• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Xoa dịu Ba Lan, Ukraine, cấp phó của TT Trump bất ngờ "đi ngược" thiện chí dành cho Nga

Thế giới 03/09/2019 09:15

(Tổ Quốc) - Ông Mike Pence đã có những phát biểu có phần mâu thuẫn với ý định mời Nga tới tham dự G7 2020 của Tổng thống Donald Trump.

Tờ Washington Post đưa tin, hôm thứ Hai (2/9), Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã chỉ trích chính quyền Tổng thống Nga Vlaidmir Putin vì can thiệp bầu cử.

"Trước những nỗ lực can thiệp bầu cử trên toàn châu Âu và thế giới, giờ đã tới lúc chúng ta cảnh giác về các dự định và hành động mà Nga đang thực hiện", ông Pence tuyên bố trong một cuộc họp báo tại Warsaw cùng Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda.

Phó Tổng thống Mỹ cũng cáo buộc Moscow vẫn đang hiện diện quân sự bất hợp pháp tại phần lớn lãnh thổ của Georgia và Ukraine; cũng như cố gắng tìm cách chia rẽ liên minh Mỹ - Ba Lan.

balanmy

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda trong cuộc họp báo ngày 2/9 tại Warsaw (ảnh: Petr David Josek/AP)

Đáng lưu ý, phát biểu của ông Pence được đưa chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Donald Trump khẳng định ông có thể mời người đồng cấp Putin tới tham dự thượng đỉnh G7, dự kiến diễn ra ở Miami, Mỹ vào năm sau.

Được biết tới là một người trung thành và thể hiện các thông điệp của Tổng thống Trump trong hầu hết vấn đề, bình luận của ông Pence cho thấy sự khác biệt giữa hai người đứng đầu nước Mỹ trong cách họ nói với Nga.

Trong khi đó, cũng trong ngày 2/9, Chánh văn phòng Phó Tổng thống Mỹ Marc Short nhấn mạnh, hai ông Pence và Trump thống nhất với nhau về chính sách đối ngoại Mỹ.

"Chưa có Tổng thống nào cứng rắn trước Nga như Donald Trump và cho dù họ có cách thể hiện khác nhau về vấn đề Nga, họ chia sẻ các ưu tiên và mục đích giống nhau", ông Short nói. "Và về Trung Quốc, Donald Trump có thể vừa đối đầu vừa lôi kéo".

Chưa có Tổng thống nào cứng rắn trước Nga như Donald Trump và cho dù họ [Trump và Pence] có cách thể hiện khác nhau về vấn đề Nga, họ chia sẻ các ưu tiên và mục đích giống nhau.

Marc Short

Tại thượng đỉnh G7 vừa diễn ra tại Pháp, Tổng thống Trump đổ lỗi cho chính quyền Barack Obama, chứ không phải là Putin trong cuộc khủng hoảng Crimea.

"Tôi nghĩ sẽ tốt hơn nếu có Nga trong phòng hơn là phía ngoài", ông chia sẻ với báo giới.

Phát biểu mới nhất phù hợp với những bình luận cứng rắn trước đó của ông Pence về Tổng thống Putin. Tuy nhiên, thời điểm này đã gây nhiều chú ý do nó được đưa ra ngay trước thềm chuyến công du của ông Pence tại châu Âu. Chuyến đi đang được các đồng minh lâu năm của Mỹ quan sát cẩn trọng, đặc biệt trong các vấn đề liên quan tới Nga.

Trước đó, Tổng thống Mỹ dự kiến có chuyến thăm chính thức tới Ba Lan; tuy nhiên do cơn bão Dorian, kế hoạch đã bị hủy bỏ và ông Pence được yêu cầu thay thế vị trí của ông Trump.

Cũng tại buổi họp báo, khi Tổng thống Ba Lan thể hiện sự quan ngại trước bất kỳ động thái nào của Tổng thống Trump hoặc ai khác, nhằm đưa Nga trở lại G7 vào năm sau, ông Pence không đưa ra ý kiến nào.

"Đây là một vấn đề rất phức tạp bởi vì tình hình với Nga đang rất khó khăn", ông Duda nói. "Nếu chúng ta nhìn vào cách hành xử của Nga trong những năm gần đây, chúng ta phải làm rõ liệu có ai đang hiện thực hóa tham vọng bá quyền của mình thông qua việc thay đổi biên giới, tấn công quân sự và đó là những gì đang xảy ra".

"Tôi tin tưởng, chúng ta không thể tiến hành theo nguyên tắc thông thường. Đây là lập trường của tôi và tôi không do dự bày tỏ nó", người đứng đầu Ba Lan nói.


Phó Tổng thống Pence ca ngợi Warsaw vì là "một trong bảy đồng minh duy nhất tại NATO đáp ứng cam kết dành ít nhất 2% GDP cho quốc phòng". Điều này đã giúp Washington hoàn toàn ủng hộ mong muốn của Ba Lan là được mua vũ khí do Mỹ sản xuất để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Trước đó, hôm Chủ nhật (1/9), trong một cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng tại Warsaw, ông Pence tuyên bố, Kiev có được sự ủng hộ từ Mỹ. Ông khẳng định, Washington "sẽ tiếp tục đứng cạnh người dân Ukraine trong các vấn đề an ninh, toàn vẹn lãnh thổ".

Một số vấn đề nhạy cảm khác cũng đã xuất hiện trong cuộc họp báo. Khi được hỏi liệu ông có thảo luận với Tổng thống Ba Lan về quyền bình đẳng giới, tự do báo chí và sự độc lập của tòa án…, ông Pence trả lời: "Chúng tôi đã nói về sự quan trọng của việc tòa án độc lập và quy định của pháp luật. Như tôi đã nói với Tổng thống Duda, chúng tôi cảm kích vì các cam kết của ông ấy với những nền tảng cơ bản cho luật pháp của Ba Lan".

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vẫn đang tiếp diễn, ông Pence cũng đã ký kết một tuyên bố an ninh với Ba Lan được cho là sẽ gia tăng áp lực lên tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei.

Sau khi rời Ba Lan, ông Pence tiếp tục chuyến công du tới Ireland gặp gỡ Ngoại trưởng Ireland Simon Coveney. Tại đây, ông Coveney đã đưa ra lời cảnh báo rằng, Brexit có thể gây ra những gián đoạn cho Ireland và hòa bình tại biên giới phía bắc.

Đáp trả, ông Pence khẳng định: "Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ với các đối tác tại Ireland và Anh để ủng hộ cho một kế hoạch Brexit có thể khuyến khích sự ổn định và gìn giữ những nền tảng được tạo ra từ Hiệp định Thứ Sáu tốt lành". Theo kế hoạch, ông Pence cũng sẽ có cuộc gặp với tân Thủ tướng Anh Boris Johnson.

Phương Đỗ

NỔI BẬT TRANG CHỦ