• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bất ngờ “hành trang” Nga cho cuộc chiến tiếp theo Israel và Hezbollah?

Thế giới 08/10/2017 16:59

(Tổ Quốc) - Những gì Nga thể hiện trong cuộc xung đột có thể xảy ra tiếp theo giữa Israel và Hezbollah, sẽ rất đặc biệt.  

Tạp chí Foreign Policy nhận định, trong khi tình hình tại Syria còn chưa ngã ngũ, các nhà hoạch định chính sách Israel đã bắt đầu nghĩ tới viễn cảnh một cuộc chiến tranh khác với Hezbollah – nhóm vũ trang người Shiite và là đồng minh thân cận với Chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Một cuộc chiến tranh giữa Israel và Hezbollah sẽ là không thể tránh khỏi?

Lần đụng độ cuối cùng giữa Israel và Hezbollah diễn ra từ năm 2006, đã đem lại hơn một thập kỳ lặng yên cho vùng biên giới phía bắc của Israel. Tuy nhiên, trong hơn 10 năm qua, Hezbollah không chỉ lớn mạnh về số lượng, mà cũng đã kịp thời mở rộng năng lực chiến đấu, đồng thời củng cố vị thế chính trị của mình tại Lebanon.

Một cuộc chiến mới có thể bùng nổ từ nhiều nguyên do khác nhau: nếu một trong hai bên phát sinh leo thang xung đột ngoài dự kiến; nếu một trong hai bên lợi dụng điểm yếu của bên kia để tấn công; hoặc nếu một trong hai bên có hành động nào vượt qua giới hạn đỏ của bên còn lại.

Các chiến lược gia Israel không băn khoăn về khả năng xảy ra một cuộc xung đột với Hezbollah. Điều họ còn phân vân, chính là nước Nga – một đồng minh sát cánh cùng Iran và Hezbollad tại Syria, sẽ nhìn nhận cuộc chiến này như thế nào. Mặc dù gần đây Israel đã tăng cường các cuộc không kích vào Hezbollah tại cả Lebanon và Syria, nhưng cho đến thời điểm hiện tại, chính quyền của Thủ tướng Benjamin Netanyahu vẫn duy trì được một quan hệ “thuận hoà” với Điện Kremlin, thông qua những lần tiếp xúc cá nhân với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Theo Foreign Policy, tình trạng này có thể sẽ không còn tồn tại nếu cuộc xung đột tiếp theo xảy ra. Nếu những căng thẳng giữa Israel và Hezbollah “động chạm” đến lợi ích của Nga, Moscow sẽ tìm cách hạn chế hành động của cả hai bên và tham gia vào quá trình dàn xếp xung đột. Điện Kremlin có lẽ cũng sẽ tận dụng cơ hội này để cải thiện danh tiếng và nâng cao ảnh hưởng của mình tại Trung Đông.

Ưu tiên của Moscow

Trước tình hình Syria đang đi theo chiều hướng dần ổn định, cuộc chạy đua tranh giành ảnh hưởng giữa Nga và Iran tại đây, cũng bắt đầu tăng tốc. Moscow muốn bảo vệ lợi ích của mình trong mọi tình huống có thể xảy ra, ngay cả khi Tổng thống Assad bị thay thế hoặc Syria bị phân chia. Iran mong muốn sức mạnh của mình ngày một gia tăng trong khu vực Levant (một thuật ngữ lịch sử dùng để chỉ khu vực rộng lớn phía đông Địa Trung Hải). Cả hai đều tìm kiếm những vai trò quân sự lâu dài tại Syria và ảnh hưởng địa chính trị tại Trung Đông. Tuy nhiên, một núi khó có thể chứa hai hổ.

Tham vọng của Iran có thể sẽ khiến Nga phải “nhíu mày”. Điện Kremlin chắc hẳn sẽ muốn hạn chế sự bành trướng của Iran nhưng lại không ảnh hưởng tới mối quan hệ đồng minh giữa hai nước. Điều này tương đương với việc, sự hiện diện của Iran và Hezbollah tại Syria không quá mạnh, mà cũng không quá yếu.

Israel có thể “hữu tình” hoặc “vô tình” góp phần hiện thực hoá mục tiêu trên của Nga. Nếu xung đột xảy ra giữa Israel và Hezbollah, Moscow có lẽ sẽ để Iran và Hezbollah tham gia nhằm làm yếu vị thế của họ. Tuy nhiên, Điện Kremlin cũng có thể ngăn cản Israel có được một chiến thắng hoàn toàn, bởi vì Nga vẫn cần phải có Hezbollah trong vai trò một “người chơi” chiến lược tại khu vực. Với việc dàn xếp cuộc xung đột, Nga có thể chứng minh rằng, họ sánh ngang, thậm chí vượt qua Mỹ tại Trung Đông.

Kết quả tốt nhất cho chính quyền ông Putin, chính là một cuộc chiến tranh ngắn, nhanh chóng kết thúc và cho phép cả Israel và Hezbollah đều là người chiến thắng, sau khi Nga hoàn thành sứ mệnh hoà giải của mình. Trường hợp xấu nhất chính là Lebanon bị tan rã – một viễn cảnh có thể biến đất nước này thành một chảo lửa, sản sinh ra những tay súng cực đoan; hoặc bạo lực lan ra cao nguyên Golan tại Syria, làm ảnh hướng đến tiến trình hoà bình Syria và khiến khu vực bất ổn. 

Quân lính Hezbollah tại Lebanon năm 2013

Một chiến thắng toàn diện cho Hezbollah cũng không phải là điều mà Moscow mong muốn bởi vì nó có thể dẫn đến việc nhóm này có ý nghĩ “vượt mặt” Nga. Còn nếu Hezbollah thất bại hoàn toàn và tổn thất nặng nề, Nga lại trở thành một đồng minh không hề đáng tin cậy. Cho dù kết quả nào xảy ra, Moscow đều có thể sẽ “đóng băng” cuộc xung đột. Điều này sẽ đòi hỏi khả năng “điều khiển” cho mối căng thẳng giữa các bên đủ nhiều để vai trò hoà giải, “môi giới” của Nga không bị lu mờ; tuy nhiên, lại không được quá nóng khiến chiến tranh xảy ra. Việc duy trì được trạng thái ổn định tại Lebanon sẽ gia tăng sự phụ thuộc của các bên vào Nga. Do vậy, xung đột giữa Israel và Hezbollah có thể tạo ra cơ hội cho Nga, chừng nào Moscow có thể ngăn ngừng được tình huống leo thang phản tác dụng.

Israel sẽ rời Mỹ, quay trở về Nga?

Foreign Policy khẳng định, sự tham gia của Nga trong cuộc chiến tiếp theo là điều không thể tránh. Cho đến lúc này, Israel vẫn hướng về Mỹ mỗi khi có khủng hoảng. Tuy nhiên, tình trạng bất ổn của chính quyền Washington hiện nay và các mối quan hệ của Nga trong khu vực, có thể sẽ khiến vai trò của Moscow trong mắt Israel, ngày càng trở nên rõ nét và có trọng lượng hơn. Cũng nên lưu ý rằng, cả Israel và Nga đều đã tiến hành những trao đổi về chính trị và quân sự ở cấp song phương.

Nếu Israel tìm đến Nga, đó sẽ là đầu tiên kể từ năm 1967, khi Israel “nhờ cậy” đến sự giúp đỡ của Liên Xô – lúc đó còn là một siêu cường – để ngăn cản cuộc Chiến tranh 6 ngày. Điều này sẽ đồng nghĩa với việc, chỉ sau một vài năm can thiệp tại Syria, Tổng thống Vladimir Putin đã giúp Nga khôi phục lại hoàn toàn vị thế của mình tại Trung Đông, vốn dĩ bị mất đi từ năm thập kỷ trước.

Trong trường hợp chiến tranh xảy ra giữa Israel và Hezbollah, bên thắng cuộc gần như chắc chắn sẽ là nước Nga.

(Theo Foreign Policy)

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ