• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Xung đột đẫm máu Armenia- Azerbaijan: Vai trò của 2 đồng minh Mỹ và tính toán từ Moscow

Thế giới 02/10/2020 11:51

(Tổ Quốc) - Hôm Chủ nhật (27/9), tranh chấp lãnh thổ giữa Armenia và Azerbaijan đã tái bùng phát và đe dọa sẽ lan rộng ra toàn khu vực.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, vùng tự trị Nagorno-Karabakh mặc dù nằm trong Azerbaijan nhưng phần lớn dân số và giới chức lãnh đạo lại là người gốc Armenia.

Đây không phải là lần đầu tiên hai quốc gia láng giềng đụng độ với nhau liên quan khu vực lãnh thổ tranh chấp và các bên đều đổ lỗi cho bên kia khơi mào xung đột. Tuy nhiên, đụng độ lần này dường như căng thẳng nhất kể từ chiến tranh 1988-1994. Truyền thông đưa tin, hàng trăm người đã thiệt mạng bao gồm cả dân thường và hàng trăm người khác bị thương. Tuy nhiên, theo trang Business Insider, điều khiến cho xung đột mới nhất càng thêm nguy hiểm là sự tham gia của hai đồng minh và một đối thủ của Mỹ - cụ thể là Thổ Nhĩ Kỳ, Israel và Nga.

Xung đột đẫm máu Armenia- Azerbaijan: Vai trò của 2 đồng minh Mỹ và tính toán từ Moscow - Ảnh 1.

Một thường dân chạy trốn khi quân đội Azerbaijan nã pháo tấn công thành phố Martuni, Armenia ngày 1/10/2020 (ảnh: getty)

Ván cờ phức tạp

Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh của Azerbaijan, trong khi Armenia nhận được sự hỗ trợ từ Nga. Armenia là một thành viên của Tổ chức An ninh Tập thể (CSTO) do Moscow dẫn đầu. CSTO được coi như một thế lực đối trọng với NATO và bản thân Nga cũng có căn cứ quân sự đặt tại Armenia. Mặc dù vậy, Moscow cũng duy trì quan hệ tốt với cả Azerbaijan vì những di sản từ thời kỳ Liên Xô.

Điều khiến các bên thứ ba quan tâm nhất trong tranh chấp trên là an ninh của các ống dẫn khí đốt tự nhiên và dầu mỏ từ Caucasus tới châu Âu. Chỉ riêng Azerbaijan cũng xuất đi gần 700.000 thùng dầu và gần 780 triệu mét khối khí đốt mỗi ngày – phần lớn trong số đó là tới phương Tây. Một số đường ống được đặt khá gần với biên giới Armenia.

Lo ngại về leo thang cũng như những hậu quả tiềm tàng, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cảnh báo "việc các yếu tố bên ngoài tham gia vào leo thang vũ lực sẽ không đem lại lợi ích và chỉ khiến căng thẳng khu vực gia tăng".

Cũng trong tuần này, tướng về hưu người Mỹ James Stavridis nhận định, NATO hầu như không có tiếng nói gì đối với Armenia và Azerbaijan. Hai quốc gia này đều nằm trong tầm ảnh hưởng của Nga.

Xung đột đẫm máu Armenia- Azerbaijan: Vai trò của 2 đồng minh Mỹ và tính toán từ Moscow - Ảnh 2.

Azerbaijan nổ súng nhằm vào các mục tiêu Armenia ngày 28/9/2020 (ảnh: Bộ Quốc phòng Azerbaijan)

Máy bay không người lái và lính đánh thuê

Những thiết bị không người lái Azerbaijan mua từ Israel và Thổ Nhĩ Kỳ đem lại nguy cơ rất lớn cho quân đội Armenia. Azerbaijan sử dụng vũ khí không người lái một cách rất hiệu quả trong các hoạt động tấn công, trinh sát và thu thập tình báo. Điều này được thể hiện rõ trong những hình ảnh ghi lại các cuộc xung đột giữa quân đội hai bên. Một ví dụ như gần 30 binh lính Armenia đang đứng gần một chiếc xe tải và bất ngờ bị một tên lửa không người lái tấn công. Xe tải bị phá hủy hoàn toàn, nhiều người bị chết và thương nặng.

Đội bay không người lái của Azerbaijan chủ yếu bao gồm Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất, Thunder B, Orbiter 3, SkyStriker và IAI Harop – đều của Israel chế tạo. Trong đó, IAI Harop đặc biệt nguy hiểm. Được mệnh danh là "máy bay không người lái tự sát", nó thể được điều khiển từ mặt đất hoặc bay hoàn toàn tự động. Khả năng tàng hình cũng khiến IAI Harop rất khó bị phát hiện. Với sự giúp đỡ trực tiếp hoặc gián tiếp từ Thổ Nhĩ Kỳ và Israel, không lực của Azerbaijan đang giữ thế thượng phong so với Armenia trên chiến trường.

Đây cũng không phải là những hỗ trợ duy nhất mà Azerbaijan có được. Không chỉ chia sẻ thông tin tình báo và trợ giúp hậu cần, Thổ Nhĩ Kỳ còn gửi lính đánh thuê tới chiến đấu cùng binh lính Azerbaijian.

Xung đột đẫm máu Armenia- Azerbaijan: Vai trò của 2 đồng minh Mỹ và tính toán từ Moscow - Ảnh 3.

Một binh lính Armenia đứng cạnh mảnh vỡ của chiếc phi cơ Su-35 tại Nagorno-Karabakh vào ngày 30/9/2020. Phía Armenia cho rằng, chiếc máy bay bị bắn hạ bởi một chiếc F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ (ảnh: Bộ Ngoại giao Armenia)

Tính toán của Moscow

Tuy nhiên, sức mạnh từ vũ khí không người lái và sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ có thể khiến Nga phải gia tăng vai trò của mình trong cuộc xung đột. Nếu không duy trì được thế cân bằng giữa Armenia và Azerbaijan, Moscow nhiều khả năng sẽ phải chứng kiến Thổ Nhĩ Kỳ hoặc một đối thủ nào đó "tận hưởng" những lợi ích ảnh hưởng tới vị thế của Nga trong khu vực. Nếu sự hỗ trợ của Ankara giúp Azerbaijan giành được lợi thế trong toàn cuộc xung đột trong khi các nỗ lực dàn xếp chính trị và ngoại giao bị thất bại, Moscow có thể sẽ tham gia bên cạnh Armenia.

Theo Business Insider, Nga hoàn toàn có khả năng làm điều đó mà không cần phải gửi binh lính tới tham chiến. Cụ thể, Moscow có thể tái khẳng định đảm bảo an ninh của mình là sử dụng vũ lực để giúp Armenia phòng thủ và từ đó cho phép quân đội Armenia được tái triển khai các hệ thống phòng không tốt hơn tới khu vực tranh chấp, nhằm đối phó với các máy bay không người lái của Azerbaijan. Điện Kremlin cũng có thể đồng ý bán khẩn cấp cho Armenia những loại vũ khí đủ sức chiến đấu với không lực Azerbaijan.

Ngoài ra, Nga cũng có thể sử dụng cơ hội này để gây sức ép lên Thổ Nhĩ Kỳ về cả mặt tài chính và quân sự, nhất là trong bối cảnh Moscow và Ankara đang đối đầu nhau - cả trực tiếp và gián tiếp - trong vấn đề Libya và Syria.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ