đe, tăng cường phòng thủ, ngăn chặn các nước khác sử dụng đầu đạn hạt nhân chiến thuật.
Theo ông Kozyulin, Mỹ hiện đang hiện đại hóa tên lửa hành trình BGM-109 Tomahawk - loại vũ khí có thể được sử dụng để mang đầu đạn hạt nhân. Mối đe dọa đối với Nga nằm ở chỗ các tên lửa này lại được triển khai ở căn cứ mới của Mỹ tại thị trấn Redzikowo, phía bắc Ba Lan, nơi Mỹ đã thiết lập một tổ hợp phòng thủ tên lửa quốc gia.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga hiện cũng đang cân nhắc các lựa chọn trong trường hợp gia tăng mối đe dọa bằng cách sử dụng đầu đạn hạt nhân chiến thuật trang bị cho tên lửa Iskander-M.
Quân đội Nga cũng có thể cải tiến các tên lửa hành trình Kalibr trên biển cũng như tên lửa phóng từ trên không Kinzhal để mang các đầu đạn hạt nhân tương tự. Theo ông Kozyulin, Nga sẽ dựa vào diễn biến tình hình cụ thể để có các biện pháp đối phó và Moscow hoàn toàn đủ khả năng để làm điều đó.
Iskander-M diễn tập triển khai tác chiến và tiêu diệt mục tiêu