(Tổ Quốc) - Hôm thứ Bảy (16/3), cảnh sát New Zealand công bố, con số nạn nhân thiệt mạng trong vụ xả súng đẫm máu vào hai nhà thờ Hồi giáo tại Christchurch, New Zealand, đã tăng lên 50 người.
Phát biểu trước báo giới, đại diện của cảnh sát Mike Bush cho biết, danh tính các nạn nhân vẫn chưa được công khai. Một danh sách nạn nhân đã được thông báo cho người nhà, tuy nhiên, thi thể của họ vẫn chưa được trả về gia đình.
Số lượng người bị thương cũng tăng lên là 50 người. Trong số đó, theo Gred Robertson, người đứng đầu bộ phận phẫu thuật của bệnh viện Christchurch, 34 người vẫn còn đang điều trị trong bệnh viện và 12 người còn ở tình trạng nguy kịch.
Ông cũng bổ sung, một bé gái 4 tuổi được chuyển tới từ bệnh viện Starchip tại Auckland cũng chưa thoát khỏi tình trạng nguy kịch.
Đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân bị thiệt mạng tại Christchurch (ảnh: getty)
Hai ngày sau khi thảm kịch xảy ra, Brenton Harris Tarrant, 28 tuổi, là nghi phạm duy nhất bị cho là có liên hệ với vụ tấn công. Ba người khác từng bị bắt giữ trước đó đã được kết luận là không có liên quan. Tuy nhiên, chính quyền không loại trừ khả năng vẫn còn những kẻ tình nghi khác.
"Tôi sẽ không nói bất kỳ điều gì cho tới khi chúng tôi hoàn toàn biết chắc là có bao nhiêu người liên quan tới vụ việc, nhưng chúng tôi hy vọng có thể đưa ra kết luận trong vòng một vài ngày tới", đại diện cảnh sát chỉ ra.
CNN đưa tin, chỉ vài phút trước khi tiến hành vụ tấn công, nghi phạm đã gửi một tuyên ngôn dài 87 trang tới Thủ tướng New Zealand Kacinda Ardern.
Thư ký báo chí của bà Ardern cho hay, email được gửi tới một tài khoản do nhân viên điều hành, vì vậy Thủ tướng đã không đọc được.
Bản tuyên ngôn cũng được đăng tải trên mạng xã hội bao gồm những lời lẽ bài người nhập cư và người Hồi giáo. Chính quyền New Zealand từ chối đề cập tới những động cơ tiềm năng của vụ tấn công.
Tarrant là công dân Australia; từng du lịch vòng quanh thế giới và thỉnh thoảng có lưu lại New Zealand. Theo giới chức, gã này không có tiền sử tội phạm tại New Zealand hay Australia; và chưa từng thu hút sự chú ý của cộng đồng tình báo về những lập trường cực đoan.
Tháng 10 năm ngoái, Tarrant từng tới Pakistan. "Anh ta là một khách du lịch thông thường", chủ một khách sạn tại Nagar nói với CNN. "Tất cả những gì tôi nhớ được là anh ta hâm mộ thức ăn địa phương; thường rời khách sạn vào buổi sáng và quay về vào buổi tối".
Một quan chức cấp cáo Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ, Tarrant từng tới đây một vài lần và ở lại khá lâu. Trong một chương của bản tuyên ngôn của gã, Tarrant kêu gọi ám sát Tổng thống Thổ Tayyip Erdogan. Ankara cũng đang tiến hành một cuộc điều tra về hoạt động và các liên lạc của Tarrant trong thời gian ở đây.