(Tổ Quốc) - Nga sẽ làm gì nếu gì nếu bị nước láng giềng tấn công bất ngờ? Câu trả lời có trong siêu tập trận Zapad 2017.
Hôm nay, cuộc tập trận thực địa quy mô lớn kéo dài một tuần mang tên Zapad 2017 đã chính thức bắt đầu. Là phiên bản mới nhất của sự kiện, từng được coi là một trong những hoạt động quân sự chủ chốt của Liên Xô và các nước đồng minh trong khối Warsaw, năm nay chỉ có Nga và Belarus tham gia cuộc tập trận này. Tuy nhiên, những căng thẳng xung quanh mối quan hệ giữa Nga với châu Âu và Mỹ đã khiến Zapad 2017 nhận được vô số sự chú ý, thậm chí được nhìn nhận như một hành động phô trương địa chính trị của Moscow.
“Cuộc tập trận sẽ cho thấy quân đội [Nga] dưới thời Tổng thống Vladimir Putin biến đổi và trở thành một lực lượng thiện chiến, đã được triển khai tới Syria và Ukraine trong những năm gần đây,” phóng viên David Filipov và Michael Birnbaum của tờ Washington Post nhận định.
Điều gì sẽ xảy ra trong cuộc tập trận?
Con số thống kê chính thức của Nga cho thấy, có 12.700 lính và 680 thiết bị quân sự, bao gồm 138 xe tăng tham gia vào Zapad 2017. Tuy nhiên, theo tin tức từ phương Tây, con số thực tế có thể cao hơn nhiều - từ 70.000 đến 100.000 binh lính. Ông Putin và người đồng cấp đến từ Belarus, Alexander Lukashenko, sẽ xuất hiện trong các hoạt động bên lề - một bằng chứng cho thấy cuộc tập trận này có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với nhà lãnh đạo người Nga.
Bộ Quốc phòng Nga gọi tập trận Zapas 2017 là một cuộc diễn tập phòng thủ, dựa trên bối cảnh giả định khi quân đội kết hợp Nga và Belarus phải đối mặt với sự tấn công bất ngờ của quốc gia [không có trong thực tế] Veishnoriya, nằm ở phía tây bắc Belarus.
Tờ New York Times gọi Veishnoriya là “nỗi sợ hãi tối tăm nhất của Kremlin về phương Tây”. Theo kịch bản, nước này nhận được sự hỗ trợ của hai quốc gia khác là Lubeniya và Vesbasriya. Một số nhà quan sát trong khu vực không ngần ngại khi cho rằng, ba quốc gia “tưởng tượng” này đại diện cho các nước Baltic có cùng biên giới với Nga.
“Các lực lượng vũ trang bất hợp pháp được nước ngoài chống lưng, cung cấp vũ khí, hải quân và không quân,” Bộ Quốc phòng Nga tóm tắt tình huống giả định. “Để vô hiệu hóa đối thủ, các lực lượng chiến đấu mặt đất sẽ được triển khai nhằm cắt đứt đường tiếp cận biển và ngăn chặn các hành lang hàng không trong khu vực, cùng với sự hỗ trợ của lực lượng phòng không, không quân và hải quân.”
Cuộc tập trận được phía Nga khẳng định là “mang tính chất phòng thủ” và “không đại diện cho bất kỳ mối đe dọa nào đến cộng đồng châu Âu hay các nước láng giềng.”
Tập trận Zapad giữa Nga và Belarus chính thức bắt đầu hôm nay (14/9) |
Các “hàng xóm” của Nga e ngại điều gì?
Mặc dù các cuộc tập trận không phải là một điều xa lạ - bản thân NATO cũng tiến hành tập trận tại các nước Baltic, tuy nhiên, tập trận Zapad 2017 lại khiến nhiều quốc gia trong khu vực cảm thấy lo lắng. Mối e ngại đầu tiên là Zapad 2017 có thể trở thành “con ngựa thành Troya”, giúp Moscow để lại phía sau một số lượng nhất định binh lính và thiết bị quân sự được triển khai trong quá trình tập trận.
“Chúng ta không thể bình tĩnh được,” Bộ trưởng Quốc phòng Lithuania nói với phóng viên. “Đó là một cuộc triển khai quân đội ngoại quốc lớn ngay cạnh lãnh thổ của Lithuania.”
Một số nước phương Tây đã kêu gọi Nga minh bạch hơn trong hành động của mình. “Với thêm nhiều hành động quân sự dọc theo biên giới trên không, trên bộ và trên biển của chúng tôi, nguy cơ xảy ra xô xát, tai nạn và hay tính toán nhầm đang gia tăng,” Tổng thư ký NATO General Jens Stoltenberg chia sẻ với tờ Washington Post. “Minh bạch là cách tốt nhất để tránh xa những xô xát và tai nạn.”
Bốn đơn vị quân đội của NATO – trong đó có cả binh lính Mỹ - đã được đặt trong tình trạng cảnh báo tại các quốc gia Baltic và Ba Lan; trong khi máy bay Mỹ sẽ tuần tra trên không phận Baltic. Ba Lan cũng đã đóng cửa vùng không phận gần Kaliningrad.
Tại Latvia, Ngoại trưởng nước này Edgars Rinkevics cho biết, các nhà lãnh đạo Latvia “không hoảng sợ” nhưng đang “thận trọng” bởi vì “những gì chúng ta nhìn thấy là cuộc tập trận mang tính tấn công…, họ đang tập trận chống lại ít nhất bốn thành viên NATO…”
Ngay trong Belarus, tuần trước, phe đối lập đã tổ chức biểu tình phản đối việc một số lượng lớn quân đội Nga hiện diện trên lãnh thổ nước này.
Zapad 2017 có ý nghĩa gì với Nga?
Tờ Washington Post đánh giá, so với bốn năm trước, tại Zapad 2017, Nga đang ở trong một tư thế tự tin hơn nhiều. Chiến dịch tại Syria là cơ hội tuyệt vời để chứng tỏ khả năng quân sự đang ngày càng được mở rộng của Nga.
Tổng thống Putin đang chủ trì công cuộc “khôi phục lại niềm tự hào Nga đối với lực lượng vũ trang của mình,” Michael Kofman, học giả cấp cao của CAN Corp. nói. Theo ông, cuộc tập trận là một ví dụ khác về việc người Nga “đang cố gắng để chứng tỏ bản thân như một cường quốc trong hệ thống quốc tế,” nơi mối quan hệ giữa Moscow và các nước phương Tây được nhìn nhận là thiếu sự tin tưởng.
“Trong khi Zapad 2017 gần như chắc chắc sẽ không tạo ra một điểm nóng quân sự,” Simon Saradzhyan đến từ Trung tâm Belfer về các vấn đề Khoa học và Quốc tế, thuộc Đại học Harvard nói, “nhiều khả năng xung đột sẽ tiếp tục kéo dài, chừng nào tình trạng thù địch giữa hai bên không được giải quyết.”
(Theo Washington Post)