• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

WHO không tin mở rộng xét nghiệm khiến số ca nhiễm COVID-19 tăng vọt tại các nước lớn

Thế giới 23/06/2020 14:01

(Tổ Quốc) - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo về các ca nhiễm virus corona ở các nước lớn đang lây lan với một tốc độ đáng quan ngại, đặc biệt là khu vực Mỹ Latinh với tâm chấn là Brazil.

WHO không tin mở rộng xét nghiệm khiến số ca nhiễm COVID-19 tăng vọt tại các nước lớn - Ảnh 1.

Y tá Jaqueline Borges Dias chuẩn bị thuốc cho một bệnh nhân mắc virus corona tại đơn vị Chăm sóc Chuyên sâu (ICU) của Viện Emilio Ribas ở Sao Paulo, Brazil, ngày 17/6/2020 (ảnh: Reuters)

Hôm thứ 2 (22/6), Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom cho biết, tính tới chủ nhật (14/6), thế giới đã ghi nhận hơn 183.300 ca dương tính mới với virus SARS-CoV-2 - số lượng nhiều nhất tính trong vòng một ngày kể từ khi đại dịch bùng phát vào tháng 12/2019.

"Có một điều chắc chắn rằng số ca nhiễm ngày càng tăng vì dịch bệnh đang lan rộng ở các quốc gia đông dân cùng lúc và trên toàn thế giới", ông Myke Ryan, chuyên gia hàng đầu của WHO về tình trạng khẩn cấp, phát biểu trong một cuộc họp trực tuyến.

"Sự gia tăng đó có thể xuất phát từ việc mở rộng việc xét nghiệm… Và chắc chắn các nước như Ấn Độ đang tiến hành xét nghiệm nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, chúng tôi không tin rằng đây chỉ là do gia tăng xét nghiệm", ông nói thêm.

Theo thống kê của Reuters, số ca nhiễm trên toàn cầu đã vượt qua con số 9 triệu vào hôm thứ Hai, khi mà các nước như Hoa Kỳ, Trung Quốc hay các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 báo cáo về những đợt bùng phát mới.

Ông Ryan cho rằng đã có một sự nhảy vọt về số ca nhiễm ở Chile, Argentina, Colombia, Panama, Bolivia và Guatemala cũng như Brazil - quốc gia hiện có số ca nhiễm vượt qua con số 1 triệu và chỉ đứng sau Hoa Kỳ. Brazil cũng đã ghi nhận số ca nhiễm kỉ lục là 54.000 ca chỉ trong vòng 24 giờ.

Là quốc gia lớn nhất Mỹ Latinh trong tháng vừa qua, Brazil đã ghi nhận hơn 1.000 người chết trong một ngày. Tổng thống Jair Bolsonaro đã bị chỉ trích rất nhiều vì cách ông xử lý khủng hoảng. Quốc gia này vẫn không có một Bộ trưởng Bộ Y tế cố định sau khi hai Bộ trưởng Bộ Y tế trước đó đã từ chức hoặc bị sa thải kể từ tháng 4 vừa qua, vì bất đồng quan điểm với tổng thống. Ông Bolsonaro cũng phản đối việc cách ly xã hội và gọi đó là biện pháp "giết chết nền kinh tế" nguy hiểm hơn cả chính virus corona.

WHO cũng bày tỏ sự quan ngại trước tình hình diễn biến dịch ở Đức, nơi mà tỷ lệ lây nhiễm đã đạt mức 2,88 - cao hơn mức lây nhiễm cho phép từ một người để có thể khống chế được đại dịch.

Ông Tedros cho rằng việc thiếu sự lãnh đạo và sự thống nhất trên toàn cầu là nguyên nhân chính khiến cho tình hình đại dịch diễn biến phức tạp như hiện nay.

Nam Trần

NỔI BẬT TRANG CHỦ