• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vượt mặt Mỹ, thế lực Nga đảo chiều hỗn loạn Afghanistan?

Thế giới 27/08/2018 06:14

(Tổ Quốc) - Cuộc đàm phàn hoà bình do Nga chủ trì tháng sau có thể tạo ra sự thay đổi ảnh hưởng đáng kể trên chiến trường Afghanistan.

Sau sự can thiệp kéo dài 17 năm của phương Tây nhưng vẫn chưa thể đem lại hoà bình tại Afghanistan, nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin đang nổi lên như một thế lực mới.

Đối với một số người, lời đề nghị của Moscow chủ trì các cuộc đàm phán vào tháng sau, có thể đem tới những dấu hiệu tích cực trong trường hợp Taliban đồng ý ngồi vào bàn đàm phán, đặc biệt là khi lực lượng này đang ngày một “hiếu chiến” hơn so với những năm gần đây, khiến tình hình tại Kabul và một số thành phố khác trở nên phức tạp.

Tuy nhiên, động thái trên nhiều khả năng phải đối mặt với bế tắc ngay từ đầu. Chính phủ Afghan đã cho biết, họ sẽ không tham gia, đồng thời kêu gọi Taliban trực tiếp thảo luận với Kabul. Đáng lưu ý là, Taliban kiên quyết phản đối lời đề nghị này , thay vào đó lại tỏ ý muốn thương lượng với Mỹ.

Về phần mình, Mỹ có vẻ như không hài lòng với những gì đang diễn ra, bất chấp việc Washington đang tìm kiếm một chiến lược rời đi hợp lý sau nhiều năm “sa lầy” tại quốc gia Nam Á.

Trong khi đó, tình hình thực tế cho thấy, gần như không còn hy vọng có thể sớm cải thiện tình hình bạo lực, tham nhũng vốn đã trở nên quá quen thuộc trong cuộc sống thường nhật tại Afghanistan.

Giới phân tích nhận định, những tranh cãi xung quanh cuộc đàm phán mở ra một cánh cửa mới cho sứ mệnh đạt được một thoả thuận hoà bình trong khu vực vốn đang bị “xâu xé” bởi nhiều thế lực khác nhau. Pakistan, Iran, Nga và Trung Quốc đang không ngừng mở rộng ảnh hưởng, ngay cả sau khi Mỹ đã tiêu tốn hàng tỷ USD hỗ trợ cho quân đội Afghanistan nhằm kiềm chế lực lượng Taliban.

Một số chuyên gia về Afghanistan cho rằng, định vị lộ trình hoà bình tại quốc gia 32 triệu dân này, giống như đi qua một bãi mìn vậy. Theo Michael Kugelman, phó giám đốc chương trình châu Á tại Trung tâm Wilson, tình hình đang vô cùng hỗn loạn.

“Tại Afghanistan, không chỉ Mỹ và Nga đang ganh đua với nhau, mà còn có cả Trung Quốc, Iran và Pakistan”, ông Kugelman nói. “Và không ai trong số các nước này có quan hệ nồng ấm với Mỹ”.

Thủ tướng mới của Pakistan - quốc gia đóng vai trò quan trọng cho nền hoà bình lâu dài tại Afghanitstan – tuyên bố, Islamabad sẵn sàng là đối tác với Mỹ, tuy nhiên là trong thời bình, chứ không còn trong thời chiến nữa. Những tay súng Taliban thường di chuyển giữa Pakistan và Afghanistan với tần suất phụ thuộc vào trạng thái mối quan hệ giữa Islamabad với Washington. Hiện không có dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ được yêu cầu rời đi.

Chỉ một cuộc điện đàm của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo với Thủ tướng Imran Khan hôm thứ Năm (23/8), cũng đã khiến mối quan hệ giữa Mỹ và Pakistan rơi vào trạng thái “đối đầu”. Islamabad đòi hỏi một lời xin lỗi và cho biết ông Pompeo không nhắc gi tới khủng bố tại Pakistan. Điều này trái ngược lại với thông tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ rằng: “Ngoại trưởng Pompeo đề cập tới tầm quan trọng của việc Pakistan cần phải có hành động quyết đoán chống lại tất cả nhóm khủng bố đang hoạt động tại Pakistan, cũng như vai trò không thể thiếu của nước này trong tiến trình hoà bình Afghan”.

Binh lính Mỹ trên chiến trường Afghanistan (ảnh: DPA)

Thách thức thực sự trên con đường hướng tới hoà bình

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích chỉ ra, các quốc gia láng giềng và cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa các cường quốc, chỉ là một phần trong những thách thức trên con đường đi tới hoà bình của Afghanistan. Nghiêm trọng hơn, đó chính là tình trạng tham nhũng và sự chia sẽ sắc tộc sâu sắc trong Chính phủ thống nhất mà nước Mỹ đã góp phần tạo nên tại đây.

Năm ngoái, Tổ chức minh bạch quốc tế xếp Afghanistan đứng thứ 177 trên 180 quốc gia – chỉ khá hơn một chút so với những nước cuối danh sách là Syria, Nam Sudan và Somalia. Kể từ khi Chính phủ thống nhất lên nắm chính quyền vào bốn năm trước, chia rẽ sắc tộc vốn luôn là một vấn đề tại Afghanistan, lại càng trở nên khó kiểm soát hơn.

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, chuyên gia chính trị Haroon Mir cho biết, sức ép quốc tế chính là nguyên nhân giữ cho các chính trị gia Afghan ở cùng nhau. Theo ông, chính phủ đang bị chia rẽ sâu sắc giữa các nhóm sắc tộc; và việc các lực lượng quốc tế rời đi sẽ khiến các nhóm xung đột với nhau.

“Kabul sẽ bị phá huỷ bởi vì mỗi phe phái trong chính phủ đều muốn giành quyền kiểm soát”, Haroon Mir nói. “Lần này tranh đấu sắc tộc sẽ làm Kabul sụp đổ”. 

“Chừng nào tình trạng cá nhân hoá, tranh cãi nội bộ… còn chiếm lĩnh chính phủ Afghan, Kabul sẽ không thể đạt được một chiến lược hiệu quả nào [đối phó với Taliban], cho dù Mỹ và các đồng minh khác có hỗ trợ nhiều như thế nào đi nữa”, chuyên gia này khẳng định.  

Tuy nhiên, có lẽ điều tồi tệ hơn cho Mỹ đó là việc các nước phương Tây đang trở nên “uể oải” và chán nản, cùng với nhiều lời đồn đại kỳ quái đang xuất hiện ngày càng nhiều. Một trong số đó là giả thuyết Washington đang bí mật tài trợ cho Taliban và sử dụng bạo lực như một cái cớ giữ quân lính Mỹ tại Afghanistan, nhằm đối phó với Iran, Nga và Trung Quốc.

Trong khi đó, Taliban cũng bắt đầu tăng cường các hoạt động ngoại giao của mình với các chuyến công du và gặp gỡ các Ngoại trưởng tại Uzbekistan và Indonesia. Lực lượng này cũng cho biết, họ sẽ tới Trung Quốc và Pakistan trước khi diễn ra cuộc đàm phán tại Moscow vào tháng sau.

Trên chiến trường, chỉ riêng trong tháng này, Taliban đã tiến hành tấn công vào miền trung Ghazni, nơi họ có gần 5 ngày đối đầu với lực lượng an ninh Afghan được các cố vấn quân sự và không lực Mỹ hỗ trợ. Ngoài ra, trong một cuộc đụng độ khác tại tỉnh phía bắc Faryab, hơn 100 binh lính Afghan đã phải đầu hàng Taliban sau nhiều ngày không có lương thực và đạn dược.

Tuy nhiên, các nhà phân tích đánh giá, sự kiểm soát và ảnh hưởng của Taliban chỉ giới hạn tại các khu vực hẻo lánh, và họ không có đủ năng lực để giành lấy một thành phố tại Afghanistan. Lực lượng này cũng phải đối mặt với tình trạng chia rẽ nội bộ và cần phải tỏ ra mạnh mẽ về mặt quân sự, trước khi tham gia vào các cuộc thương lượng hoà bình.

Mặc dù vậy, theo Brian Glyn Williams, một giáo sư Lịch sử Hồi giáo tại Đại học Massachusetts Dartmouth, cuộc gặp mặt tháng Chín tại Moscow, vẫn nhiều khả năng trở thành một tiến triển “quan trọng và mang tính lịch sử”.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ