(Tổ Quốc) - 80% các thành viên chính của OECD đã thành công đảo ngược mức sinh giảm do nhiều cặp vợ chồng cùng nhau nuôi dạy con cái nhưng tỷ lệ vẫn giảm tại Nhật Bản và Hàn Quốc, theo Nikkei Asia.
Tỷ lệ sinh đã tăng ở 80% các quốc gia phát triển lớn trong năm ngoái nhưng lại giảm ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhiều chuyên gia đổ lỗi cho việc tỷ lệ sinh giảm liên tục của hai nước này là do thiếu bình đẳng giới trong việc chia sẻ công việc nhà và nghĩa vụ làm cha mẹ.
Nhiều nước châu Âu thành công
Vào năm 2021, tổng tỷ suất sinh - số trẻ em trung bình được sinh ra trên mỗi phụ nữ trong suốt cuộc đời - đã tăng tại 19/23 quốc gia OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế), theo nghiên cứu của Nikkei. Nhiều thành viên của OECD đã thực sự thành công thay đổi được xu hướng giảm tỷ lệ sinh trong 10 năm qua.
Sự gia tăng tỷ lệ sinh đặc biệt đáng chú ý ở các nước Bắc Âu, nơi nhiều cặp vợ chồng đã học cách chia sẻ gánh nặng chăm sóc con cái.
Dữ liệu về năng lực sinh sản mới nhất chủ yếu bao gồm những đứa trẻ được thụ thai trong khoảng thời gian từ mùa xuân năm 2020 đến đầu năm 2021, thời kỳ xuất hiện nhiều lo ngại về sức khỏe do đại dịch Covid-19. Trong thời gian này, nhiều người lo lắng về nguy cơ lây nhiễm, vì vaccine vẫn chưa được phổ biến rộng rãi và triển vọng việc làm và thu nhập còn tối tăm.
Yoko Okuyama, Phó Giáo sư tại Đại học Uppsala, Thụy Điển cho biết: "Tôi từng dự đoán rằng tỷ lệ sinh sẽ giảm vào năm 2021 do nhiều yếu tố vẫn thường ảnh hưởng đến việc sinh con. Nhưng đã có thêm nhiều người chọn sinh con ở những nơi như Bắc Âu."
Một yếu tố dẫn đến quyết định có con của nhiều cặp vợ chồng là mức độ bình đẳng giới trong việc nuôi dạy con cái. Dữ liệu gần đây về khoảng cách giới và thay đổi tỷ lệ sinh giữa các quốc gia cho thấy mối tương quan rõ ràng giữa hai yếu tố này.
Ví dụ, Iceland, được đặt tên là quốc gia bình đẳng giới nhất thế giới trong Báo cáo Khoảng cách giới toàn cầu năm 2022 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, đã ghi nhận tỷ lệ sinh năm 2021 tăng 0,1 lên 1,82 em nhỏ, mức tăng lớn thứ hai trong 23 quốc gia.
Phần Lan, đứng thứ hai trong báo cáo, ghi nhận tỷ lệ sinh tăng thêm 0,09 lên mức 1,46 con trong năm 2021. Đây cũng là năm tăng thứ hai liên tiếp sau khi giảm mạnh trong năm 2019.
"Các nước Bắc Âu đã nỗ lực để thu hẹp khoảng cách giới trong một thời gian dài, và hiện nay chỉ còn rất ít sự khác biệt giữa nam và nữ về số giờ họ dành cho việc nhà và nuôi dạy con cái. Nói cách khác, gánh nặng không còn đặt trên vai phụ nữ", chuyên gia Okuyama nói.
Nhưng tình hình hoàn toàn khác ở Nhật Bản.
Một phụ nữ khoảng 30 tuổi sống ở tỉnh Saitama, phía bắc Tokyo, đã nghĩ đến việc sinh con thứ hai sau khi cả cô và chồng bắt đầu làm việc ở nhà thường xuyên hơn do đại dịch. Nhưng cô đã từ bỏ ý định sau khi nhận thấy anh không giúp gì trong việc nhà và công việc nhà của cô thực sự tăng lên sau khi anh bắt đầu dành nhiều thời gian hơn ở nhà.
Tỷ lệ sinh ở cả Nhật Bản và Hàn Quốc, nơi có khoảng cách giới lớn, đã giảm 0,03 vào năm 2021. Hai quốc gia đang trên bờ vực dân số lao dốc này hiện tại ghi nhận tỷ lệ sinh ở mức 0,81 con ở Hàn Quốc và 1,30 con ở Nhật Bản. Cuộc khủng hoảng virus corona có thể đã làm suy yếu hơn nữa mong muốn có con của phụ nữ ở những quốc gia này, nơi phụ nữ làm công việc gia đình và chăm sóc con cái nhiều hơn nam giới từ bốn đến năm lần.
Sức ép từ thu nhập
Ngoài chênh lệch giới tính, chênh lệch thu nhập cũng góp phần hạn chế tỷ lệ sinh. Trước năm 2000, đàn ông Nhật Bản ở độ tuổi 40 có số con trung bình gần bằng nhau, bất kể mức thu nhập của họ là bao nhiêu. Nhưưng hiện nay những người ở nhóm thu nhập cao hơn có số con nhiều hơn gấp đôi so với những người ở nhóm thu nhập thấp hơn, theo một cuộc khảo sát của Đại học Tokyo.
Các gia đình thường không muốn có con nếu thu nhập hộ gia đình vẫn thấp. Và để tìm kiếm thêm nguồn thu, nhiều phụ nữ phải tìm kiếm công việc bên ngoài gia đình.
Sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động từng được coi là nguyên nhân chính dẫn đến giảm tỷ lệ sinh ở các nước phát triển. Trong những năm 1980, tỷ lệ sinh giảm do tỷ lệ việc làm ở phụ nữ tăng lên.
Tuy nhiên, hiện nay, ở các nước Bắc Âu và những nơi khác, phụ nữ độc lập về kinh tế có xu hướng sinh nhiều con hơn. Trong 5 năm qua, tỷ lệ sinh cao hơn lại rơi vào những quốc gia có nhiều phụ nữ có việc làm hơn.
Mặc dù Nhật Bản có tỷ lệ phụ nữ tham gia lao động tương đối cao, 70%, nhưng tỷ lệ sinh của nước này vẫn tiếp tục giảm do gánh nặng gia đình của họ cũng ngày càng nặng hơn. Trong khi đó, đảm bảo được công việc lâu dài lại là một vấn đề khác vì nhiều lao động nữ là nhân viên tạm thời.
Để đảo ngược tỷ lệ sinh đang giảm, Nhật Bản cần giải quyết không chỉ tình trạng thiếu cơ sở chăm sóc ban ngày cho trẻ em mà còn nhiều vấn đề ảnh hưởng đến phụ nữ, bao gồm khoảng cách giới và mức lương thấp.