(Tổ Quốc) - Xuất khẩu vũ khí vào Trung Đông và châu Á đã tăng vọt trong 5 năm qua, phần lớn là do xung đột và căng thẳng diễn ra triền miên tại những khu vực này.
Xuất khẩu vũ khí vào Trung Đông và châu Á đã tăng vọt trong 5 năm qua, phần lớn là do xung đột và căng thẳng diễn ra triền miên tại những khu vực này, một báo cáo công bố ngày 12/3 cho hay.
Theo AFP, từ năm 2013-2017, xuất khẩu vũ khí vào Trung Đông đã tăng 103% so với 5 năm trước, Viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho hay. Trung Đông cũng chiếm 32% tổng lượng vũ khí nhập khẩu trên toàn thế giới.
Saudi Arabia - đang tiến hành một chiến dịch chống lại quân nổi dậy Shiite Houthi – được Iran hỗ trợ - là nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới sau Ấn Độ, SIPRI cho biết.
Xung đột kéo dài khiến lượng vũ khí nhập khẩu vào Trung Đông tăng vọt. |
Hoa Kỳ chiếm 61% và Anh chiếm 23% lượng vũ khí xuất khẩu vào Saudi Arabia.
Ngày 9/3, nước Anh đã kí một đơn hàng trị giá hàng tỷ USD bán cho Saudi 48 máy bay Typhoon, hãng sản xuất thiết bị quân sự BAE Systems tiết lộ. Thỏa thuận này đã dấy lên tranh cãi và làn sóng phản đối ở Anh về việc vũ khí của người Anh đang thúc đẩy bạo lực.
Nhà phân tích cao cấp của SIPRI, Pieter Wezeman, nói: "Bạo lực và xung đột lan rộng ở Trung Đông và những quan ngại về nhân quyền đã dẫn đến những cuộc tranh luận chính trị ở Tây Âu và Bắc Mỹ về việc hạn chế buôn bán vũ khí".
"Tuy nhiên, Mỹ và các nước châu Âu vẫn là các nước xuất khẩu vũ khí chính cho khu vực này và cung cấp hơn 98% vũ khí cho Saudi Arabia."
Gia tăng nhu cầu tại Ấn Độ
Về tổng thể, châu Á và châu Đại Dương vẫn là khu vực nhập khẩu vũ khí lớn nhất, chiếm 42% toàn cầu trong giai đoạn 2013-2017. Trong đó, Ấn Độ là nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, và Nga là nhà cung cấp chính -chiếm 62% vũ khí nhập vào nước này.
Đồng thời, lượng vũ khí Mỹ cung cấp cho Ấn Độ - đã tăng sáu lần trong giai đoạn 5 năm qua, theo tính toán của SIPRI.
Một nhà nghiên cứu khác của SIPRI, Siemon Wezeman, nói: "Những căng thẳng giữa Ấn Độ với Pakistan và Trung Quốc đang thúc đẩy nhu cầu sở hữu các loại vũ khí chủ chốt mà nước này hiện chưa thể tự sản xuất được".
"Trung Quốc, ngược lại, đang ngày càng tăng cường khả năng tự sản xuất vũ khí. Họ cũng tiếp tục thúc đẩy quan hệ với Pakistan, Bangladesh và Myanmar thông qua việc cung cấp vũ khí", ông nói thêm.
Bắc Kinh xuất khẩu vũ khí tăng 38% trong năm năm đã trở thành nhà cung cấp vũ khí chính cho Myanmar, chiếm 68% lượng vũ khí xuất khẩu vào nước này. Vũ khí của Trung Quốc cũng chiếm 71% lượng vũ khí xuất khẩu vào Bangladesh và 70% vào Pakistan.