• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vượt “bão” khủng hoảng, EU hướng tới bước ngoặt lịch sử

Thế giới 22/03/2017 21:20

(Tổ Quốc) - Các nhà lãnh đạo EU sẽ tập trung tại Rome vào cuối tuần này để hướng tới tuyên bố "tương lai chung" của khối vào ngày kỉ niệm 60 năm thành lập.

Các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) sẽ tập trung tại Rome vào cuối tuần này để hướng tới việc tuyên bố "tương lai chung" của khối vào ngày kỉ niệm 60 năm thành lập khối, bất chấp một làn sóng các cuộc khủng hoảng bao gồm cả việc Anh rời khỏi EU.

27 nhà lãnh đạo EU, nhân dịp kỉ niêm 60 năm Hiệp ước Rome (25/3/1957) sẽ chào đón hòa bình và thịnh vượng mà Hiệp ước đã mang lại cho châu Âu sau chiến tranh thế giới II tại Rome vào ngày 25/3 tới.

Tuy nhiên, một “vết rạn” tại bữa tiệc là sự vắng mặt của Thủ tướng Anh Theresa May, thay vì tham gia bữa tiệc cùng 27 lãnh đạo EU trong một cung điện từ thế kỷ 16, sẽ ở London chuẩn bị cho việc kích hoạt tiến trình Brexit chỉ bốn ngày sau đó.

Thủ tướng Anh Theresa May đang chuẩn bị cho việc kích hoạt tiến trình Brexit vào ngày 29/3. (Nguồn: AFP)

Cuộc khủng hoảng tị nạn, chủ nghĩa khủng bố, phong trào dân túy, cuộc khủng hoảng nợ ở khu vực đồng euro và Brexit là một trong những thách thức đang tồn tại dự kiến phủ bóng lễ kỉ niệm của EU – được thành lập để tái thiết châu Âu từ tro tàn của chiến tranh.

Vào chiều ngày thứ 6, các nhà lãnh đạo EU sẽ có một buổi thuyết trình đặc biệt với Đức Giáo hoàng Francis tại Vatican.

Vào ngày thứ Bảy, các thành viên sẽ tập trung tại một hội nghị nghi lễ tại Hội trường Horatii và Curiatii trong tòa nhà cổ từ thế kỷ XVI Palazzo dei Conservatori nằm trên Quảng trường Capitoline, nơi Hiệp ước Rome được ký kết.

Họ sẽ đưa ra tuyên bố rằng "Châu Âu là tương lai chung của chúng ta "trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng và đưa ra một lộ trình cho 10 năm tới, trước khi chụp "bức ảnh gia đình".

 Các thách thức đối với EU

Tuy nhiên, trong một dấu hiệu của những căng thẳng cơ bản đang tồn tại trong EU, vẫn còn những bất đồng về liệu tuyên bố chung sẽ đi xa tới đâu khi đề cập tới việc các thành viên EU có thể có "những bước đi và mức độ" hợp tác khác nhau.

Chủ tịch EU Donald Tusk đã nói trong bức thư mời họp thượng đỉnh của ông rằng Rome sẽ là một "cơ hội để kỷ niệm lịch sử chung của chúng ta và tổng kết sáu mươi năm hội nhập."

Ông cũng đã cảnh báo về những thách thức phía trước trong bối cảnh tình hình địa chính trị đang thay đổi, bao gồm một đồng minh tiềm ẩn nhiều khó lường là chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump, một nước Nga gia tăng hiện diện và chủ nghĩa bảo hộ cũng ngày càng tăng.

Các cuộc bầu cử quan trọng năm nay ở Pháp - nơi nhà lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen đã và đang thể hiện mạnh mẽ trong các cuộc thăm dò và tại Đức, cũng đang báo hiệu rằng châu đang ở thời điểm bước ngoặt.

Ông Tusk, cũng là cựu Thủ tướng Ba Lan đã nói: "Không có gì bí mật rằng thời điểm lịch sử chúng ta đang đối mặt đòi hỏi phải có những phản ánh sâu sắc hơn và vững chắc hơn về những thách thức đối với liên minh.

60 năm trước, chỉ có sáu quốc gia là Bỉ, Pháp, Italy, Luxembourg, Hà Lan và Tây Đức  tham gia thành lập Cộng đồng Kinh tế Châu Âu.

Giờ đây, Cộng đồng Kinh tế Châu Âu đã chuyển mình thành EU – và mở rộng trở thành một khối chính trị và kinh tế bao gồm 28 quốc gia (bao gồm cả Anh – chưa chính thức ra đi) với 508 triệu người, đại diện cho khối kinh tế lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, những vết nứt đã xuất hiện trong những năm gần đây, với sự mở rộng nhanh chóng sang phía đông – nơi còn ảnh hưởng từ Liên Xô cùng với những vấn đề nảy sinh trong quá trình sử dụng đồng tiền chung.

Sự nổi lên của các chính đảng dân tộc và dân túy hiện cũng đang là một mối đe dọa đặc biệt nghiêm trọng đối với sự phát triển của EU.

Loại trừ và tách biệt trên con đường phát triển

Sự chuẩn bị cho buổi lễ tại Rome năm nay đã phần nào bị xáo trộn bởi một cuộc khẩu chiến nội bộ giữa Brussels và chính phủ cánh hữu ở Warsaw, đã tức giận khi các nhà lãnh đạo EU bỏ qua sự phản đối của họ để ủng hộ ông Tusk tiếp tục giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) cho đến năm 2019.

Ba Lan gần đây cũng đã cảnh báo rằng họ sẽ không chấp nhận một châu Âu "đa tốc độ" phát triển – tiến trình sẽ để lại một số nước phía sau trong khi những "động cơ" chính của châu Âu như Đức và Pháp tiếp tục phát triển.

Tuy nhiên, Berlin và Paris đang muốn được cấp phép hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong các vấn đề như quốc phòng và kinh tế khi EU đang chuẩn bị phải xúc tiến tiến trình đàm phán với Anh khi nước này trở thành quốc gia đầu tiên rời khỏi EU.

Theo ông, Charles de Marcilly, thuộc tổ chức tư vấn Schuman Foundation ở Brussels, nói với AFP rằng: "Trên thực tế, những bên lo ngại một châu Âu đa tốc độ đang sợ bị hạ xuống hạng hai.

"Sẽ là một sự cân bằng khó khăn để tiến lên nếu không có sự loại trừ và để phát triển nếu không có sự tách biệt".

Về phần mình, bà May "đã gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới các đồng nghiệp EU", phát ngôn viên của Thủ tướng Anh nói, cho biết thêm: "27 thành viên EU  đang tiến về một hướng còn công chúng Anh đã bỏ phiếu đi theo một hướng khác."

(Theo AFP)

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ