• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Xu hướng mới trong cuộc chạy đua công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc

Thế giới 10/08/2022 11:12

(Tổ Quốc) - Sản xuất chất bán dẫn trở thành nhân tố mới trong cạnh tranh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Theo hãng CNN, cuộc chạy đua công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc từ điện thoại thông minh, thiết bị di động đến mạng xã hội và trí tuệ nhân tạo đã lắng xuống. Thay vào đó, xu hướng cạnh tranh mới về chất bán dẫn để sản xuất điện thoại thông mình, máy tính, ô tô và thiết bị gia dụng khác đang nổi lên ở bối cảnh hiện tại.

Xu hướng mới trong cuộc chạy đua công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: CNN

Ngày 9/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một đạo luật mới nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chất bán dẫn của Mỹ trong nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu chip máy tính kéo dài và giảm đi sự phụ thuộc vào các quốc gia sản xuất khác như Trung Quốc. Đạo luật khoa học và Chip cung cấp các ưu đãi cho quá trình sản xuất chất bán dẫn trong nước và hỗ trợ quá trình nghiên cứu và phát triển. Đạo luật bao gồm 52 tỷ USD tài trợ và đầu tư bổ sung vào Quỹ Khoa học Quốc gia, Bộ Thương mại và Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia. Chất bán dẫn đóng vai trò quan trọng trong sản phẩm điện tử tiêu dùng, ôtô, thiết bị chăm sóc sức khỏe và vũ khí. Các quan chức cho biết việc không đủ chất bán dẫn do tác động của đại dịch Covid-19 đã gây ra tình trạng thiếu chip và gián đoạn chuỗi cung ứng.

Trung Quốc từ lâu đã là quốc gia có thế mạnh trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn công nghệ. Những công ty như Apple, Google hay Microsoft hiện đang phụ thuộc đáng kể vào Trung Quốc để sản xuất thiết bị và các bộ phận cấu thành nên sản phẩm. Theo một phân tích gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế, Trung Quốc đã nhanh chóng giành chỗ đứng trên thị trường bán dẫn, đứng đầu toàn cầu về lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm, xếp thứ tư về chế tạo wafer (một loại vật liệu bán dẫn giống như silicon tinh thể).

Việc Trung Quốc gia tăng sản xuất trong nước là do tác động từ những hạn chế của Mỹ đối với các công ty bán dẫn lớn. Doanh số bán dẫn của Trung Quốc đã tăng hơn 30% vào năm 2020, đạt gần 40 tỷ USD, số liệu từ Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (SIA) cho biết.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã gây ra rủi ro thiếu hụt nguồn cung chip trên toàn cầu, và vấn đề đang trở nên tồi tệ hơn trong năm nay bởi tác động từ chính sách zero-Covid của Trung Quốc. Trước thực trạng các nhà máy bị đình trệ đang làm tổn thương chuỗi cung ứng, nhiều khu vực hiện đang xem xét cách tiếp cận đối với ngành công nghiệp này để huy động nguồn lực "tự cung tự cấp" và giảm đi sự phụ thuộc vào ngành sản xuất của Trung Quốc.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen đã nhiều lần nhắc đến việc chuyển đổi chuỗi cung ứng sang các đồng minh của Mỹ như Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong khi đó, các nhà lập pháp châu Âu cũng đề xuất các khoản đầu tư trị giá hàng chục tỷ USD trong những năm tới để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở lục địa đen. Về phần mình, Trung Quốc tiếp tục cố gắng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn như một phần trong kế hoạch 5 năm vừa công bố vào năm ngoái.

"Phải công nhận rằng đây là những lĩnh vực công nghệ này sẽ quyết định ngôi vị chiến thắng trong nền kinh tế toàn cầu trong thời gian tới", bà Kenton Thibaut, một chuyên gia về Trung Quốc tại Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington nói.

Theo bà Kenton Thibaut, việc hoàn toàn chủ động sản xuất chip "nói thì dễ hơn làm" vì đòi hỏi công nghệ và kiến thức chuyên môn liên quan.

"Không dễ dàng đạt được vị trí hàng đầu trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn", bà Thibaut nói thêm.

Cú hích thúc đẩy sản xuất Mỹ

Theo CNN, bên cạnh những sáng kiến ngắn hạn, Mỹ đã tăng cường sản xuất chất bán dẫn vì sự ổn định và an ninh của đất nước. Để làm được điều này đòi hỏi phải là tầng lớp lao động có trình độ học vấn cao. Mỹ chiếm 1/4 nhu cầu chất bán dẫn toàn cầu nhưng chỉ sản xuất 12% sản lượng. Các công ty công nghệ có lẽ sẽ lao vào lĩnh vực này để đáp ứng nhu cầu đó. Tuy nhiên, việc thay thế Trung Quốc "trong một sớm một chiều" sẽ không hề dễ dàng.

Ngay hiện tại, Trung Quốc có lợi thế là họ có chiến lược phối hợp xoay quanh quảng bá công nghệ và đáp ứng cơ sở hạ tầng quan trọng cho những quốc gia cần. Mỹ và các nền dân chủ khác cũng cần phát triển một chiến lược xoay quanh công nghệ. Động thái này không chỉ tập trung vào việc cạnh tranh với Trung Quốc mà còn chủ động cung cấp các giải pháp thực sự cho nhu cầu thực tế.

Mặt khác, cho dù các quốc gia trên thế giới chủ động xây dựng các cơ sở sản xuất tại địa phương nhưng hầu hết không thể tách khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là đối với những sản phẩm không thể tách rời và phức tạp như chất bán dẫn. Việc thiết kế, chế tạo, sản xuất và thậm chí cả nguyên liệu thô cho chip sẽ được phân phối trên nhiều quốc gia và khu vực khác nhau.

"Đó thực sự giống như một mạng lưới khổng lồ và cho dù các quốc gia có cố gắng nội địa hóa sản xuất đến đâu thì mức độ phụ thuộc lẫn nhau là không thể tránh khỏi. Đó là xu hướng toàn cầu cho dù có làm theo cách này hay cách khác", bà Zachary Collier, chuyên gia phân tích về rủi ro tại Đại học Radford, Virginia nói./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ