• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Xuất hiện nhiều tin đồn diễn ra “đảo chính cung đình” tại Kremlin

Thế giới 05/09/2016 06:04

(Tổ Quốc)-Ai đảo chính ai – cuộc sàng lọc nội bộ và thay máu mang tên Putin.

Sau khi Sergei Ivanov, Chánh Văn phòng Điện Kremlin, nhân vật quan trọng thứ hai trong nền chính trị Nga, bị bãi chức, ngày 12/8 vừa rồi, xuất hiện nhiều tin đồn diễn ra “đảo chính cung đình” tại Kremlin, phế truất Tổng thống Putin.

Sergei Ivanov thay bằng Anton Vaino, một nhà cựu ngoại giao, nhiều năm qua phụ trách phòng lễ tân của Kremlin không quyền không lực. Vaino là cháu nội của nhà lãnh đạo cộng sản Estonia, tốt nghiệp Trường Quan hệ Quốc tế Moscow (MGIMO) – lò đào tạo các nhà ngoại giao của Nga, trong đó có đương kim Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov. Người đứng đầu Văn phòng Kremlin sẽ có quyền lực chính trị ngang với Thủ tướng, nếu không phải lớn hơn: Medvedev đã hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, Vaino chỉ mới bắt đầu.

Putin và Ivanov tại Đài Liệt sĩ vô danh, ngày 9/5/2016: Mâu thuẫn đang tích tụ

Putin và Ivanov từng được đào tạo tại trường tình báo KGB cùng thời gian. Nhưng khi Ivanov đeo quân hàm trung tướng thì Putin chỉ là trung tá.

Ivanov là một thành viên của nhóm thân cận của Putin, là một nhà hoạch định chính sách. Từng là Bộ trưởng Quốc phòng từ năm 2001-2007, trở thành phó Thủ tướng cùng thời với Dmitry Medvedev, được xem là nhân vật tranh ngôi tổng thống với Medvedev. Cuối cùng, Putin đã chọn Medvedev làm người kế vị, vì ông là nhân vật yếu hơn, một nhà kỹ trị có tính chuyên nghiệp cao. Tháng 12/2011, Ivanov được cử là Chánh Văn phòng Kremlin.

Tuy là thân cận, nhưng Ivanov được xem là đối thủ của Putin, một thời gian dài phụ trách Cục An ninh Liên bang (FSB), hậu thân của KGB, thành viên của Hội đồng an ninh Nga – “bộ chính trị” của Putin. Nhóm quyền lực này tại Điện Kremlin còn có Cố vấn An ninh Quốc gia Nikolai Patrushev, Chủ tịch FSB và cựu Thủ tướng Mikhail Fradkov – phụ trách Cục tình báo nước ngoài của Nga (SVR). Nếu có đảo chính lật đổ Putin thì chỉ có thể là nhóm này tiến hành. Mâu thuẫn đầu tiên bộc lộ khi có vụ sát hại nhà lãnh đạo đối lập Boris Nemtsov tháng 2/2015. Sau vụ này, Ivanov không xuất hiện 1 tuần, Putin vắng bóng 10 ngày. Người ta nói đến một cuộc “đảo chính cung đình” Putin bị lật đổ.

Ivanov thường được xem là nhân vật cứng rắn, người có năng lực giải quyết vấn đề, ủng hộ doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là công nghiệp quốc phòng.

Cuộc đấu tranh bộc lộ một lần nữa vào tháng 4/2016, khi Putin thành lập Vệ binh Quốc gia dưới sự chỉ huy của tướng Viktor Zolotov, cận vệ lâu năm của Putin. Ngày 6/4, một sắc lệnh tổng thống bổ nhiệm Zolotov làm 1 trong 12 thành viên thường trực của Hội đồng An ninh Nga (SC), nhưng 11/4, sắc lệnh này bị sửa đổi, không có tên Zolotov. Nó là dấu hiệu của việc các tướng KGB tại  SC, do Ivanov chủ trò, chống đối sự sắp xếp lại Hội đồng An ninh.

Thực chất có bất đồng về chính sách Ukraine. Mùa Xuân 2014, Ivanov tiết lộ kế hoạch đánh chiếm một nửa Ukraine, bao gồm Kiev, nhằm thâu tóm tổ hợp quân sự của Ukraine sáp nhập vào Nga. Tổ hợp quân sự này nằm ở miền Đông và miền Trung Ukraine. Putin không ủng hộ kế hoạch.

Tiếp đó, có tin Ivanov muốn thỏa hiệp với phương Tây để giảm nhẹ cuộc cấm vận. Ivanov muốn tìm một giải pháp với phương Tây về Ukraine, trong khi Putin muốn duy trì tình trạng xung đột kéo dài và gây bất ổn tại các nước láng giềng. Ngày 8/8, Putin triệu tập Hội đồng An ninh, với 6/12 thành viên có mặt, không có Ivanov. Ngày 12/8, Hội đồng họp với 11 thành viên, có Ivanov. Chủ đề là Ukraine. Dường như Ivanov chống lại đề nghị của Putin.

Ở thời điểm này, tạp chí Newsweek (Mỹ) đăng bài tiêu đề “Liệu Putin bị lật đổ trong một cuộc đảo chính Kremlin?”.

Ai lật đổ ai?

Ngày 12/8, Putin ký sắc lệnh cải tổ Hội đồng Anh ninh. Ivanov chưa bị bãi nhiễm, nhưng Vaino thay thế cựu Bộ trưởng Nội vụ Rashid Nurgaliyev làm thành viên. Zolotov vẫn chưa được đưa vào Hội đồng. Điều này cho thấy dường như Putin không kiểm soát được SC. Nhưng, Putin đã thực hiện hành động quả quyết mạo hiểm khi bãi nhiệm Ivanov. Có thể xem là đông thái phòng đảo chính.

Putin thay đổi một cách hệ thống nhiều nhân vật chóp bu khác, một thời là chiến hữu trung thành và thân cận. Các nhân vật này từng có tiếng nói “ngang hàng phải lứa” với Putin. Những người mới ít tên tuổi thuộc các quan chức cấp thấp hơn – hạng hai, hạng ba trong bộ máy cầm quyền. Dmitry Livanov, Bộ trưởng giáo dục  và khoa học có đầu óc cải cách, được thay bằng Olga Vasilyeva – một nhân vật theo quan điểm Stalinist.

Ivanov được cử làm Đại diện đặc biệt của Tổng thống về Bảo vệ Môi trường, Sinh thái và Giao thông.

Không phải nhân vật bị gạt ra rìa nào cũng may mắn như Ivanov. Anndrey Belyaninov, đứng đầu Tổng cục Thuế Liên bang, bị bãi nhiệm sau khi cảnh sát khám nhà riêng, phát hiện ra các hộp đựng giày đầy tiền mặt. Bị mất chức còn có Vladimir Yahunin, Bộ trưởng Đường sắt, từng rất thân cận của Putin; Yevgeny Murov, Giám đốc Vệ binh Liên bang. Họ không phải là những người cuối cùng bị hạ bệ.

Anton Vaino (đối diện) nhận bàn giao từ Sergei Ivanov, bước vào trung tâm quyền lực nước Nga như một nhà kỹ trị

Tại sao cần thay đổi bây giờ?

Vì hệ thống chính trị Putin đã trở nên trì trệ như dưới thời Brezhnev.

Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2018 và cho chính quyền Putin nhiệm kỳ 4, Putin cần một đội ngũ tay chưa nhúng chàm tham nhũng, để xoa dịu sự bất mãn của dân chúng về bộ máy quan liêu trì trệ, tham nhũng hình thành qua các nhiệm kỳ của Putin.

Bộ máy mới được mệnh danh “những người lính của Putin” – chấp hành một cách hiệu quả

các mệnh lệnh và chủ trương mà Putin đề ra. Họ hình thành lớp tinh hoa mới nắm các vị trí quyền lực (siloviki) và kỹ trị, tuổi tương đối trẻ (40-50), trung thành với Putin, nhưng không phải là bạn của tổng thống.

Có một số nhân vật gần gũi còn trụ lại được, như Sergey Chemezov – “Hồng y giáo chủ xám” của Kremlin, Giám đốc điều hành của tập đoàn quốc phòng và công nghệ cao Rostec; Igor Sechin, Chủ tịch tập đoàn dầu khí quốc gia Rosneft. Cùng với một số it nhân vật có đầu óc tự do như Alexey Ulyukayev, Bộ trưởng Phát triển Kinh tế; Anton Siluanov, Bộ trưởng Tài chính; Elvira Nabiullina, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga.

Sẽ không xuất hiện kịch bản cựu Bộ trưởng tài chính Alexey Kudrin, một nhà cải cách có tên tuổi, thay thế Dmitry Medvedev làm Thủ tướng. Chiến lược cán bộ  hiện nay của Putin là bổ nhiệm những nhân vật tay không nhuốm máu như Vaino.

Hệ thống chính trị nước Nga đang thay đổi từ bên trong. Putin hiện tại không có đối thủ cạnh tranh. Điều chắc chắn là chính sách đối nội và đối ngoại Nga sẽ không thay đổi và sẽ được quyết định bởi một mình Putin.

Hoài Nam (Theo Newsweek, Carnegie Moscow)

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ