• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Xâm phạm bản quyền trên môi trường số tại Việt Nam từ thực trạng VTV

Văn hoá 07/09/2018 08:31

(Tổ Quốc) - Giải bóng đá khu vực Đông Nam Á sắp diễn ra, mặc dù VTV đã tuân thủ khá nghiêm theo yêu cầu của Ban tổ chức giải về bản quyền phát sóng chương trình nhưng trước thực trạng vi phạm bản quyền truyền hình tại Việt Nam, đơn vị này vẫn không khỏi lo lắng vì các trận đấu sẽ lại tái diễn cảnh bị ăn cắp bản quyền chương trình.

Vi phạm bản quyền phát sóng nóng trên mọi diễn đàn trong suốt thời gian qua, các hoạt động vi phạm bản quyền xảy ra đối với mọi loại hình tác phẩm khiến chủ thể tác phẩm cũng như những cơ quan, đơn vị liên quan không khỏi đau đầu tìm cách ngăn chặn.

Vi phạm bản quyền là vấn đề mang tính toàn cầu, các hành vi vi phạm diễn ra trên mọi môi trường, mọi quốc gia gây ra những thiệt hại lớn về mặt kinh tế, trong đó phải kể đến những vi phạm bản quyền chương trình truyền hình trên môi trường mạng.

Xâm phạm bản quyền trên môi trường số tại Việt Nam từ thực trạng VTV - Ảnh 1.

Với một hệ thống các cơ quan phát thanh, truyền hình trải khắp các tỉnh thành Việt Nam, ở trung ương có VTV, VOV, ở địa phương có các đài phát thanh truyền hình địa phương, bên cạnh đó là các đơn vị, cơ quan sản xuất truyền hình khác như truyền hình thông tấn, VTC, truyền hình Quốc hội, truyền hình An ninh, truyền hình Quân đội, các kênh truyền hình của các cơ quan, thông tấn khác… có thể nói số lượng chương trình sản xuất ra hàng năm là rất lớn.

Riêng VTV hiện có 5 trung tâm truyền hình nằm ở các tỉnh thành: Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh và cơ quan thường trú ở Lào, Campuchia, Liên bang Nga, Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Bỉ, Anh quốc và Bắc Ireland. Ngoài những chương trình tự sản xuất, mỗi năm VTV phải bỏ ra một số tiền rất lớn để mua bản quyền các chương trình như: Ơn giời! Cậu đây rồi, The Voice, Vietnam Idol, Gương mặt thân quen, Người đi xuyên tường… đặc biệt là mua bản quyền phát sóng các giải thể thao khu vực và quốc tế như World Cup, SeaGames, Giải Ngoại hạng Anh, AFF Cup…

Thế nhưng có một thực tế là bản quyền các chương trình của VTV đang bị xâm phạm nghiêm trọng, đặc biệt là các chương trình truyền tải trên mạng. Các chương trình của VTV bị các đối tượng ngang nhiên sử dụng mà không có thỏa thuận hay xin phép. Nhiều chương trình khi phát sóng đã bị cắt và chèn quảng cáo vào, nhiều chương trình giải trí của VTV bị đài địa phương thu và phát lại trên kênh riêng của họ mà không trả phí bản quyền, những chương trình đặc sắc bị sao chép và phát tràn lan trên Internet.

Xâm phạm bản quyền trên môi trường số tại Việt Nam từ thực trạng VTV - Ảnh 2.

Bản quyền World Cup 2018 của VTV

Kể từ sau khi VTV chính thức dừng phát sóng analog chuyển sang phát qua cáp, Internet, truyền hình kỹ thuật số vệ tinh… tăng cường các hình thức truyền sóng hiện đại thì mức độ vi phạm càng tăng. Mặc dù VTV cũng tăng cường các biện pháp kỹ thuật để hạn chế vi phạm nhưng vẫn còn nhiều chương trình bị xâm phạm, can thiệp bản quyền một cách nghiêm trọng, nhiều chương trình của VTV bị cắt xén, thay đổi nội dung và phát tán trên mạng mà không được VTV đồng ý… Trong lĩnh vực Internet, sự vi phạm bản quyền các chương trình đặc sắc của vTV là khá nghiêm trọng.

Theo số liệu được VTV công bố, một số vụ vi phạm bản quyền nghiêm trọng của đơn vị này đã để lại hậu quả nặng nề như: VTV Cab bị cắt sóng giải bóng đá Champions League, Europa League (hồi tháng 5/2017), Bản tin sóng sạch của VTV bị các đài địa phương phát lại mà không có thỏa thuận xin phép, ngay tháng đầu tiên phát sóng 2 bộ phim Người phán xử và Sống chung với mẹ chồng đã có trên 400 trang web, YouTube, Facebook phát lại, giải bóng đá World Cup 2018 ngay trong 2 ngày đầu phát sóng đã có trên 700 tài khoản vi phạm… Danh sách các trang web vi phạm có thể liệt kê ngay có phimmoi.net, bilutv.com, phimbathu.com, hdonline.vn, xemvtv.net, bomtan.org…

Mặc dù sau khi phát hiện các vi phạm, các công ty, đơn vị, cá nhân đã phải chịu các hình thức xử lý như bồi thường thiệt hại, đóng trang web cá nhân, tài khoản cá nhân, công bố các vi phạm và tạo dư luận tẩy chay sản phẩm vi phạm, dùng truyền thông để xử lý, răn đe đối tượng vi phạm… nhưng mức độ vi phạm vẫn cao và còn nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân vẫn chưa phát hiện được và bị xử lý.

Với một đơn vị làm nội dung, lấy nội dung tạo nên vai trò trong xã hội như VTV trong hệ thống các cơ quan truyền thông tại Việt Nam, việc bảo vệ thế mạnh này bằng các biện pháp, từ sử dụng hệ thống pháp luật đến các biện pháp kỹ thuật, sẽ giúp VTV thực hiện tốt vai trò là cơ quan truyền thông mạnh của quốc gia.

Thế nhưng với tốc độ vi phạm nhanh như hiện nay, thậm chí nhiều chương trình chỉ vừa lên sóng đã ngay lập tức bị xâm phạm, bị các đối tượng từ cá nhân đến các đơn vị có tổ chức ghi trộm, cắt ghép.. nếu không xử lý kịp thời thì thiệt hại là rất lớn, thêm vào đó, việc xử lý đúng trình tự, quy trình, xử lý theo luật sẽ càng làm tăng thêm sự chậm trễ của việc xử lý. Chính vì vậy, với vấn nạn này cần phải có sự chung tay vào cuộc để xử lý của toàn bộ bộ máy các cơ quan ban ngành, các biện pháp xử lý kỹ thuật (sử dụng phần mềm phát hiện, ngăn chặn các website, các trang cá nhân xâm phạm bản quyền), tới việc giáo dục ý thức cho người dân, từ đó mới có thể hy vọng giảm được mức độ vi phạm.

Võ Vân

NỔI BẬT TRANG CHỦ