World Cup 2022 kết thúc, số phận những công trình trị giá 300 tỷ USD của Qatar sẽ đi về đâu?
(Tổ Quốc) - Khi trái bóng World Cup ngừng lăn trên sân cỏ ở Qatar cũng là lúc người ta đau đầu nghĩ đến tương lai của những công trình đồ sộ được dựng lên để phục vụ cho ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.
World Cup 2022 đã mang đến cho Qatar không khí náo nhiệt, sôi động hơn bao giờ hết trong suốt 1 tháng qua. Sau trận trung kết nảy lửa đến ná thở giữa đội tuyển Argentia và Pháp, nhịp sống thường nhật lại dần trở về với đất nước 3 triệu dân. Thế nhưng, tàn dư của bữa tiệc World Cup thì vẫn còn, nó bỗng nhiên lại trở thành thách thức mới khiến giới chức đau đầu.
Câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để những công trình mà họ đã tốn công tốn của xây dựng cả chục năm qua không trở thành "con voi trắng" dễ thấy nhất trên vùng Vịnh?
Con voi trắng (Tiếng Anh: White Elephant) là thuật ngữ để chỉ một vật sở hữu mà chủ sở hữu của nó không thể bỏ đi. Trong khi chi phí, đặc biệt là chi phí bảo trì, không tỷ lệ thuận với tính hữu dụng của nó.
“Tôi luôn nói với họ rằng tôi lo lắng về ngày 19 tháng 12, khi giải đấu kết thúc. Bởi vì sau đó chúng ta sẽ trở lại bình thường”, ông Berthold Trenkel, Giám đốc điều hành của Qatar Tourism, cho biết tại một sự kiện vào tuần trước, khi ông nhắc nhớ về những cuộc họp bàn với ban tổ chức giải đấu ở Qatar.
Mối lo "vứt tiền qua cửa sổ"
Giàu có nhờ trữ lượng khí đốt khổng lồ, Qatar đã chứng minh cho câu nói "tiền có thể mua được mọi thứ", cho dù là bất động sản ở London, New York, sở hữu một đội bóng đá Pháp hay thậm chí là tổ chức cả World Cup. Tiền tiêu không xuể khiến quốc gia này vung tay xây dựng những công trình vượt xa nhu cầu kinh doanh và du lịch hiện tại của họ.
"Ván cược" hơn 300 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng để chuẩn bị cho giải đấu 4 năm mới tổ chức một lần được coi là một phần trong nỗ lực của Qatar nhằm giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào dầu khí bằng cách tạo ra các nguồn thu khác.
Tuy nhiên, trên thực tế, các doanh nhân và nhà đầu tư nói rằng nền kinh tế phi năng lượng có thể cần một khoản viện trợ của chính phủ để tránh những tổn thất nghiêm trọng.
Chirag Doshi, giám đốc đầu tư của Công ty Bảo hiểm Qatar (Qatar Insurance Company) ở Doha, cho biết các ngành bất động sản, khách sạn, thực phẩm và đồ uống là những ngành đặc biệt "dễ bị tổn thương".
Ông cảnh báo: "Công suất được tạo ra nhằm phục vụ sự kiện quy mô lớn này cần thời gian để hấp thụ hết. Điều đó có thể gây ra một đợt sụt giảm hoặc suy thoái kinh tế. Điều đó có thể gây áp lực lên các tổ chức cho vay".
"Tuy nhiên, tác động có thể được giảm bớt phần nào nhờ khả năng tài chính của Qatar và việc tăng chi tiêu để thúc đẩy sản xuất khí đốt", ông Chirag nói thêm.
Trước ngày diễn ra trận Chung kết World Cup 2022, thủ đô Doha (Qatar) đã vắng vẻ hơn rồi. Ít trận đấu hơn đồng nghĩa với việc ít người hâm mộ ngồi hóng mát ở các câu lạc bộ bãi biển mới được xây dựng hoặc đi dạo trên các vỉa hè vừa tân trang.
Theo dự đoán của Fitch Ratings, dân số của Qatar sẽ giảm 8% vào năm 2023, ổn định ở mức khoảng 2,7 triệu người sau khi những công nhân làm việc cho các dự án World Cup trở về nước của họ. Theo điều tra dân số năm 2020, gần một nửa dân số quốc gia này là những người lao động được trả lương thấp sống trong các trại lao động.
Qatar đã chứng kiến sự thúc đẩy kinh tế nhờ World Cup. Điều này cũng đã đẩy nhanh các sáng kiến đa dạng hóa các lĩnh vực kinh doanh, một quan chức chính phủ Qatar cho biết khi trả lời phỏng vấn.
Quan chức này cũng cho hay Qatar đang nhắm mục tiêu đón 6 triệu du khách quốc tế hàng năm vào năm 2030, gần gấp 3 lần so với năm 2019. Quốc gia này cũng đã đưa ra các cải cách về bất động sản và cư trú để củng cố nền kinh tế. Vị quan chức này khẳng định: “World Cup là một bàn đạp tiếp thị độc đáo để quảng bá các địa điểm du lịch của đất nước".
Trong vài tuần, các tòa nhà vốn vắng vẻ nằm rải rác trong các khu dân cư và kinh doanh của Qatar chật kín du khách nước ngoài. Đó là khi quốc gia này phải "căng mình" để chứa hàng trăm nghìn người hâm mộ cùng một lúc.
Việc chuẩn bị đón tiếp cổ động viên từ khắp nơi trên thế giới đổ về đã khiến giá thuê nhà tăng vọt. Các thỏa thuận giữa FIFA và ban tổ chức ở Qatar khiến nhiều khách sạn phải "phũ phàng" với khách quen, nhường chỗ thuê cho cổ động viên các nước đến ở.
Cushman & Wakefield ước tính vào tháng 10 có khoảng 60.000 căn hộ cho thuê được dùng để phục vụ du khách, đẩy giá thuê cao hơn 20% đến 30%. Tuy nhiên, nhu cầu “tăng đột biến chưa từng có” đó chắc chắn sẽ dẫn đến sự sụt giảm trong quý đầu tiên của năm 2023.
Cơ hội vàng cho phát triển du lịch
Giờ đây, khi World Cup đã kết thúc, người hâm mộ cũng kéo nhau ra về, để lại phía sau là những chủ nhà đang loay hoay khắc phục thiệt hại. Các nhóm dành cho người nước ngoài ở Qatar trên Facebook đang tràn ngập những bài đăng của người thuê nhà cho biết chủ nhà yêu cầu họ ký hợp đồng 2 năm với giá cao. Do đó, họ cho biết sẽ tận dụng cơ hội để mặc cả khi khách du lịch rời đi.
Trong cuộc chạy đua để hoàn thành việc xây dựng khách sạn và khu dân cư trước thềm World Cup, nhiều dự án đã hoàn thành nhưng một số vẫn chưa kịp.
Ví dụ điển hình là khách sạn cao cấp Andaz Doha, dự kiến hoàn thành vào năm 2022, với đầy đủ sân gôn 9 lỗ, khu thương mại và không gian cho 3.500 cư dân. Nhưng đến nay, khách sạn này vẫn chưa thể đón khách vì các vấn đề về chuỗi cung ứng. Đồng nghĩa với việc nó trở nên "vô dụng" trong mùa World Cup lần này.
Việc mất đi nguồn doanh thu từ người hâm mộ World Cup có thể là thách thức với một số bất động sản đang trong quá trình xây dựng như thế này. Một chủ khách sạn ước tính, các khách sạn mới có thể giúp thu lại 15% trở lên chi phí xây dựng nếu “kín phòng” trong thời gian diễn ra giải đấu. Các chủ nhà trong các khu dân cư được nhiều người tìm đến có thể tính giá 1.000 USD/đêm.
Tuy nhiên, ngay cả những bất động sản mở cửa trong thời gian diễn ra giải đấu cũng phải đối mặt với tình trạng thị trường quá cạnh tranh. Theo Qatar Tourism, khoảng 14.000 hoặc 15.000 phòng khách sạn mới đã được mở chỉ trong vài tháng qua. Tỷ lệ lấp đầy phòng khách sạn trước World Cup dưới ngưỡng 60%.
Việc xây dựng các văn phòng và toà nhà chung cư mới ở thành phố Lusail vẫn đang dang dở. Dự kiến, đây sẽ là nơi ở của khoảng 200.000 người khi hoàn thành, có nghĩa nguồn cung nhà ở tiếp tục tăng lên.
Tuy nhiên, không phải Qatar không có tiền. Hầu hết các công ty xếp hạng tín dụng và các nhà đầu tư tin tưởng rằng chính phủ nước này sẽ can thiệp để giảm thiểu một số khó khăn. Qatar đang mở rộng khả năng cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng lên hơn 60% và đã chốt các thỏa thuận gửi hàng đến Trung Quốc và Đức trong 15 năm hoặc lâu hơn.
Akber Khan, giám đốc cấp cao về quản lý tài sản của Al Rayan Investment có trụ sở tại Qatar, cho biết: “Những nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách nhằm tiếp tục đa dạng hóa và phát triển nền kinh tế phi hydrocacbon đã được thúc đẩy đáng kể. Minh chứng là việc tổ chức giải bóng đá lớn nhất hành tinh này”.
Một số quan chức nói rằng World Cup sẽ thổi luồng sinh khí mới vào ngành du lịch của Qatar, vốn thường bị xếp sau Dubai hào nhoáng.
Các đại lý bất động sản hy vọng chính phủ sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách thị thực và cư trú để khuyến khích người nước ngoài đầu tư nhiều hơn.
Theo Abbas Ouni, người đứng đầu bộ phận bán hàng của Land Royal Properties, việc tổ chức giải bóng đá đắt đỏ vừa qua đã khiến người ta nhận ra rằng một số luật phải được thay đổi để phát triển nền kinh tế.
“World Cup là một cơ hội và một món quà, một món quà quý giá”, Ouni nói. “Chính phủ phải chuẩn bị để tạo điều kiện dễ dàng cho những người muốn đến sống ở Qatar để đầu tư".
Nguồn: Bloomberg