(Tổ Quốc) - Tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc tự chế tạo bắt đầu chạy thử trên biển vào hôm Chủ nhật (13/4).
Hiện có tên gọi là Type 001A, tàu sân bay mới bắt đầu ra khơi vào lúc 7 giờ sáng (giờ địa phương) tại Đại Liên, thuộc tỉnh Liêu Ninh. Nặng 50.000 tấn, Type 001A là tàu sân bay thứ hai, đồng thời là con tàu sân bay đầu tiên được thiết kế và chế tạo hoàn toàn tại nội địa của Trung Quốc. Nó cũng được kỳ vọng sẽ chính thức gia nhập lực lượng hải quân nước này trước năm 2020.
To hơn không đồng nghĩ với tối tân
Theo các chuyên gia, mặc dù con tàu mới là một cột mốc lịch sử trong quá trình phát triển của hải quân, cũng như gia tăng đáng kể sức mạnh quân sự của Trung Quốc trong khu vực châu Á; tuy nhiên, công nghệ của nó vẫn khá lạc hậu và còn kém xa rất nhiều so với các cường quốc hải quân khác, đặc biệt là Mỹ.
“Nó không được thiết kế để trở thành một thách thức cho sức mạnh của Mỹ tại Thái Bình Dương, bởi vì đơn giản nó không cùng đẳng cấp với các tàu sân bay của Mỹ,” Sam Roggeveen, một học giả cấp cao tại Viện Lowy, Australia nói với phóng viên CNN. Type 001A “hiện đại hơn” so với tàu Liêu Ninh – tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, vốn được mua lại từ Ukraine - và có thiết kế lớn hơn và nặng hơn để có thể chở được nhiều máy bay hơn. Về cơ bản, nó dựa rất nhiều vào hình mẫu là tàu Liêu Ninh.
Timothy Heath, một nhà nghiên cứu phòng thủ quốc tế của RAND Corporation cho biết, thiết kế của Type 001A khá dễ cho quá trình chế tạo và cũng thuận tiện để vận hành các phi cơ chiến đấu.
Theo Peter Layton, một học giả thỉnh giảng tại Viện Griffith châu Á, trong khi Liêu Ninh có vai trò như một tàu huấn luyện, thì tàu mới gần như chắc chắn sẽ được triển khai trong các nhiệm vụ chiến đấu - góp phần củng cố vị thế của Trung Quốc trước các cường quốc hải quân khác, bao gồm Nga, Pháp, Mỹ và Anh.
Trong năm nay, Hải quân Mỹ đã vận hành 11 tàu sân bay chạy bằng hạt nhân – nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.
Các tàu của Mỹ sử dụng công nghệ “catapult”, giúp máy bay cất cánh nhanh hơn, tiết kiệm nhiên liệu và chở được nhiều đạn dược hơn. Đây là một lợi thế mà các phi cơ của Trung Quốc không có khi xuất phát từ tàu Liêu Ninh.
So sánh giữa tàu sân bay Liêu Ninh (Liaoning) và Type 001A có thể thấy sự tương đồng rõ rệt |
Vấn đề sẽ tiếp tục xuất hiện
Chạy thử trên biển thành công không có nghĩa là tàu sân bay đã sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Mặc dù 001A đã ra khơi được, rất nhiều vấn đề có thể, và gần như chắc chắn sẽ xuất hiện.
Hồi cuối năm 2017, tàu sân bay mới của Anh, HMS Queen Elizabeth đã bị rò rỉ khi đang chạy thử trên biển và cần phải sửa chữa.
Tại Mỹ, USS Gerald R Ford – tàu sân bay mới nhất và đắt đỏ nhất trong lịch sử hải quân nước này, cũng đã phải đối mặt với vô số trục trặc. Một báo cáo công bố vào tháng 1/2018 cho thấy, con tàu nặng 100.000 tấn với chi phí chế tạo lên tới 13 tỷ USD đang có rất nhiều lỗi hệ thống nghiêm trọng, như hệ thống cất cánh máy bay “catapult”, phanh đón máy bay khi hạ cánh, radar…
Theo báo cáo, những vấn đề trên sẽ khiến “con tàu dễ bị tổn thương khi gặp tấn công, hoặc tạo ra những hạn chế trong quá trình vận hành”. Đó là chưa kể một số lỗi “thông thường” khác, trong đó có cả việc không có… đủ chỗ ngủ cho các thành viên thuỷ thủ…
Tương lai của Hải quân Trung Quốc
CNN nhận định, Trung Quốc sẽ còn phải đi một quãng đường rất xa để có thể thực sự trở thành một nguy cơ cho hải quân Mỹ. Tuy vậy, ở tầm khu vực, chương trình quân sự của Bắc Kinh vẫn đang tiến rất nhanh.
Với ngân sách quốc phòng năm 2018 là 175 tỷ USD, tăng 8% so với năm ngoái, quân đội Trung Quốc đang không ngừng đẩy mạnh quá trình hiện đại hoá.
Giáo sư trường Boston, Robert Ross thống kê, trong khoảng từ năm 2010 đến 2017, số tàu của Hải quân Trung Quốc đã tăng từ 210 lên 320.
Cũng trong lúc này, Trung Quốc cũng đã bắt tay vào nghiên cứu chế tạo con tàu sân bay thứ ba, được cho là sẽ sử dụng các hệ thống phóng máy bay hiện đại hơn nhiều.
“Hải quân Mỹ và năng lực của Hải quân Mỹ sẽ vẫn là ở thế thượng phong so với Hải quân Trung Quốc trong 10 năm tới, tuy nhiên quy mô đội tàu Trung Quốc sẽ ngày một lớn hơn, và họ sẽ rút ngắn khoảng cách trong công nghệ và huấn luyện,” Giáo sư Ross nói.
Công nhân và kỹ sư đang gấp rút hoàn thiện tàu Type 001A vào ngày giữa tháng 4/2018 |
Bắc Kinh không hề giấu giếm khát vọng xây dựng một lực lượng hải quân hiện đại có thể hoạt động trên toàn thế giới.
Ông Ross cho biết: “Nếu bạn nhìn vào cách Trung Quốc thiết lập hạ tầng cơ sở tại Ấn Độ Dương và Đông Phi, họ sẽ nhanh chóng phát triển khả năng để duy trì hiện diện hải quân tại các vùng lãnh hải xa”.
Ở phần còn lại của châu Á, theo ông, hiện chỉ Nhật Bản có thể so sánh với hải quân Trung Quốc, tuy nhiên, nhiều khả năng, họ cũng chỉ còn khoảng 5 năm, trước khi bị chính Trung Quốc đuổi kịp và vượt qua.