• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vượt qua khó khăn bởi dịch Covid-19, ngành nghệ thuật biểu diễn gặt hái nhiều thành công

Văn hoá 06/01/2021 20:31

(Tổ Quốc) - Sáng 6/1, tại Hà Nội, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết lĩnh vực Nghệ thuật biểu diễn năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021.

Ông Lê Minh Tuấn và ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục NTBD chủ trì Hội nghị. Hội nghị có sự tham gia của đông đảo đại diện các Sở VHTTDL, Sở VHTT trên toàn quốc.

Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2020, ngành Nghệ thuật biểu diễn đã chủ động triển khai các nhiệm vụ quản lý nhà nước và phát triển sự nghiệp nghệ thuật biểu diễn; hoàn thành các kế hoạch do Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Uỷ ban nhân dân các tỉnh/thành phố giao; phối hợp chặt chẽ trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn; xây dựng các hoạt động văn hóa, hoàn thành các chương trình nghệ thuật phục vụ nhân dân, phục vụ nhiệm vụ chính trị.

Vượt qua khó khăn bởi dịch Covid-19, ngành nghệ thuật biểu diễn gặt hái nhiều thành công - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội nghị

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã phối hợp với các Sở Văn hóa – Thể thao/Sở VHTTDL trên toàn quốc thực hiện tham mưu cho lãnh đạo Bộ và UBND cấp tỉnh trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành công tác quản lý nhà nước và phát triển sự nghiệp nghệ thuật biểu diễn trên phạm vi toàn quốc và trong phạm vi địa phương nhằm tạo cơ sở pháp lý để các Sở/ngành, các đơn vị nghệ thuật, các tổ chức cá nhân hoạt động, phát triển đạt kết quả tốt. Trong năm 2020 đã và đang hoàn thiện các văn bản sau: Trình Chính phủ ban hành Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14.12.2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Hoàn thành việc thực hiện đề án đào tạo diễn viên, nhạc công cho các đơn vị nghệ thuật Tuồng, nghệ thuật Chèo chuyên nghiệp trong cả nước giai đoạn 2016 – 2020. Xây dựng, trình Bộ VHTTDL Đề án tổ chức Cuộc thi, Liên hoan nghệ thuật 2021 – 2030. Xây dựng dự thảo Đề án Nâng cao năng lực về sáng tác và lý luận phê bình VHNT giai đoạn 2020 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Xây dựng dự thảo Đề án Trao Giải quốc gia về VHNT dành cho trẻ em...

Trong công tác cấp phép, các đơn vị đã thẩm định hồ sơ và cấp: 1268 giấy phép cho các đơn vị nghệ thuật, đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật đi biểu diễn trên địa bàn toàn quốc; 59 giấy phép cho 87 lượt nghệ sĩ là người Việt Nam định cư ở nước ngoài vào Việt Nam tham gia biểu diễn nghệ thuật; 02 Giấy phép cho 02 thí sinh tham dự cuộc thi người đẹp, người mẫu quốc tế; 69 Giấy phép phê duyệt nội dung bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu; 05 giấy phép tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu, 05 văn bản chấp thuận địa điểm đăng cai vòng chung kết cuộc thi người đẹp, người mẫu; cho phép 40 đoàn nghệ thuật nước ngoài vào Việt Nam tham gia biểu diễn nghệ thuật và 04 đoàn nghệ thuật trong nước ra nước ngoài tham gia biểu diễn nghệ thuật.

Các đơn vị nghệ thuật Trung ương đã có nhiều cố gắng, sáng tạo trong xây dựng các chương trình, vở diễn nghệ thuật với nhiều loại hình, thể loại phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao; hoàn thành tốt nhiệm vụ được lãnh đạo Bộ và lãnh đạo Cục điều động biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ đồng bào, chiến sỹ vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo trên cả nước.

Vượt qua khó khăn bởi dịch Covid-19, ngành nghệ thuật biểu diễn gặt hái nhiều thành công - Ảnh 2.

Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên Cải lương được tổ chức thành công trong năm 2020

Ngoài việc tổ chức biểu diễn phục vụ chính trị, các đơn vị nghệ thuật trung ương còn tham gia tổ chức, biểu diễn nhiều chương trình nghệ thuật trong các sự kiện văn hóa, du lịch và biểu diễn có thu: tổ chức dàn dựng 89 chương trình, vở diễn, tiết mục mới; phục hồi, nâng cao 210 chương trình, vở diễn, tiết mục; 1249 buổi biểu diễn (trong đó có 175 buổi phục vụ chính trị, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; 116 buổi phục vụ đối ngoại; 85 buổi biểu diễn tại Hà Nội và 873 buổi biểu diễn lưu động bán vé); 946.100 lượt người xem; số kinh phí ước tính từ các buổi biểu diễn có bán vé đạt 60.226.151.378 đồng.

Tại địa phương, năm 2020, các đơn vị nghệ thuật địa phương đã triển khai tốt công tác phòng chống dịch Covid-19 trước diễn biến dịch bệnh kéo dài, thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, đồng thời có những chuẩn bị tốt cho hoạt động biểu diễn trở lại khi dịch bệnh tạm thời được khống chế, nghiêm túc thực hiện chỉ thị của các cấp, các ngành có liên quan, cố gắng phấn đấu vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác năm 2020.

Hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp được tổ chức sôi nổi, rộng khắp, góp phần tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đưa đến cho công chúng những giá trị thẩm mỹ cao đẹp, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân. Theo báo cáo chưa đầy đủ, trong năm 2020 các đoàn nghệ thuật ở địa phương đã: tổ chức dàn dựng 413 chương trình, tiết mục, vở diễn mới; nâng cao 125 chương trình, tiết mục, vở diễn; 3327 buổi biểu diễn (trong đó có 910 buổi biểu diễn phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo); 3.612.312 lượt người xem; số kinh phí ước tính từ các buổi biểu diễn có bán vé đạt 18.180.287.696 đồng.

Cục Nghệ thuật biểu diễn thường xuyên phối hợp và có mối liên hệ chặt chẽ với các Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trên cả nước, các Hội Văn học Nghệ thuật chuyên ngành từ Trung ương đến địa phương để triển khai có hiệu quả công tác tổ chức phát triển sự nghiệp theo kế hoạch công tác năm 2020 đã được Lãnh đạo Bộ phê duyệt. Cụ thể: Tổ chức các chương trình nghệ thuật kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2020 phục vụ và định hướng chính trị sau đại dịch Covid-19; Tổ chức thành công 6 cuộc thi: Cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc được tổ chức tại 5 điểm thi cho phù hợp với tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch Covid -19 gồm: Đắk Lắk, thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc và Hà Nội; Cuộc thi Tài năng diễn viên Múa toàn quốc, tổ chức tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên Tuồng và Dân ca Kịch toàn quốc, tổ chức tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định; Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên Chèo toàn quốc, tổ chức tại thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam; Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên Cải lương toàn quốc tại thành phố Cà Mau; Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên Kịch nói toàn quốc tại thành phố Hà Nội.

Vượt qua khó khăn bởi dịch Covid-19, ngành nghệ thuật biểu diễn gặt hái nhiều thành công - Ảnh 3.

Nhiều cuộc thi tài năng trẻ sân khấu được tổ chức góp phần khích lệ các nghệ sĩ trên con đường nghệ thuật


Các Nhà hát đã triển khai các hoạt động biểu diễn trước và sau dịch bệnh Covid-19, các chương trình nghệ thuật phục vụ đồng bào, chiến sỹ vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn và tăng cường hoạt động quảng bá các loại hình nghệ thuật truyền thống và hiện đại đến với đông đảo quần chúng khán giả trong cả nước theo nội dung phong trào thi đua năm 2020 của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Ở các địa phương, nhiều hoạt động phát triển sự nghiệp đã được các Sở triển khai tổ chức thành công.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nêu lên những thuận lợi cũng như thách thức của lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn trong bối cảnh mới. Trong đó có việc sáp nhập các đơn vị nghệ thuật truyền thống ở địa phương và hợp nhất các đơn vị nghệ thuật chuyển sang hình thức ngoài công lập vào Trung tâm văn hóa thành một đầu mối đã phát sinh những bất cập khiến nhiều địa phương lúng túng trong định hướng hoạt động. Cùng với đó là cơ chế chính sách đối với nghệ sĩ còn thấp so với mặt bằng chung thu nhập của xã hội; sở vật chất chưa đảm bảo, chưa được đầu tư đúng mức, các rạp hát, địa điểm biểu diễn có sẵn hiện xuống cấp không thể khai thác, sử dụng, gây khó khăn trong việc biểu diễn, luyện tập, làm việc. Các đơn vị nghệ thuật, đặc biệt đối với nghệ thuật truyền thống gặp khó khăn trong việc tuyển chọn, đào tạo diễn viên, nhạc công kế cận. Nguồn nhân lực còn hạn chế về số lượng, chất lượng chuyên môn, nguồn nhân sự chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội, chưa đủ sức thu hút đông đảo khán giả, các tác phẩm nghệ thuật mới chưa dược đầu tư lớn trong công tác dàn dựng trước khi biểu diễn trước công chúng....

Ông Lê Minh Tuấn cho biết, những kiến nghị của các nhà hát, các địa phương đã được Lãnh đạo Cục NTBD kiến nghị lên Lãnh đạo Bộ VHTTDL đồng thời Lãnh đạo Bộ VHTTDL luôn dành sự quan tâm cho lĩnh vực NTBD. Những ý kiến tại Hội nghị sẽ được Cục NTBD tổng kết và ghi nhận, báo cáo Lãnh đạo Bộ để có những cơ chế, chính sách phù hợp./.

Hà An

NỔI BẬT TRANG CHỦ