(Tổ Quốc) - Dự án xây dựng đường ống dẫn dầu từ Nga sang Hàn Quốc đi qua Triều Tiên đã được nối lại.
Newsweek đưa tin, sau hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đã nối lại các cuộc đàm phán liên quan tới việc xây dựng một đường ống dẫn gas đi qua quốc gia châu Á. Đường ống này dự định sẽ kết nối giữa Nga và Hàn Quốc, đi qua nhưng không cung cấp gas cho Triều Tiên.
“Hiện nay, tình hình chính trị đã có thay đổi, và phía Hàn Quốc đã yêu cầu Gazprom khôi phục lại dự án, và một loạt các cuộc thảo luận đã được tiến hành xung quanh vấn đề này, và vẫn đang tiếp diễn,” phó Giám đốc điều hành Gazprom Vitaly Merkelov nói hôm thứ Sáu (15/6).
Giới chức Nga dành nhiều lời khen ngợi cho những nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm bình thường hoá quan hệ với Bình Nhưỡng. Moscow cũng bày tỏ hy vọng, Nga sẽ tham gia vào tiến trình phi hạt nhân hoá trên bán đảo Triều Tiên.
Tổng thống Nga Vlaidmir Putin từng cam kết, Nga sẵn lòng giúp đỡ cho những nỗ lực hoà bình bằng tất cả các khả năng của mình, đồng thời mong muốn Nga đóng một vai trò lớn hơn trong việc hỗ trợ Triều Tiên tái thiết nền kinh tế sau nhiều năm bị cô lập và trừng phạt.
Nếu các lệnh cấm vận Triều Tiên được dỡ bỏ, nó cũng có lợi cho chính Moscow. Nga là quốc gia có nhiều lao động Triều Tiên sống và làm việc nhất, tuy nhiên sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua một nghị quyết mới hồi tháng 12/2017, Nga đã bắt đầu gửi trả một phần trong số lao động trên về nước. Đáng lưu ý, lao động Triều Tiên cũng giữ vị trí quan trọng trong ngành công nghiệp xây dựng của Nga, đặc biệt là ở vùng cận đông.
Moscow thường xuyên phản đối lập trường cứng rắn của phương Tây dành cho Triều Tiên, và cho rằng, điều đó sẽ dồn Bình Nhưỡng vào chân tường và khiến nước này càng đẩy mạnh chương trình vũ khí hạt nhân của mình.
Mặc dù vậy, vẫn còn hơi sớm để bắt đầu tiến hành kinh doanh dựa trên nhận định rằng hoà binh trên bán đảo Triều Tiên đã được đảm bảo. Hầu hết các chuyên gia và nhà phân tích đều đồng ý rằng, hiệp định ký kết giữa ông Trump và ông Kim Jong-un “mang tính biểu tượng hơn là thực chất”; thiếu một kế hoạch hành động cụ thể, do đó có khả năng dẫn tới hiểu lầm trong tương lai.