• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Xây dựng văn hóa giao thông Hà Nội, nét đẹp đô thị văn minh - Bài 3: "Chìa khóa" để bảo vệ cuộc sống

Văn hoá 07/10/2021 17:06

(Tổ Quốc) - Hà Nội hướng tới một đô thị phát triển, văn minh thì không thể không xây dựng văn hóa giao thông. Văn hóa giao thông sẽ góp phần tạo cơ sở vững chắc cho một nền giao thông văn minh, hiện đại.

Nói về Văn hóa giao thông, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia từng cho biết, chuẩn văn hóa giao thông đầu tiên phải nói đến là việc chấp hành đúng luật khi tham gia giao thông đối với mọi người. Các hành vi ứng xử trước hết phải đặt ý thức tự giác lên hàng đầu, tiếp đến là thực hiện đúng luật định, gương mẫu và tôn trọng những người liên quan, bảo đảm an toàn tài sản, an toàn công cộng và trật tự công cộng. Người dân phải tuân thủ các chuẩn mực đạo đức khi tham gia giao thông, chấp hành đúng, gương mẫu và tự giác đối với Luật Giao thông.

Xây dựng văn hóa giao thông Hà Nội, nét đẹp đô thị văn minh - Bài 3: "Chìa khóa" để bảo vệ cuộc sống - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (Nam Nguyễn)

Theo thống kê tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn Thủ đô trong 9 tháng năm 2021 giảm sâu trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương) so với cùng kỳ năm trước. Trong 9 tháng năm 2021, toàn thành phố xảy ra 589 vụ tai nạn giao thông, làm chết 249 người và bị thương 376 người. So với cùng kỳ năm 2020 giảm 125 vụ (tương đương 17,51%); giảm 50 người chết (16,72%) và giảm 101 người bị thương (21,17%)…

Để có được kết quả này, bên cạnh những nỗ lực cũng như các giải pháp đột phá giúp kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn Hà Nội thời gian vừa qua thì không thể không kể tới việc thành phố thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Những khuyến cáo người dân chỉ ra khỏi nhà khi thật sự cần thiết đã khiến mật độ tham gia giao thông giảm, kéo theo tai nạn giao thông giảm.

Nhìn vào kết quả này khiến chúng ta suy nghĩ gì?. Không lẽ chúng ta sẽ giảm số vụ tai nạn giao thông bằng cách hạn chế ra đường, chỉ ở nhà cho an toàn?.

Thực tế đã cho thấy, trong thời gian qua, nhiều tỉnh, thành cùng đồng loạt giãn cách đã khiến kinh tế đình trệ, nhiều ngành nghề lao đao, gặp nhiều khó khăn, thậm chí phá sản, khánh kiệt, người người kéo nhau về quê. Bởi vậy được lưu thông một cách bình thường trên đường là ước mong chính đáng của rất nhiều người để giao lưu, phát triển kinh tế. Thế nên chắc chắn một điều rằng, chúng ta không thể giảm thiểu rủi ro, tai nạn giao thông bằng việc hạn chế ra đường. Chúng ta buộc phải tham gia giao thông để mưu sinh và duy trì cuộc sống.

Với những con số biết nói trong 9 tháng vừa qua, Hà Nội giảm 50 người chết, giảm 101 người bị thương có khiến chúng ta giật mình và tự hỏi, liệu việc tham gia giao thông hàng ngày để mưu sinh có phải là sự đánh đổi nghiệt ngã?. Sự đánh đổi này kéo theo suy giảm, thậm chí suy kiệt sức khỏe, sang chấn tâm lý, suy kiệt kinh tế… và cả cái giá đắt nhất là tính mạng bản thân. Biết bao gia đình đang hạnh phúc, ấm êm, khá giả… nhưng chỉ sau một phút xảy ra tai nạn giao thông thì cuộc sống của họ đã bước sang một trang khác với những gam màu u tối, mệt mỏi.

Do đó, để vừa đảm bảo tham gia giao thông trong cuộc mưu sinh thường nhật vừa không phải là một sự đánh đổi mạng sống thì mỗi chúng ta cần phải xây dựng, hình thành văn hóa giao thông. Văn hóa giao thông sẽ giúp giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông và khiến giao thông không bị so sánh như một "chiến trường" khốc liệt.

Văn hóa giao thông là cái được biểu hiện ra bên ngoài, nhìn thấy được, nhưng lại không cân đong đo đếm rạch ròi được. Chúng ta không thể định lượng được rằng người này ít văn hóa giao thông cần phải bổ sung bao nhiêu hay người kia văn hóa đã đủ để tham gia giao thông. Nhưng rõ ràng nếu có văn hóa giao thông thì chắc chắn những hệ lụy khi va chạm, hay tai nạn giao thông sẽ giảm đi.

Văn hóa giao thông cũng chính là tôn vinh cái đẹp, hành vi đẹp của người tham gia giao thông, "lấy cái đẹp dẹp cái xấu". Khi cái đẹp được nhân lên, trở thành hành vi căn bản, tạo thành nếp sống thường nhật của người người tham gia giao thông thì tự cái xấu, thiếu chuẩn mực sẽ bị đào thải, loại bỏ. Chúng ta cần cổ vũ, nhân rộng, tuyên dương, khen thưởng kịp thời, đúng thời điểm những việc làm hay, ý nghĩa, đẹp đẽ của người khi tham gia giao thông để xây dựng và nhân rộng văn hóa giao thông trong cộng đồng.

Nhiều người bày tỏ mong muốn có thật nhiều tấm gương như người cảnh sát giao thông Lê Đức Đoàn để được tận tình hướng dẫn và giúp đỡ khi tham gia giao thông. Bởi khi tham giao thông có rất nhiều sự cố ngoài mong đợi xảy ra, nhưng nếu chúng ta tin xung quanh mình có rất nhiều người tốt, sẵn sàng giúp đỡ thì sẽ bớt đi những lo lắng và tự thấy mình cũng phải sống tốt hơn để đền đáp lại những tấm lòng đó bằng những hành động thiết thực.

Còn chị Thanh thì luôn mong ước ở Hà Nội có thêm nhiều mô hình chiếc tủ lưu giữ đồ của khách để quên ở các bến xe để chia sẻ phần nào rủi ro của người tham gia giao thông cũng như nhắc nhở mỗi người "không tham của rơi". Từ đây cũng hình thành nếp sống văn minh nơi công cộng, có trách nhiệm với chính bản thân và cộng đồng.

Xây dựng văn hóa giao thông Hà Nội, nét đẹp đô thị văn minh - Bài 3: "Chìa khóa" để bảo vệ cuộc sống - Ảnh 3.

Tuân thủ Luật Giao thông và có ý thức tự điều chỉnh từ những hành vi nhỏ nhất khi tham gia giao thông để xây dựng văn hóa giao thông (ảnh minh họa/Minh Khánh)

Chia sẻ thêm về việc "làm hòa" khi tham gia giao thông, anh Tuấn cho biết, anh rất vui vì nhiều người đã và đang áp dụng cách xử lý của mình khi xảy ra va chạm giao thông. Và kết quả là ai cũng vui vẻ, không xảy ra những "cuộc chiến" không đáng có sau đó. "Thỉnh thoảng bạn bè gọi cho tôi kể bị va chạm giao thông và xác nhận trong lúc nóng giận bản thân "nhường nhịn" một tí thì đúng là "chín sự lành". Không những thế, đôi khi đọc trên báo, trên mạng thấy những tình huống tương tự được chia sẻ cũng là niềm động viên đối với tôi. Tôi mong ai cũng giữ bình tĩnh, kiềm chế và biết cách làm hòa khi chẳng may va chạm giao thông" - Anh Tuấn kể thêm.

Hà Nội hướng tới một đô thị phát triển, văn minh thì không thể không xây dựng văn hóa giao thông. Văn hóa giao thông sẽ góp phần tạo cơ sở vững chắc cho một nền giao thông hiện đại, văn minh, an toàn, thân thiện trong đó mọi người cần phải tuân thủ Luật Giao thông cũng như có ý thức để tự giác bảo vệ tính mạng, tài sản và sức khỏe của chính mình. Ứng xử văn minh trong giao thông không chỉ là nét đẹp của người Hà Nội mà còn là chìa khóa để mỗi người tự bảo vệ bản thân, cuộc sống và mở ra những cánh cửa tốt đẹp của tương lai phía trước./.

Hà Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ