• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vùng Vịnh đứt gánh: Ả Rập kiềm chế, Qatar sẵn sàng đương đầu

Thế giới 06/07/2017 22:57

(Tổ Quốc) - Bốn quốc gia Ả Rập không tăng thêm trừng phạt đối với Qatar, tuy nhiên, bày tỏ sự thất vọng trước phản ứng "tiêu cực" của Doha.

Bốn quốc gia Ả Rập ngày 5/7 đã không tăng thêm các lệnh trừng phạt đối với Qatar, tuy nhiên, bày tỏ sự thất vọng trước phản ứng "tiêu cực" của Doha đối với danh sách yêu cầu từ các nước này.

Các quốc gia này cũng cho biết cuộc tẩy chay của họ đối với Doha sẽ tiếp tục.

Phản ứng mới từ vùng Vịnh

Bốn nước Saudi Arabia, các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập  trước đó cáo buộc Qatar hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố và có quan hệ thân thiết với đối thủ khu vực của Iran – điều Doha hoàn toàn phủ nhận. Các bộ trưởng ngoại giao của 4 nước trên đã gặp nhau tại Cairo vào ngày 5/7 sau khi thời hạn cho phép Qatar đáp ứng 13 yêu cầu của họ đã hết hạn.

Ngoại trưởng 4 nước Ả Rập họp báo ngày 5/7. (Nguồn: Reuters)

Các nước này đã dự kiến sẽ xem xét các biện pháp trừng phạt mới tại cuộc họp, tuy nhiên, thông báo chưa có biện pháp mới.

Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Sameh Shoukry cho biết, "Câu trả lời bốn quốc gia nhận được (từ Doha) về tổng thể là tiêu cực và thiếu nội dung. " Còn Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir phát biểu trong một cuộc họp báo rằng, "Cuộc tẩy chay chính trị và kinh tế sẽ tiếp tục cho đến khi Qatar thay đổi chính sách của mình để trở nên tốt hơn".

Phản ứng chính thức của Qatar đối với các yêu cầu trên không được công khai.

Bộ trưởng Ngoại giao UAE Anwar Gargash, cho biết trong một bài phát biểu rằng Qatar sẽ phải đối mặt với "sự cô lập, các biện pháp trừng phạt gia tăng và đánh mất danh tiếng" nếu không quan tâm tới các yêu cầu của họ.

Bộ trưởng Ngoại giao Bahrain, Sheikh Khalid bin Ahmed al-Khalifa cũng nói rằng, bất kỳ quyết định nào về việc chấm dứt tư cách thành viên của Qatar trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) sẽ đến từ GCC và biện pháp này sẽ được xem xét khi họ nhóm họp lần tới.

Các bộ trưởng ngoại giao 4 nước vùng Vịnh cho biết họ sẽ sớm gặp lại thủ đô Manama của Bahrain, tuy chưa cho biết ngày cụ thể. Các quan chức tình báo của cả bốn quốc gia này cũng đã gặp nhau tại Cairo vào tối ngày 4/7.

Tác động phương Tây chưa hiệu quả

Căng thẳng nghiêm trọng nhất giữa các nước Ả Rập trong nhiều năm qua đã dấy lên sự lo ngại sâu sắc của các đồng minh phương Tây – đang có mối quan hệ thân thiết với cả hai bên và đều là các đối tác thiết yếu về cả năng lượng và quốc phòng.

Các quốc gia Ả Rập đã yêu cầu Qatar ngừng ủng hộ nhóm Huynh đệ Hồi giáo (MB), đóng cửa kênh truyền hình vệ tinh al Jazeera , đóng căn cứ quân sự Thổ Nhĩ Kỳ tại nước này và hạ bậc quan hệ với đối thủ Iran.

Qatar cùng với Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ một chính phủ MB ở Ai Cập trước khi nó bị lật đổ vào năm 2013. Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi đã nói chuyện với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump qua điện thoại về Qatar, văn phòng của ông Sisi cho biết hôm thứ Tư.

Ông Trump đã bày tỏ quan ngại với cả hai bên. Qatar đang có căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ trong khu vực – lực lượng được coi là một bức tường chắn chống lại Iran.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson cũng đã nói chuyện qua điện thoại với hoàng tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman hôm thứ Tư, một quan chức Bộ ngoại giao Mỹ cho biết.

Dù vậy, ông Shoukry cho biết lời kêu gọi của ông Trump không ảnh hưởng đến tuyên bố của Ngoại trưởng 4 nước vùng Vịnh.

Qatar sẵn sàng cho căng thẳng lâu dài

Cũng trong ngày 5/7, Qatar nói rằng bốn nước trên có hành động "gây sự rõ ràng" và cho biết các cáo buộc các nước này đưa ra đối với Doha để cắt đứt quan hệ cách đây một tháng "rõ ràng được xây dựng nhằm tạo nên làn sóng chống Qatar ở phương Tây".

Ngoại trưởng Qatar, Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani, nói trong một phiên tham luận với Chatham House ở London rằng Doha đang tiếp tục kêu gọi đối thoại để giải quyết tranh chấp.

Ông cũng cho biết, Qatar - nhà cung cấp lớn nhất thế giới về khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) và nước xuất khẩu khí đốt lớn thứ hai sau Nga, đang chuẩn bị cho sự chia rẽ kéo dài.

Qatar hôm thứ ba công bố rằng họ dự định tăng công suất sản xuất LNG lên 30% trong năm năm tới.

Nguồn tin từ giới thương nhân và doanh nghiệp nói với Reuters rằng ba công ty năng lượng lớn nhất của phương Tây đang vận động hành lang Qatar để xúc tiến việc mở rộng sản lượng khí đốt – động thái cho thấy một sự ủng hộ bất ngờ nhưng kịp thời.

Qatar đã đầu tư rất nhiều cho các dự án cơ sở hạ tầng ở các nước phương Tây và đang hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ và các đồng minh khác trong cuộc xung đột Syria.

Phản ứng với cáo buộc rằng đã quá thân cận với Iran, ông nói Doha đã sống bên cạnh Tehran kể từ khi hai quốc gia chia sẻ mỏ khí ngoài khơi.

"Các quốc gia đang cấm vận yêu cầu chúng tôi phải đầu hàng chủ quyền để chấm dứt cuộc bao vây, điều mà ... Qatar sẽ không bao giờ làm," Sheikh Mohammed nói.

Hiện tại, căng thẳng vùng Vịnh có thể sẽ tiếp tục kéo dài. Các tờ báo ở vùng Vịnh thân cận với chính phủ cũng cho thấy chưa có nhiều triển vọng đối với bất kỳ thỏa thuận ngay lập tức nào.

(Theo Reuters)

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ