(Tổ Quốc) - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phát động Chương trình Tăng cường tiếp cận công cụ ứng phó Covid-19 (ACT-A) nhằm đảm bảo các quốc gia nghèo hơn có cơ hội tiếp cận vaccine, dụng cụ xét nghiệm và phương pháp điều trị Covid-19.
Theo hãng CNN, chương trình này sẽ giúp các nước thu nhập thấp mua khoảng 120 triệu liệu trình điều trị Covid-19.Thuốc do ACT-A lựa chọn là loại thuốc uống kháng virus dành cho người mắc bệnh nhẹ và trung bình. Giá mỗi liệu trình mà ACT-A hỗ trợ thu mua ở khoảng 10 đô la.
Thuốc thử nghiệm Molnupiravir do hãng dược Merck của Mỹ sản xuất có thể là một trong những loại thuốc mà ACT-A dự kiến sẽ đưa vào chương trình này. Tài liệu cho biết, bên cạnh việc mua khoảng 120 triệu liệu trình điều trị Covid-19 cho các quốc gia thu nhập thấp, chương trình cũng mong muốn hỗ trợ khoảng 1 tỷ bộ dụng cụ xét nghiệm cho những nước này nhằm hỗ trợ kiểm soát tốt hơn sự lây lan của virus.
Bên cạnh đó, WHO cho biết sẽ hỗ trợ các nước thu nhập thấp mua thuốc điều trị Covid-19 với giá rẻ sau tình trạng chênh lệch vaccine giữa các nước giàu - nghèo, khiến nhiều quốc gia thu nhập thấp ít có khả năng tiếp cận vaccine.
Người phát ngôn chương trình ACT-A lên tiếng, tài liệu cập nhật vào ngày 13/10, hiện vẫn là bản thảo đang chờ tham vấn thêm trước khi hoàn thiện và công bố chính thức. Tài liệu cũng sẽ gửi đến lãnh đạo các nước G20 trước thềm diễn ra hội nghị thượng đỉnh tại Rome vào cuối tháng này. ACT-A đã đề nghị nhóm các nước G20 và các nhà tài trợ khác tăng cường đầu tư khoảng 22,8 tỷ đô la từ nay đến tháng 9/2022 để có thể mua và phân phối vaccine, thuốc cũng như các bộ dụng cụ xét nghiệm nhằm hỗ trợ cho các quốc gia nghèo hơn trong thời gian tới. Động thái này sẽ giúp thu hẹp khoảng cách về nguồn cung giữa các quốc gia giàu – nghèo.
Cho đến nay, các nhà tài trợ đã cam kết chắc chắn hỗ trợ 18,5 tỷ đô la cho chương trình do WHO phát động. Các yêu cầu tài chính phải dựa trên thông tin chi tiết về giá thuốc, phương pháp điều trị và dụng cụ xét nghiệm – chi phí được đánh giá cao nhất trong chương trình. Và sau đó là chi phí phân phối vaccine. Mặc dù không trích dẫn rõ ràng về loại thuốc Molnupiravir nhưng tài liệu chương trình ACT-A đang kỳ vọng có thể xây dựng phác đồ điều trị với giá phải chăng, khoảng 10 đô la cho việc sử dụng thuốc kháng virus đường uống mới, áp dụng cho bệnh nhân có triệu chứng nhẹ hoặc trung bình.
Các loại thuốc điều trị khác tiếp tục phát triển nhưng Molnupiravir hiện là loại thuốc duy nhất cho đến nay có kết quả khả quan sau khi tiến hành thử nghiệm giai đoạn cuối. ACT-A hiện đang đàm phán với Merck & Co và các nhà sản xuất khác để mua thuốc.
Tâp trung vào dụng cụ xét nghiệm
Một nghiên cứu từ Đại học Havard cho biết, thuốc Molnupiravir có thể có giá khoảng 20 đô la nhưng sẽ giảm xuống khoảng 7,7 đô la trong điều kiện tối ưu hóa sản xuất. Hiện Merck&Co đã ký hợp đồng cấp phép với 8 nhà sản xuất thuốc của Ấn Độ. Tài liệu ACT-A cho biết mục tiêu của chương trình là đạt được thỏa thuận vào cuối tháng 11 nhằm đảm bảo nguồn cung thuốc uống cho bệnh nhân ngoại trú. Vì vậy, nguồn cung cấp thuốc có thể đảm bảo sẵn có trong quý I/2022.
Số tiền quyên góp ban đầu nên được sử dụng để hỗ trợ cho khoảng 28 triệu bệnh nhân mắc Covid-19 có triệu chứng nhẹ/trung bình trong 12 tháng tới, tùy thuộc vào mức độ sẵn có của sản phẩm, hướng dẫn lâm sàng và khối lượng thay đổi theo sự phát triển của nhu cầu.
Tài liệu cũng lưu ý sẽ mua số lượng lớn thuốc kháng virus đường uống nhằm hỗ trợ điều trị các bệnh nhân nhẹ ở giai đoạn sau. Bên cạnh đó, chương trình ACT-A cũng dự định sẽ đáp ứng nhu cầu máy cung cấp oxy cho 6-8 triệu bệnh nhân nặng và nguy kịch tính đến tháng 9/2022.
Theo hãng CNN, chương trình có kế hoạch đầu tư vào lộ trình chẩn đoán và xét nghiệm Covid-19 bằng việc tăng gấp đôi số lượng dụng cụ xét nghiệm, đáp ứng nhu cầu cho các nước có thu nhập thấp và trung bình.
"Trong số 22,8 tỷ đô la, chương trình ACT-A có kế hoạch sẽ triển khai trong 12 tháng tới, trong đó 1/3 số tiền sẽ chi cho lộ trình chẩn đoán", tài liệu cho biết.
Chương trình ACT-A mong muốn hỗ trợ thêm các bộ dụng cụ xét nghiệm cho các nước nghèo vào thời gian tới. Tài liệu cũng nhấn mạnh, chương trình hỗ trợ các công cụ xét nghiệm sẽ giúp giảm chênh lệch cơ hội tiếp cận công cụ ứng phó Covid-19 giữa nước giàu và nước nghèo. Động thái này cũng sẽ giúp phát hiện sớm các biến thể mới cũng như nhanh chóng ngăn chặn các nguy cơ nhiễm trùng lan rộng. Điều đó phù hợp với những nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn. Vì vậy, chương trình ACT-A sẽ hướng tới nỗ lực tăng cường khả năng tiếp cận vaccine bình đẳng hơn và đặt mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 70% dân số đủ điều kiện ở tất cả các quốc gia vào giữa năm sau, phù hợp với mục tiêu của WHO./.