(Tổ Quốc) - Những cái chết đầy bất ngờ ở làng Trung Trinh khiến người dân nơi đây hoang mang, cứ đi khám là bệnh ung thư đã ở giai đoạn cuối. Dân nơi đây họ chỉ biết trút những thở dài đầy bất lực và cam chịu mà phó mặc cho số phận.
- 13.07.2018 Làng giấy Phong Khê gồng mình chống chọi với căn bệnh ung thư
- 21.12.2016 Công bố kết quả xét nghiệm tại 10 “làng ung thư” tại 9 địa phương
- 04.08.2016 Bộ Y tế đề nghị xác minh “Núi rác thải y tế chình ình giữa làng ung thư”
- 27.11.2010 Lời khẩn cầu của “làng ung thư” Bắc Thành
- 01.11.2009 Xứ Thanh lại xuất hiện thêm làng ung thư?
"Án tử" lơ lửng trên đầu
Chỉ còn mươi ngày nữa là đến Tết nguyên đán, nhưng trên con đường ngoằn nghèo dẫn vào xóm nhỏ mang tên Trung Trinh, xã Việt Xuyên, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) vắng lặng, không khí lạnh lẽo đến nổi gai ốc. Lòng vòng qua xóm nhỏ, nhà nhà đóng cửa cài then, hiếm hoi lắm mới bắt gặp được nụ cười của đứa trẻ, tuy nhiên đó lại là tiếng cười trong vô thức của đôi chị em bị bại não.
Theo người dân trong thôn, khoảng 10 năm trở lại đây, người tại làng này chết vì bị ung thư khá nhiều. Những thanh niên trai tráng đang khỏe mạnh bỗng dưng lăn đùng ra ốm, đi khám thì ung thư giai đoạn cuối. Họ cho rằng nguyên nhân dẫn đến làng phát bệnh ung thư nhiều là do kho thuốc trừ sâu.
Người dân chỉ tay về kho thuốc trừ sâu, nguyên nhân gây ung thư cho cả làng!?.
Dẫn chứng là nhà bà Nguyễn Thị Lý (SN 1970) khi bố mẹ chồng, đến anh trai chồng rồi đến chồng đều vì ung thư mà chết. Giờ đây một mình bà lại chống chọi với số phận khi phải chăm hai cô con gái Nguyễn Thị Loan (SN 1993) và Nguyễn Thị Lợi (SN 1993) bị bại não.
Bà Lý tự nhận mình là người đàn bà "trời đày" bởi nhiều năm về làm dâu ở vùng đất này chưa bao giờ được sống trong cảnh sung túc. Năm 1989 bà kết hôn cùng ông Nguyễn Trọng Hoan rồi về Trung Trinh sinh sống. Thời điểm ấy nhiều người bàn tán về kho thuốc trừ sâu, nhưng lúc ấy trình độ dân trí còn thấp, không lo nghĩ gì mà cứ canh tác, nuôi trồng cạnh kho thuốc.
Năm 1990, vợ chồng bà Lý hạnh phúc khi sinh được một cậu con trai và đặt tên là Nguyễn Trọng Tấn (SN 1991). Hạnh phúc viên mãn khi năm 1993, vợ chồng hạ sinh cô con gái đặt tên là Loan. Thế nhưng đau xót thay, Loan cứ lớn nhưng tâm tính lại không được bình thường, khóc suốt ngày, suốt đêm. Bà Lý cùng chồng chạy ngược xuôi tìm bệnh viện, thầy lang bắt thuốc cho con gái, nhưng cũng không lành.
Đến năm 6 tuổi, khi các bạn được đến lớp, Loan chỉ ở nhà, khóc và không nói được. Đi khám thì bác sĩ kết luận bị bại não do ảnh hưởng từ trong thai nhi. Nghe tin, đôi vợ chồng nghèo như chết đứng.
Với mong muốn có thêm người con để vui cửa nhà, năm 2007, hai vợ chồng sinh thêm một cô con gái, thế nhưng thật đau xót khi cô em lại bị bệnh giống cô chị. Rồi ước mong được con gái gọi tên cha, mẹ bỗng nhiên vụt mất.
"Giá như ngày đó tôi hiểu chuyện, lúc mang thai không dùng nước tại đây sinh hoạt thì chắc con cái không bị như vậy. Ngày đó múc nước dưới giếng lên sử dụng, có mùi thuốc trừ sâu nhưng vẫn dùng vì cả làng đều như vậy", bà Lý ngậm ngùi nói.
Bà Lý đau xót khi kể về những nỗi đau gia đình mình gánh chịu.
Bà Lý kể tiếp, năm 2011, chồng bà chết vì bị ung thư, giờ đến thằng con trai đầu cũng đang bị bệnh về vòm họng, nói đến đây, đôi mắt người đàn bà nghèo khổ đỏ hoen. Chỉ tay về kho thuốc bà Lý nói: "Nguyên nhân khiến gia đình bà bị như vậy là do kho thuốc sâu"!?.
Cũng sống cạnh đây, vợ chồng ông Trần Văn Đường đã chết khoảng 8 năm nay vì ung thư, nay để lại căn nhà hoang rêu phủ xanh ở cuối xóm. Cái chết vì ung thư mỗi năm lại tăng lên nên mỗi lần đi khám, dân làng phát sợ vì lo sợ "thần chết" gọi trúng tên mình.
10 năm, gần 60 người chết vì ung thư
Dù nhiều năm trôi qua, nhưng nỗi đau mất đi người thân vẫn còn hằn nguyên trên khuôn mặt của anh Trần Văn Bằng (SN 1982, con trai ông Đường). Kể từ ngày bố mẹ mất vì ung thư, anh cùng vợ chuyển đi chỗ khác ở vì ngôi nhà cũ của gia đình sát kho thuốc sâu, không thể sinh sống được..
"Người chết nay nhiều lắm, bệnh này nó không chừa một ai, già trẻ, gái trai gì thấy đau mà đi khám là cứ thấy bệnh đã ở giai đoạn cuối. Mấy năm nay ung thư ngày càng trẻ hóa, những thanh niên đang khỏe mạnh bỗng nhiên ốm khi đi khám mới phát hiện ung thư", anh Bằng chia sẻ.
Trước thực trạng trên, nhiều người dân khi tiếp xúc với phóng viên cho biết, họ rất hoang mang, lo sợ. Nhưng để ngăn chặn căn bệnh ấy họ cũng chẳng biết phải làm thế nào nên đành phó mặc cho số phận, cầu mong "thần chết" không gõ cửa nhà mình.
Ngôi nhà hoang của ông Trần Đường cạnh kho thuốc sâu.
Dẫn chúng tôi về cạnh kho thuốc sâu, ông Nguyễn Hữu Kỳ - Bí thư Chi bộ thôn Trung Trinh, cho biết vùng này giờ đã san lấp, cây cối mọc um tùm. Từ những năm 1965, làng Trung Trinh là nơi đơn vị Vật tư Nông nghiệp Thạch Hà đặt 3 kho chứa thuốc trừ sâu DDT và 666. Đến năm 1972, một trong 3 kho thuốc sâu bị bom giặc nổ phá tan tành.
"Chừng 10 năm trở lại đây, trong thôn đã có 58 trường hợp chết vì bệnh ung thư, trong đó ảm đạm nhất là năm 2016, 2017, năm nào cũng có chục người cả già lẫn trẻ chết vì ung thư", ông Kỳ cho hay.
Cũng theo ông Kỳ, ngoài 58 người chết, hiện nay có khoảng 7-8 đứa trẻ bị dị tật, 4 người đang điều trị ung thư.
Liên quan đến thực trạng này, ông Trần Sỹ Anh - Chủ tịch UBND xã Việt Xuyên cho biết, trong các cuộc họp, chính quyền địa phương đề xuất lên phương án nhằm giảm thiểu nguy cơ bệnh ung thư.
"Các đoàn chuyên ngành đều khuyến cáo người dân không nên sử dụng nguồn nước và trồng rau màu trên vùng đất này. Hiện nay ngoài việc hỗ trợ cung cấp nguồn nước máy và hỗ trợ 10 gia đình 10 tẹc chứa nước thì cơ quan chức năng chưa hề có giải pháp nào hữu hiệu để đẩy lùi nguy cơ mắc bệnh ung thư", chủ tịch UBND xã Việt Xuyên cho hay.