(Tổ Quốc) - Việc vi phạm bản quyền ở Việt Nam vẫn còn phổ biến nhưng khi xảy ra tranh chấp, hầu hết các vụ việc đều được giải quyết bằng xử phạt hành chính chứ ít có vụ việc được đưa ra tòa. Tòa án cần đóng vai trò tích cực hơn trong bảo vệ luật sở hữu trí tuệ ở Việt Nam.
Vẫn vô tư xem phim, nghe nhạc "chùa"
Tại Diễn đàn Bản quyền Việt Nam – Hàn Quốc vừa diễn ra tại Hà Nội, các diễn giả đã chỉ ra rằng, chưa bao giờ, nạn xem lậu trên các website, các thiết bị thông minh lại đáng báo động như hiện nay. Việc xem hoặc tải miễn phí các sản phẩm sáng tạo như bài hát, bộ phim, nội dung phát sóng của các chương trình truyền hình... từ các trang web bất hợp pháp, đã làm giảm thu nhập cũng như làm mất đi hoài bão sáng tác của các tác giả, kéo theo đó là chỉ số sáng tạo nội dung của Việt Nam dừng ở mức thấp.
Một trong những giải pháp được Hàn Quốc đưa ra để hạn chế vi phạm bản quyền là thực hiện ngăn chặn dòng tiền quảng cáo
Các ý kiến trình bày tại diễn đàn cho rằng, vấn nạn ăn cắp bản quyền trong môi trường số không chỉ ở Việt Nam mà ở tất cả các quốc gia trên thế giới đều gặp phải. Nhưng so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang xếp ở thứ bậc thấp (40/50) trong chỉ số Sở hữu trí tuệ gồm bằng sáng chế, bản quyền, thực thi, hiệu quả hệ thống, tham gia vào các hiệp định quốc tế, thương mại hóa tài sản trí tuệ, bí mật thương mại. Các hình thức vi phạm chủ yếu rơi vào quảng cáo bất hợp pháp và sử dụng nội dung số không có sự cho phép như nhạc số, nhạc chuông, nhạc chờ, phim, game, phần mền, nội dung số.
Một trong những lý do khiến cho rằng chỉ số của Việt Nam thấp là do việc thực thi bản quyền của người dân còn hạn chế.
Theo một khảo sát gần đây cho biết, nhiều người cảm thấy hài lòng khi xem một trận bóng đá, một bộ phim từ các website vi phạm bản quyền. Chỉ số này cao hơn nhiều lần so với những người bỏ tiền ra để xem một bộ phim hay một trận bóng đá từ các kênh chính thống như qua tivi trả tiền hàng tháng hay xem tại rạp. Nghe có vẻ nghịch lý, nhưng theo các chuyên gia, trong môi trường số, nhu cầu giải trí đang chuyển dịch dần từ ti vi truyền thống sang chiếc điện thoại thông minh. Hơn nữa, các trang web vi phạm lại phát các chương trình có chất lượng hình ảnh tốt nên hầu hết người xem đều không cảm thấy khó chịu.
Cũng theo bản khảo sát này, nguồn để nuôi sống các website vi phạm bản quyền đến từ các công ty cung cấp dịch vụ quảng cáo. Nội dung của các quảng cáo này lại phần lớn độc hại như văn hóa phẩm đồi trụy, đánh bạc, sản phẩm không được kiểm duyệt, phần mềm độc hại. Dẫu vậy, phần lớn người dân Việt vẫn rất vui vẻ với thói quen sử dụng "chùa" đã dẫn tới thu nhập của những người làm công việc sáng tạo như nhạc sỹ, ca sỹ, các đơn vị sản xuất và phát hành bị ảnh hưởng nghiêm trọng về thu nhập cũng như doanh thu.
Nhiều giải pháp ngăn chặn
Theo ông Nguyễn Thanh Vân, Trưởng bộ phận sở hữu trí tuệ, Ban Kiểm tra VTV cho biết, Đài Truyền hình Việt Nam từng bị đối tác cắt sóng khi đang phát giải Champions League và Europa League (2017) vì vi phạm hợp đồng bản quyền. Nhưng lỗi không phải do VTV mà là do các đài địa phương đã tự ý tiếp sóng các trận bóng mà không xin phép. Không những thế, các hình thức vi phạm bản quyền của VTV còn diễn ra ở nhiều hình thức như tự ý cắt hoặc chèn quảng cáo, các chương trình truyền hình đặc sắc như Gặp nhau cuối năm, Đồ Rê Mí, Theo Voice… có chi phí bản quyền và sản xuất cực kỳ tốn kém nhưng bị sao chép và phát tràn lan trên internet, in thành băng đĩa bán trên thị trường…
Diễn đàn bản quyền do Việt Nam và Hàn Quốc phối hợp tổ chức
Ông Nguyễn Thanh Vân cũng cho biết, mỗi ngày VTV có không biết bao nhiêu chương trình đã bị vi phạm bản quyền. Nhưng để giải quyết được vụ việc lại càng khó khăn hơn nhiều lần. Đó là sự phối hợp giữa thanh tra các Bộ, đơn vị vi phạm và người của VTV theo vụ việc. Đôi khi, cái lý cái tình khiến cho những người thực thi nhiệm vụ như ông chỉ biết dùng tới biện pháp động viên, thuyết phục chứ ít khi sử dụng tới biện pháp xử phạt hành chính hoặc lôi nhau ra tòa như với các đài địa phương.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông, Hội truyền thông số Việt Nam đánh giá, hệ thống pháp luật về thực thi bản quyền trí tuệ của Việt Nam hiện nay đã đầy đủ và không thua kém các nước trên thế giới. Nhưng việc thực thi pháp luật của người dân Việt Nam lại rất đáng báo động. Đa phần các vụ việc chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính chứ không có mấy vụ được đưa ra tòa án phân xử. Chính thái độ không dứt khoát, nể nang của các đơn vị chủ quản về bản quyền đã dung dưỡng cho thói quen dùng "của chùa" của người Việt. Vì thế, về lâu dài, ông Nguyễn Quang Đồng ủng hộ việc đưa các vụ việc ra phân xử trước pháp luật để mang tính răn đe cho nhiều người. Còn các biện pháp ngắn hạn nên đẩy mạnh áp dụng như các biện pháp về kỹ thuật (chặn và gỡ từ ISP), chặn nguồn vốn đổ về các trang web vi phạm….
Còn ông Lim Won Seon- Chủ tịch Ủy ban bản quyền tác giả Hàn Quốc cho rằng, hiện nay, đã có nhiều quốc gia thực hiện truy cứu trách nhiệm hình sự với doanh nghiệp vi phạm sở hữu trí tuệ. Theo thống kê, hiện nay có 119 quốc gia đã quy định trách nhiệm hình sự với doanh nghiệp về xâm phạm sở hữu trí tuệ, trong đó riêng khu vực ASEAN cũng có 6 quốc gia gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippinnes và Campuchia.
Ở Việt Nam, theo quy định trong Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2018, các doanh nghiệp vi phạm sở hữu trí tuệ, trong đó có bản quyền phần mềm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều này phần nào sẽ giảm được nạn ngang nhiên vi phạm bản quyền ở nước ta.
Theo Luật sư Lim Sang Hyok (Hàn Quốc) thì 90% các trang mạng sống nhờ quảng cáo. Ở Hàn Quốc, khi phát hiện trang mạng vi phạm, một giải pháp được Hàn Quốc thực hiện là ngăn chặn dòng tiền quảng cáo. Năm 2017, Hàn Quốc bắt đầu sử dụng hệ thống chặn, lọc thông tin, cho phép chặn những website upload các hình ảnh, chương trình trái phép. Sau 2-3 ngày, với những website vẫn còn thực hiện được đăng tải các hình ảnh, chương trình trái phép thì sẽ bị xóa hoàn toàn.
Một giải pháp được các chuyên gia Hàn Quốc nêu ra, đó là cần đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức người dân trong việc thực thi Luật sở hữu trí tuệ của mỗi quốc gia cũng như luật pháp quốc tế về vấn đề này. Ở Hàn Quốc, vấn đề về bản quyền được đưa vào hệ thống trường học từ cấp 1 đến cấp 3.
Chỉ khi người dân ý thức được hành động "xem chùa", "thưởng thức chùa" là ảnh hưởng trực tiếp đội ngũ sáng tác, ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia thì vấn nạn này mới phần nào được hạn chế./.