• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Yếu tố Montenegro “giằng xé” giữa sức mạnh Nga và phương Tây

Thế giới 23/03/2017 20:47

(Tổ Quốc) - Montenegro, không phải là một quốc gia quân sự có sức mạnh đáng kể, tuy nhiên, có vai trò quan trọng đối với sự ảnh hưởng chiến lược của Nga và phương Tây tại Bailkan.

Bốn máy bay quân sự của nước này đang được rao bán trong khi hai tàu chiến đang hoạt động của họ hầu như không rời cảng.

Với quân đội chỉ có 2.000 quân, Montenegro - đất nước có phong cảnh tuyệt đẹp, nằm giữa những ngọn núi cao chót vót và biển Adriatic - sẽ không thể giúp tăng cường sức mạnh phòng vệ của phương Tây trong trường hợp xảy ra căng thẳng với Nga.

Thủy thủ đoàn trên tàu chiến của Montenegro tại hải cảng Bar, Montenegro của nước này. (Nguồn: AP)

Tuy nhiên, Montenegro hiện là một vấn đề trung tâm trong sự “giằng co” giữa phương Tây và Moscow về ảnh hưởng ở Balkans. Kết quả của sự căng thẳng này có thể định hình hướng đi của toàn bộ khu vực phía Tây Balkan: hướng tới Liên minh châu Âu (EU), NATO và hội nhập với phương Tây, hoặc trở lại với vòng tay của Nga.

"Rõ ràng là căng thẳng Đông Tây đã để lại hậu quả về chính trị và an ninh ở phía tây Balkans", cựu Thủ tướng Montenegro Milo Djukanovic nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây với AP.

NATO mạnh mẽ thúc đẩy

Ông nói rằng khi đối mặt với ảnh hưởng của Nga ở Montenegro, phương Tây nên "trong thời gian ngắn nhất, có phương pháp quyết liệt hơn để bảo vệ hệ thống giá trị của châu Âu."

Montenegro là một đồng minh của Nga. Tuy nhiên, sau khi tách ra khỏi Serbia trong một cuộc trưng cầu dân ý năm 2006, quốc gia 620.000 người này đã có bước đi mạnh mẽ hướng tới hội nhập châu Âu-Đại Tây Dương.

Nga luôn phản đối mạnh mẽ việc mở rộng liên minh quân sự phương Tây tại một khu vực nước này cho là có lợi ích chiến lược. Còn NATO, quan ngại về ảnh hưởng của Nga trong khu vực vẫn bất ổn này, NATO đang muốn đưa Montenegro vào liên minh.

Tư cách thành viên Montenegro đã được 25 thành viên trong tổng số 28 liên minh của liên minh phê chuẩn. Các thượng nghị sĩ Mỹ vẫn chưa chấp thuận điều này, và cũng đang có những lo ngại tại Montenegro và  Balkans rằng mà chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump muốn xích lại quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tuần trước, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain đã chỉ trích một đồng nghiệp trong đảng của ông, Thượng nghị sỹ Kentucky Rand Paul và cáo buộc ông này "làm việc cho Vladimir Putin" sau khi ông Paul ngăn cản việc thông qua một hiệp định sẽ cho phép Montenegro hướng tới việc gia nhập NATO.

Về phía Nhà Trắng, trong một lá thư gửi Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói rằng "Mỹ rất quan tâm đến việc phê chuẩn tư cách thành viên của Montenegro trong NATO." Bức thư, được viết từ ngày 7/3 và AP đã tiếp cận được ngày 22/3.

"Với sự gia nhập của Montenegro, liên minh sẽ tạo ra một đường biên giới tiếp giáp dọc theo bờ biển Adriatic", ông Tillerson viết. "Do Montenegro tiếp giáp với 5 nước Balkan khác, bao gồm các nước thành viên NATO Croatia và Albania – những nước thành viên có thể hỗ trợ tiến trình hội nhập, cải cách dân chủ, thương mại, an ninh và tạo sự ổn định cho tất cả các nước láng giềng".

Sức ảnh hưởng mạnh mẽ của Nga

Truyền thông phương Tây trước đó đã đưa nhiều thông tin cho rằng Nga có liên quan đến âm mưu đảo chính tại Montenegro năm 2016. Tuy nhiên, phía Nga đã bác bỏ mọi cáo buộc. Gần đây nhất, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 20/2 nói rằng “Những tin tức (rằng Nga đứng sau một âm mưu sát hại Thủ tướng được phương Tây hậu thuẫn của Montenegro Milo Djukanovic vào năm 2016) nằm trong số những lời buộc tội vô căn cứ đối với Chính phủ Nga nói riêng và người dân Nga nói chung”.

Còn theo AP, điện Kremlin đã có những hoạt động vận động chống lại NATO ở Montenegro, cũng như ở các nước láng giềng, Serbia, Bosnia và Macedonia, và đã hỗ trợ các quan chức và các nhóm dân tộc chủ nghĩa thân Nga tại tất cả các nước này.

Andrija Mandic, lãnh đạo phe đối lập “Mặt trận Dân chủ” tại Montenegro, cho biết Montenegro không nên gia nhập NATO và thay vào đó, nên giữ mối quan hệ chặt chẽ với các "anh em Slavic Chính thống giáo" ở Nga.

Mandic nói với AP, "Chúng tôi thuộc về một nhóm văn minh đã thừa hưởng những truyền thống tốt nhất của Montenegro, trong 300 năm đã có mối quan hệ tốt đẹp nhất, cả với hoàng đế với Nga và sau đó là với Liên bang Xô viết.

"Nga tin rằng vùng Balkans phía Tây một phần nằm trong phạm vi ảnh hưởng của chính mình", ông Gennady Sysoev, phóng viên về Balkan của tờ báo Nga Kommersant cho biết. "Căn cứ tình hình thực tế thấy rằng, lập trường ủng hộ Nga ở đây khá mạnh."

Trong suốt lịch sử, Nga đã coi Montenegro là một đồng minh thân thiết. Trong những năm gần đây, nhiều người giàu và nổi tiếng của Nga đã mua bất động sản dọc bờ biển tuyệt đẹp của Montenegro và mở các công ty tại đây.

Có một ngôi làng hoàn toàn là người Nga nằm trên một ngọn núi nhìn ra khu nghỉ mát tại bán đảo Saint Stefan xinh đẹp của Montenegro, và các trường dạy tiếng Nga cũng được mở rộng cho số dân Nga ngày càng gia tăng.

Lợi ích chiến lược khu vực

Các nhà phân tích nói rằng đằng sau tất cả những căng thẳng trên (từ cả Nga và NATO) tiềm ẩn các mục tiêu chiến lược chính.

Đối với Nga, nước này sẽ được tiếp cận các cảng biển sâu cho các tàu chiến được triển khai ở Địa Trung Hải và sẽ tiếp tục duy trì được các lợi ích kinh tế và chính trị trong khu vực. Đối với NATO, khối này sẽ có thể ngăn cách hải quân Nga hùng mạnh cách xa khỏi khu vực biển chiến lược. Montenegro là quốc gia Adriatic duy nhất chưa phải là thành viên của NATO.

Hiện tại, Montenegro vẫn đang bị chia rẽ sâu sắc về NATO và việc hội nhập với phương Tây. Năm 1999, Montenegro đã bị NATO ném bom – trong chiến dịch không kích để ngăn các đợt tấn công nhằm vào lực lượng ly khai người Albania tại Kosovo. Điều này đã khiến NATO trở nên không được “ưa chuộng” tại các nước Chính thống giáo.

Stanko Lazarevic, một ngư dân ở làng Bigova, nói: "Tôi phản đối NATO vì tôi không thể quên những quả bom của NATO, họ ném vào chúng tôi, ở đây và vào những người anh em Serbia".

Còn cư dân địa phương Milorad Novakovic cho biết ủng hộ tư cách thành viên NATO của Montenegro nhưng nói rằng điều quan trọng là phải duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Nga "Tôi không thấy Montenegro có thể gây nguy hiểm cho Nga bằng cách gia nhập NATO", ông cho biết từ thủ đô Podgorica của Montenegro.

(Theo AP)

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ