• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bài 4: Lỗ đơn lỗ kép, người nuôi lợn tính kế “treo chuồng”

Kinh tế 14/04/2017 13:47

(Tổ Quốc) -Việc giá lợn giảm thê thảm, hộ nuôi lợn khó khăn một thì các trang trại còn chồng chất những khó khăn khi cùng lúc lại phải nuôi cả lợn mẹ và lợn con.

Vừa nuôi vừa thấp thỏm nghe ngóng

Mặc dù đã xoay đủ kiểu để tìm đầu ra cho lợn, từ tự tay giết mổ rồi đi bán, chế biến thành các món ăn khác từ lợn (giò, ruốc, xúc xích…) nhưng cuối ngày người chăn nuôi tính ra vẫn lỗ. Nếu một con lợn từ lúc nuôi đến khi xuất chuồng lỗ trong khoảng 1-1,5 triệu đồng thì khi tự bán, số lỗ đó sẽ giảm còn khoảng trên dưới 500 nghìn cùng với số thịt thừa.

Biện pháp được người chăn nuôi lựa chọn lúc này là giảm đàn. Với những hộ nuôi lợn thịt thì bằng cách này hay cách khác việc giảm đàn sẽ nhanh chóng được thực hiện.

Chị Lâm (Đông Anh, Hà Nội) cho biết, hơn 20 năm chỉ chung thủy với nuôi lợn thì nay, lợn có rẻ chị vẫn tiếp tục nuôi, tất nhiên sẽ phải giảm đàn. Theo chị Lâm, nuôi lợn đã thành một phần công việc hàng ngày của mình, nếu không nuôi thì thời gian rảnh rỗi chả biết để làm gì. Hơn nữa, nuôi lợn còn để tận dụng cơm thừa canh cặn.

Tương tự gia đình chị Lâm, anh Luân cũng cho biết dù lợn đã và đang rớt giá thảm hại nhưng anh vẫn nuôi, chỉ thu hẹp quy mô. Lý do là lợn nái nhà anh đẻ được một đàn mà bán lợn giống thì quá rẻ, càng để lâu lại càng chẳng ai mua, nên anh quyết định giữ lại nuôi vừa để giải quyết công việc lúc nông nhàn, thức ăn thừa, vừa hi vọng và chờ đợi, biết đâu đàn lợn này lớn mấy tháng nữa giá lợn lại tăng vù vù.

Ảnh minh họa. Nguồn internet.

Nhiều hộ gia đình nuôi lợn với quy mô nhỏ lẻ chưa nhận thấy dấu hiệu phục hồi của giá lợn đã bỏ nuôi lợn, để chuồng không. Họ lý giải sau mấy tháng vất vả nuôi lợn mà xoay kiểu gì cũng lỗ thì… nghỉ cho khỏe. Một số hộ tận dụng chuồng trại chuyển sang nuôi ngan, vịt…

Không dễ thu hẹp hay chuyển đổi đối với trang trại quy mô lớn

Tuy nhiên, với những trang trại nuôi lợn nái lên đến vài trăm con thì việc giảm đàn rất khó khăn. Trang trại nhà anh Đoàn Quế (Đông Anh, Hà Nội) với hơn 200 lợn nái hiện giờ đang rơi vào tình cảnh “càng giảm lại càng tăng”. Bởi không chỉ lợn thịt, mà lợn nái, lợn giống thời điểm này đều rất khó tìm đầu ra. Có thể chuyển lợn nái thành lợn thịt với những con đã già, năng suất kém… nhưng những con đang chửa hoặc đẻ thì không còn cách nào khác phải giữ lại lợn mẹ và nuôi cả… lợn con!. Vì thế có khi giảm được một lợn nái lại tăng thêm số lượng cả đàn mới từ lợn giống “ế ẩm” gấp nhiều lần.

Có cùng hoàn cảnh với trang trại nhà anh Đoàn Quế, trang trại nhà anh Hiệu cũng với 200 con lợn nái nhưng có đến 1.200 con lợn con các loại từ mới đẻ đến 25 kg. Bình thường, khi lợn không rớt giá thì chỉ tầm 7 – 10kg là trang trại đã bán hết lợn con và chỉ tập trung đầu tư lợn nái. Tuy nhiên cả tháng nay, trang trại nhà anh không bán được lợn con nên mới có tình trạng tồn đọng số lợn con gấp đến 6 lần lợn mẹ và phải cùng lúc nuôi cả lợn nái, lợn thịt.

Những trang trại lợn nái muốn giảm đàn, nhưng giảm chưa thấy đâu lại phải nuôi thêm cả đàn lợn con. Ảnh minh họa. Nguồn biospring.com.vn

Hiện tại, với số lợn trên, trung bình một ngày anh Hiệu phải cung cấp khoảng 6 tạ thức ăn cho lợn nái và 8 tạ thức ăn cho lợn con. Mặc dù thức ăn công nghiệp đắt hơn thức ăn thông thường nhưng vì lợn bé, cộng với số lượng nhiều nên thức ăn công nghiệp vẫn là thích hợp nhất. Tuy nhiên, thời điểm này lợn con vẫn còn ăn ít, nếu sau một tháng nữa khi lợn con đến tầm lớn nhanh thì anh Hiệu cũng chưa biết xoay sở thế nào. Đến khi nào lợn con bán được thì anh mới có thể hạch toán được số lỗ là nhiều hay ít. phụ thuộc vào giá cả

Không chỉ khó khăn trong việc giảm đàn mà còn khó khăn khi chuyển đổi chăn nuôi từ lợn sang gia cầm như gà, vịt… Bởi chăn nuôi con gì thì cũng phải có mặt bằng, trong khi lợn còn đang sinh sôi nảy nở thêm vì việc ngày một ngày hai có mặt bằng là điều không tưởng. Cộng với đó là vốn, củng cố chuồng trại phù hợp với đặc điểm riêng từng giống vật nuôi càng khiến người chăn nuôi rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Anh Quế tiết lộ, mỗi tháng chỉ tính riêng chi phí cho trang trại lợn đã lên đến gần 600 triệu và trang trại nhà anh đang ở trong thời điểm khó khăn nhất.

Còn anh Hiệu cho biết, với mỗi con lợn nái bỏ tiền đầu tư hết khoảng 25 triệu, trong đó chuồng trại và thiết bị đi kèm là 10 triệu. Nếu giờ bán lợn nái đi, mỗi con cao lắm được 10 triệu mà các thiết bị đi kèm chỉ bán với giá sắt vụn. Nhưng nếu cứ nuôi như thế này kéo dài vài năm mà tình trạng không cải thiện được thì sẽ mất trắng cả gốc lẫn lãi.

Việc giá lợn giảm thê thảm, hộ nuôi lợn khó khăn một thì các trang trại còn chồng chất những khó khăn khi cùng lúc lại phải nuôi cả lợn mẹ và lợn con.

Mong muốn lớn nhất của các chủ trang trại lợn hiện nay là tìm được đầu ra cho lợn, cùng với đó là việc nhập khẩu thịt gia súc gia cầm hợp lý để người chăn nuôi trong nước không bị vỡ trận ngay trên “sân nhà”.

Nhị Xuân

NỔI BẬT TRANG CHỦ