(Tổ Quốc) - Theo lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên – Huế), phía chủ đầu tư đã tự ý san lấp mặt bằng để tiến hành thi công dự án bãi đậu xe du lịch khi chưa được đơn vị này bàn giao mặt bằng theo đúng với quy định.
- 22.06.2017 Tạm dừng thi công, kiểm tra thông tin việc lăng mộ nghi của vợ vua Tự Đức bị san lấp
- 24.06.2017 Nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến nghi vấn lăng vợ vua Tự Đức bị san lấp
- 24.06.2017 Tìm thấy bia mộ cổ tại khu vực nghi lăng mộ vợ vua Tự Đức bị san lấp
- 26.06.2017 Người được khắc tên trên bia mộ cổ được phát hiện tại Huế là ai?
Liên quan đến thông tin một ngôi mộ cổ nghi là mộ vợ của vua Tự Đức bị san lấp trong quá trình thi công dự án bãi đậu xe khách du lịch tham quan lăng Tự Đức và lăng Đồng Khánh tại phường Thủy Xuân, TP. Huế, phía Trung tâm phát triển Qũy đất TP. Huế, đơn vị trực tiếp kiểm kê, thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng đã lần đầu tiên lên tiếng về sự việc này.
Không phát hiện mộ cổ khi kiểm kê đất
Ngày 26/6, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc, ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó GĐ Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Huế thông tin, đối với khu vực đất dự án nghi có lăng mộ vua Tự Đức bị san lấp, đơn vị này chưa bàn giao mặt bằng nhưng Công ty TNHH Thương Mại và Dịch Vụ Chuỗi Giá Trị đã tự ý tiến hành thi công san lấp mặt bằng.
Ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó GĐ Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Huế làm việc với phóng viên. |
Theo ông Tuấn, trước đó sau khi có thông báo các hộ gia đình, cá nhân có mồ mả tại khu vực đất thu hồi phục vụ dự án đã thực hiện kê khai số lượng. Phía Trung tâm cũng đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành đi thực địa, kiểm kê, đo đạc lập biên bản về những lăng mộ tại đây.
Trong quá trình kiểm kê tại khu đất nói trên, phía Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố khẳng định đã kiểm kê trên thực địa toàn bộ phạm vi thực hiện dự án, mộ có chủ kê khai và mộ không có chủ kê khai (mộ nổi trên mặt đất), tuy nhiên không phát hiện dấu tích lăng mộ cổ.
“Có thể, do mộ lâu năm, đã tàn lụi, nằm dưới đất nên không biết để kiểm kê”, ông Tuấn cho hay.
Ông Tuấn cũng thông tin thêm, sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc di dời mộ vô chủ nhưng do đơn vị này chưa hỗ trợ kinh phí cho 3 hộ dân có diện tích thu hồi lớn theo chủ trương của UBND tỉnh và 3 hộ đang được tiến hành điều chỉnh bổ sung giá trị bồi thường, hỗ trợ nên Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố chưa xác nhận và bàn giao mặt bằng. Thế nhưng Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Chuỗi Giá Trị đã tiến hành thi công.
“Khi chưa bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư nhưng đơn vị vẫn tiến hành san ủi mặt bằng là sai về quy định”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Dự án bãi đỗ xe khách tham quan lăng Tự Đức – lăng Đồng Khánh. |
Lãnh đạo đơn vị này cũng cho hay, việc này do trách nhiệm của chủ đầu tư khi thi công phát hiện sự việc nhưng không báo với các bên liên quan để xử lý theo đúng quy định. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai dự án, Trung tâm đã niêm yết công khai, thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng không nhận được bất kỳ ý kiến nào của người dân về việc tại khu vực giải tỏa có dấu tích của mộ là vợ vua Tự Đức!?
Có thể truy tố nếu cố tình làm sai
Được biết, Dự án xây dựng bãi đỗ xe khách tham quan lăng Tự Đức và lăng Đồng Khánh được thực hiện theo QĐ số 745 ngày 13/6/2016. Bãi đỗ xe có diện tích 17.000m2 với quy mô 100 ô tô, xe điện các loại và 120 xe máy. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 15 tỉ đồng do Công ty TNHH Chuỗi Giá Trị làm chủ đầu tư.
Trong quá trình thi công san mặt bằng, dự án bị người dân sống gần khu vực nói trên can ngăn và phản ánh đến cơ quan chức năng vì cho rằng trong lúc san lấp đất đã san lấp luôn ngôi lăng mộ nghi là vợ của vua Tự Đức.
Sau khi tạm dừng thi công, kiểm tra và tìm kiếm thấy một tấm bia mộ cổ tại khu vực bị san lấp, các cơ quan chức năng trong đó có đại diện Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, Thanh tra Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Thừa Thiên – Huế tiến hành lập biên bản sự việc.
Nhiều dấu tích tại hiện trường cho thấy khu vực đang thi công có ngôi mộ lớn. |
Theo PGS. TS Đỗ Bang – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên – Huế, nói về trách nhiệm nếu trước đây đúng là tồn tại một ngôi mộ cổ mà phía Ban giải phóng mặt bằng đã di dời thì cần phải đưa ra những bằng chứng về hồ sơ di dời. Mộ được di dời từ khi nào, di dời về đâu?. Còn nếu biết đây có mộ cổ mà phía đơn vị thi công vẫn cày xới, san ủi thì sai hoàn toàn cả về mặt pháp luật lẫn đạo lý, có thể truy tố được.
“Về dự án, theo tôi vẫn tiến hành vì đây là chủ trương đầu tư của tỉnh. Trường hợp nếu tại khu vực thi công, huyệt mộ và thi hài của bà vẫn còn thì có thể giữ nguyên ở vị trí cũ và xây lại mộ mới cho bà. Nhưng trước hết, khi đã phát hiện ra sự việc, các nhà sử học cũng nên vào cuộc nghiên cứu đến cuối cùng để tìm ra sự thật”, PGS. TS Đỗ Bang nói.
Trước nhiều ý kiến trách Nguyễn Phước tộc (con cháu của vua chúa) vì sao không tìm kiếm và gìn giữ lăng mộ của tổ tiên, theo PGS. TS Đỗ Bang, vua triều Nguyễn thường có nhiều vợ. Riêng vua Tự Đức có đến 103 bà vợ và được phân chia thành 9 bậc, vậy nên trong hoàng tộc khó nắm được hết về số lượng, danh tính và mộ táng của tất cả các bà.
Ngoài ra, các vợ của vua Tự Đức không có con cái vậy nên khi mất đi có người được chôn cất thờ phụng đàng hoàng, có người không được chăm sóc đầy đủ. Qua hàng trăm năm với nhiều biến cố có thể bị lãng quên. Vì vậy, mọi người khó có thể trách con cháu bên hoàng tộc được.
Thế Trung - Đức Hoàng