• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Xây dựng cơ chế đặc thù trong đào tạo năng khiếu nghệ thuật

Văn hoá 23/07/2019 09:17

(Tổ Quốc) - Với các môn học năng khiếu, nghệ thuật cần có cơ chế đặc thù trong đào tạo riêng với từng chuyên ngành.

Chiều 22/7, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm việc với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về việc xây dựng chính sách pháp luật giáo dục nghề nghiệp đối với lĩnh vực đặc thù.

a2

Thứ trưởng Tạ Quang Đông tại buổi làm việc với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về xây dựng chính sách giáo dục nghề nghiệp đặc thù

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Triệu Thế Hùng chủ trì buổi làm việc. Buổi làm việc còn có sự tham gia của đại diện các trường đào tạo nghệ thuật, thể thao trực thuộc Bộ VHTTDL, các chuyên gia giáo dục và đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội).

Theo đánh giá của Bộ VHTTDL, Luật Giáo dục nghề nghiệp được ban hành và có hiệu lực thi hành đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động dạy nghề, quy định toàn bộ nội dung, hình thức, các cấp độ đào tạo nghề, quyền hạn và trách nhiệm của các chủ thể liên quan. Hành lang pháp lý này cơ bản đã tạo điều kiện để hoạt động đào tạo nghề phát triển đúng hướng.

Qua gần 4 năm triển khai Luật Giáo dục nghề nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành, một số khía cạnh đã và đang trở thành những khó khăn vướng mắc có ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục nghề nghiệp trong đó có đào tạo nhân lực lĩnh vực năng khiếu nghệ thuật. Cụ thể như Quy định về thời gian tổ chức đào tạo đối với các lĩnh vực đào tạo năng khiếu; Vấn đề đồng thời tổ chức đào tạo bậc đại học và các bậc thấp hơn trong lĩnh vực nghệ thuật, triển khai cấp giấy phép hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với cơ sở giáo dục đại học có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp; Quy định về giảng dạy và chế độ đối với giáo viên, giảng viên tham gia giảng dạy cả hai cấp học…

a3

Toàn cảnh buổi làm việc

Tại buổi làm việc, đại diện các trường, các cơ sở đào tạo đã nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp thời gian qua và đề nghị xây dựng cơ chế đặc thù trong đào tạo năng khiếu, nghệ thuật, thể thao như giao các trường chủ động xây dựng thời gian đào tạo; xây dựng chính sách cho đội ngũ cán bộ giáo viên trong lĩnh vực nghệ thuật; chính sách cho từng lĩnh vực văn học, nghệ thuật, thể thao…

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho rằng, Luật giáo dục nghề nghiệp đang là cơ sở pháp lý rất quan trọng tạo cơ sở ổn định cho phát triển đào tạo nghề nghiệp hiện nay. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn một số bất cập đối với ngành đào tạo ngành năng khiếu nghệ thuật

Theo Thứ trưởng, hiện một trường đào tạo năng khiếu, nghệ thuật, thể thao do ba Bộ quản lý nhưng nếu không có cơ chế đặc thù trong đào tạo ngành năng khiếu nghệ thuật thì sẽ không thể đào tạo được trong lĩnh vực này. Kéo theo đó là nguy cơ mất nguồn nhân lực và không bảo tồn được nghệ thuật dân tộc.

Thứ trưởng mong muốn các ý kiến đóng góp tại buổi làm việc được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội ghi nhận và báo cáo Quốc hội để hoàn thiện chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Triệu Thế Hùng đánh giá cao những ý kiến đóng góp của Bộ VHTTDL nhằm hoàn thiện, bổ sung chính sách pháp luật giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới.

Ông Triệu Thế Hùng cho biết, đoàn làm việc ghi nhận và tiếp thu những đề xuất của Bộ VHTTDL, trong đó có vấn đề về chính sách đào tạo, đào tạo chuyên sâu đối với các ngành VHNT; đầu tư có trọng điểm đối với ngành VHNT, thể thao; đối tượng đào tạo dân tộc thiểu số; quy định bằng cấp đối với cán bộ giáo viên trong đào tạo VHNT là chưa hợp lý…/.

Hà An

NỔI BẬT TRANG CHỦ