• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ban lãnh đạo mới Trung Quốc với tầm nhìn dài hạn

Thế giới 27/10/2017 06:20

(Tổ Quốc) - Nhân sự cấp cao thể hiện sự thỏa hiệp, củng cố sự lãnh đạo của Tập Cận Bình.   

 Ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ nhất BCHTW ĐCS Trung Quốc đã họp bầu ra ban lãnh đạo khóa 19.

Thành phần ban lãnh đạo mới

Ban Thường vụ Bộ chính trị gồm 7 người, số lượng như khóa 18, gồm: Tập Cận Bình (sinh 1953), Lý Khắc Cường (1955), Giả Chiến Thư (1950), Uông Dương (1955), Vương Hộ Ninh (1955), Triệu Lạc Tế (1957), Hàn Chính (1954).


7 nhân vật trong Thường vụ BCT khóa 19

Bộ Chính trị gồm 25 người, số lượng như khóa 18, gồm: Đinh Tiết Tường, Tập Cận Bình, Vương Chấn, Vương Hộ Ninh, Lưu Hạc, Hứa Kỳ Lượng, Tôn Xuân Lan (nữ), Lý Hi, Lý Cường, Lý Khắc Cường, Lý Hồng Trung, Dương Khiết Trì, Dương Hiểu Độ, Uông Dương, Trương Hựu Hiệp, Trần Hi, Trần Toàn Quốc, Trần Mẫn Nhĩ, Triệu Lạc Tế, Hồ Xuân Hoa, Lật Chiến Thư, Quách Thanh Côn, Hoàng Khôn Minh, Hàn Chính, Thái Kỳ.

Ban Bí thư trung ương gồm 6 người: Vương Hộ Ninh, Đinh Tiết Tường, Dương Hiểu Độ, Trần Hi, Quách Thanh Côn, Vưu Quyền.

Quân ủy trung ương gồm 7 người, số lượng rút bớt 2 người so với khóa 18, gồm: Chủ tịch: Tập Cận Bình; Phó Chủ tịch : Hứa Kỳ Lượng, Trương Hựu Hiệp. Ủy viên: Ngụy Phong Hòa (Tư lệnh lực lượng tên lửa); Lý Tác Thành (Tư lệnh Lục quân); Miêu Hoa (Bộ trưởng Bộ Công tác chính trị Quân ủy trung ương); Trương Thăng Dân (Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Quân ủy trung ương).

 Dự kiến phân công trong Thường vụ BCT: Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường giữ nguyên chức vụ. Lật Chiến Thư: Chủ tịch Quốc hội; Uông Dương: Chủ tịch Chính Hiệp; Vương Hộ Ninh: Thường trực Ban bí thư; Triệu Lạc Tế: Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương (thay Vương Kỳ Sơn); Hàn Chính: Phó Thủ tướng thường trực.

Củng cố nhân sự cấp cao giải quyết nhiệm vụ mới theo tầm nhìn dài hạn

Ban lãnh đạo mới có trình độ học thức tương đối cao, một số là những chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực chuyên môn. Ông Tập Cận Bình đã đặt được các nhân vật thân cận vào những chức vụ quan trọng nhất trong tầng quyết sách Trung Quốc. 15 ủy viên Bộ chính trị mới đều là thân tín của ông Tập hoặc được ông Tập đưa lên. Cùng với “Tư tưởng CNXH đặc sắc Trung Quốc thời đại mới Tập Cận Bình” được đưa vào Điều lệ Đảng sẽ làm cho quyền lực của Tập Cận Bình trong Đảng, nhà nước và quân đội Trung Quốc được vững chắc hơn.

Một điểm đáng chú ý đối với giới quan sát về Đại hội lần này là không có người nào được chọn để kế nhiệm ông Tập. Theo các nhà phân tích, việc lựa chọn đội ngũ lãnh đạo này cho thấy ông Tập vẫn coi trọng các quy tắc chính trị và sự tiếp nối. Hàng ngũ mới cho thấy ông Tập đã cẩn thận khi không phá vỡ quy tắc về tuổi và đi theo trật tự thứ bậc. Những quy tắc chính trị đó được cho là rất quan trọng để một Đảng gồm 89 triệu đảng viên đạt được đồng thuận từ cấp cao nhất và bảo đảm tính ổn định.

 Duy trì một nước hai chế độ: Ông Tập Cận Bình tại Hong Kong 30/6/2017.

Các ông Hồ Xuân Hoa và Trần Mẫn Nhĩ là những nhân vật trẻ tuổi, từng được cho là những lãnh đạo kế nhiệm cho thế hệ thứ 6, đã không vào Thường vụ BCT, cho thấy ông Tập thỏa hiệp để giữ hòa khí trong Đảng. Trần Mẫn Nhĩ, Bí thư Trùng Khánh, có công lớn trong việc tuyên truyền, khuếch trương “tư tưởng Tập Cận Bình”, được ông Tập chú trọng bồi dưỡng.

 Ông Vương Kỳ Sơn không tham gia BCHTW nhưng có thể vẫn được trọng dụng trong Ủy ban Giám sát Quốc gia sẽ được thành lập sau Đại hội 19. Ông Triệu Lạc Tế rất gần gũi với Vương Kỳ Sơn.

 Quân đội vẫn có hai đaị diện trong Bộ chính trị như khóa 18

Ông Dương Khiết Trì (67 tuổi), sát tuổi nghỉ hưu, Ủy viên Quốc vụ phụ trách đối ngoại, cũng là mưu sĩ của ông Tập về đối ngoại, có công trong xử lý quan hệ với chính quyền Trump, lần này vào BCT, đánh dấu một sự phá lệ vì đã ba kỳ đại hội, ngành ngoại giao không có chân trong BCT. Ông Dương cũng có công trong việc đề xuất “Tư tưởng Tập Cận Bình về đối ngoại”. Ông Dương có thể trở thành Phó Thủ tướng phụ trách đối ngoại. Chức vụ này trước kia bỏ, nay có thể khôi phục, phù hợp với tầm vóc mới của hoạt động đối ngoại của Trung Quốc “thời đại mới”.

Ông Tập Cận Bình đã xác định tầm nhìn của mình đưa Trung Quốc thành cường quốc hiện đại xã hội chủ nghĩa giàu mạnh vào năm 2050 và dẫn dắt nước này vượt qua những thách thức trong một thế giới đầy bất định. Ông Tập khẳng định sự phát triển của Trung Quốc đã bước vào kỷ nguyên mới.

Theo giới phân tích Trung Quốc, những gương mặt mới trong Bộ Chính trị cho thấy ông Tập mong muốn có sự tiếp nối và đồng thuận, nhưng cũng là sự chuẩn bị nền tảng cho những thay đổi lớn hơn trong tương lai./.

 

Lưu Việt

NỔI BẬT TRANG CHỦ