(Tổ Quốc)- Chiều 4/1, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đã chủ trì buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Ninh về Đề án thí điểm phát triển công nghiệp văn hóa tại tỉnh Quảng Ninh. Đồng chủ trì có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh.
- 02.01.2024 Khai thác thế mạnh để phát triển công nghiệp văn hóa ở Đà Nẵng
- 29.12.2023 Di sản văn hóa góp phần phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam
- 27.12.2023 Di sản văn hóa các tộc người thiểu số góp phần phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam
- 25.12.2023 Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Hệ thống ngân hàng luôn sẵn sàng đồng hành để phát triển công nghiệp văn hóa
Dự buổi làm việc có đại diện các Cục, Vụ, Viện của Bộ VHTTDL, Sở VHTT Quảng Ninh và các đơn vị liên quan.
Theo Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL), Đề án thí điểm phát triển công nghiệp văn hóa tại tỉnh Quảng Ninh xác định các định hướng quan trọng, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá nhằm thí điểm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại tỉnh Quảng Ninh; tập trung phát triển các ngành công nghiệp văn hóa mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế; lấy du lịch văn hóa là trung tâm gắn kết, phát triển rõ rệt về chất lượng.
Từ đó, công nghiệp văn hóa có đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao; đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân.
Đề án cũng hướng đến tăng cường đầu tư của nhà nước, thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa; huy động mọi nguồn lực xã hội đóng góp cho sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại tỉnh. Đồng thời, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng, trình độ chuyên môn để quản lý, điều hành các ngành công nghiệp văn hóa của tỉnh.
Về định hướng, mục tiêu, Quảng Ninh xác định phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh sẽ đưa văn hóa vùng miền, văn hóa biển cùng các giá trị lịch sử, truyền thống đến gần hơn với người dân và khách du lịch; đặc biệt hỗ trợ mạnh cho phát triển giáo dục thế hệ trẻ. Hơn nữa, phát triển đa dạng các loại hình du lịch văn hóa làm cơ sở cho việc tăng thời gian lưu trú và chi tiêu cho các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa cho khách du lịch tại Quảng Ninh; mang đến cho du khách những trải nghiệm độc đáo.
Thực tế trong lĩnh vực du lịch, Quảng Ninh sở hữu nguồn tài nguyên văn hóa, thiên nhiên quý giá để phát triển ngành công nghiệp không khói. Bên cạnh những lễ hội đã trở thành thương hiệu như Carnaval Hạ Long, Carnaval mùa đông, các lễ hội đặc sắc của địa phương cũng được tổ chức thường niên như Hội Mùa vàng, Hội Hoa sở Bình Liêu, Ngày hội hát tháng ba của dân tộc Sán Chỉ... cùng bản sắc văn hóa của cộng đồng các DTTS đã làm nên những trải nghiệm văn hóa vùng miền đặc sắc. Sản phẩm du lịch của tỉnh ngày càng đa dạng, có sức hút, đóng góp tích cực vào sự phát triển của du lịch văn hóa, công nghiệp văn hóa nói riêng và kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung.
Thu hút các dự án điện ảnh lớn về quay phim tại Quảng Ninh cũng là một trong những giải pháp tỉnh đẩy mạnh triển khai thực hiện nhằm phát triển ngành công nghiệp văn hóa ở vùng đất này.
Khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp của Vịnh Hạ Long xuất hiện trong các phim quốc tế nổi tiếng như Indochine (1992), Pan (2015) hay Kong: Skull Island (2017). Với nhiều nhà làm phim quốc tế, Vịnh Hạ Long là một trong những địa điểm quay lý tưởng nhất ở Việt Nam. Phong cảnh hùng vĩ, độc đáo của non nước Hạ Long từng là bối cảnh cho các bộ phim thuộc nhiều thể loại, từ hành động, phiêu lưu đến lịch sử, khoa học viễn tưởng… Qua đó, góp phần quảng bá hình ảnh miền đất, con người vùng Đông Bắc.
Theo bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, nằm ở phía Đông Bắc của đồng bằng sông Hồng, tỉnh Quảng Ninh được ví như “một Việt Nam thu nhỏ”. Tỉnh hội tụ đầy đủ những điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các ngành công nghiệp văn hóa.
Tuy nhiên, cũng như cả nước, các ngành công nghiệp văn hóa tại tỉnh Quảng Ninh giàu tiềm năng, lợi thế và đã có những bước phát triển ban đầu nhưng chưa thực sự bứt phá. Để giải quyết những khó khăn, hạn chế nêu trên, vấn đề đặt ra đối với tỉnh Quảng Ninh là cần phải tập trung các nguồn lực, đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, thế mạnh trên địa bàn; trong đó, có việc tập trung triển khai xây dựng Đề án thí điểm phát triển công nghiệp văn hóa tại tỉnh Quảng Ninh. Đề án được kỳ vọng sẽ tạo bứt phá trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của tỉnh.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh việc xây dựng Đề án là rất cần thiết nhằm tạo sức bật cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại tỉnh Quảng Ninh. Do đó, Thứ trưởng đề nghị khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự thảo Đề án để trình Chính phủ xem xét, ban hành. Trong quá trình xây dựng dự thảo, nếu có vướng mắc, cần chủ động báo cáo, họp bàn để kịp thời tìm giải pháp tháo gỡ. Mục tiêu là hoàn thiện dự thảo Đề án với các nội dung khoa học, bài bản, sát với thực tiễn.
Thứ trưởng giao Cục Bản quyền tác giả chủ trì, xây dựng kế hoạch phối hợp với tỉnh Quảng Ninh, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cùng các đơn vị liên quan nhằm đảm bảo tiến độ các đầu việc.