• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Có tiền mà không tiêu hết được”, đến bao giờ mới dứt điểm được tình trạng này ?

Kinh tế 18/07/2017 18:19

(Tổ Quốc) -Tiền treo – có tiền nhưng không tiêu được đang là thực tế diễn ra trong đầu tư công làm ảnh hưởng đến nền kinh tế. 

Không đâu như ở nước ta, Chính phủ luôn tìm cách thắt chặt chi tiêu vì ngân sách ngày càng hạn hẹp, dù eo hẹp nhưng Chính phủ đã cấp tiền ngân sách cho các đơn vị chi tiêu, giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch nhưng cũng không tiêu hết được. Đến nỗi Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ thẳng thắn nói ra điều ông không mong muốn là "Chúng ta có tiền mà không tiêu hết được", đây là trách nhiệm của Chính phủ và hứa trước Quốc hội sẽ làm tốt hơn trong thời gian tới. Vậy là lỗi do đâu ? Do yếu kém ở cán bộ công chức thực thi nhiệm vụ giải ngân hay do sợ trách nhiệm về chi tiêu ngân sách ?!

Theo báo cáo Bộ tài chính kết quả giải ngân trong 6 tháng đầu năm đạt xấp xỉ 91.400 tỷ đồng, chỉ bằng 25,6% kế hoạch Quốc hội quyết định.

6 tháng đầu năm được hiểu là chặng đường nửa thời gian của một năm đã qua, nhưng việc giải ngân vốn lại chỉ nhỉnh hơn ¼. Như vậy, trong vòng 6 tháng cuối năm, nếu việc giải ngân không tăng tốc ¾ thì e rằng mục tiêu cả năm đã đặt ra sẽ vô cùng khó mới có thể đạt được.

Chúng ta thường quan niệm “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” . Khi triển khai một dự án, hẳn nhiều người đặt ra vấn đề vốn đầu tiên có vai trò quan trọng như thế nào. Thậm chí có những dự án, nếu không có vốn thì chỉ là dự án giấy bị đút vào ngăn kéo vô thời hạn. Hoặc khi đã được rót vốn nhưng thiếu đồng bộ thì rất dễ bị dở dang, kéo dài thời gian. Thế mà ở đây lại có một nghịch lý; đã huy động được tiền, được vốn nhưng chưa thể giải ngân. Và tiền bỗng trở thành… tiền treo!. Tiền không được lưu thông trên thị trường, không được tham gia triển khai các dự án lớn nhỏ mà nằm im một chỗ.

Ảnh minh họa. Nguồn laodong.com.vn

 

Nguyên nhân của việc giải ngân chậm được các nhà kinh tế đưa ra không ít. Có ý kiến cho rằng, khi chưa có Luật Đầu tư công thì việc giải ngân còn gây thất thoát, lãng phí và dàn trải. Nhưng khi thực hiện Luật Đầu tư công thì thủ tục hành chính để giải ngân vốn đầu tư cho các dự án còn rườm rà.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã rất gay gắt và quyết liệt trong việc các đơn vị chậm triển khai đầu tư công. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể. Nếu các đơn vị không làm sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét kỷ luật. Đồng thời yêu cầu Văn phòng Chính phủ soạn thảo công văn truyền đạt tới các bộ, ngành, địa phương có đánh giá độc lập trong việc thực hiện và đề xuất sửa đổi pháp luật liên quan đến đến đầu tư công. Điều này có nghĩa là việc chậm giao vốn còn “vướng mắc” ở khâu nào thì phải dứt điểm xử lý ở khâu đó, kể cả Luật đã ban hành và đã đi vào hoạt động.

Đây có thể xem là những việc chỉ đạo sát sao của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Không chỉ giải quyết trước mắt mà còn giải quyết mang tính lâu dài, tìm ra mấu chốt quan trọng của việc chậm giải ngân trong đầu tư công từ trong Luật để phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Nếu như kinh tế cá thể, hộ gia đình với quy mô nhỏ với dăm ba người tham gia, thì việc thực hiện chậm chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới họ. Còn đầu tư công của một đất nước với số vốn hàng trăm nghìn tỉ thì sự ảnh hưởng rất lớn. Không thể cho rằng “cơm không ăn gạo còn đấy”, nghĩa là một khi tiền chưa bỏ ra thì tiền vẫn ở đấy, không đi đâu mà mất. Tuy nhiên chậm giao vốn trong đầu tư công dẫn đến những hệ lụy kinh tế như: ảnh hưởng đến việc làm, thu ngân sách nhà nước, tăng trưởng kinh tế, giảm hiệu quả sử dụng vốn, thu hút vốn bên ngoài, kéo dài các dự án làm bội chi ngân sách, ảnh hưởng đến uy tín… Những hệ lụy nhãn tiền mà trong nhiều năm qua của các dự án chậm giải ngân, đội vốn, kéo dài thời gian đã phơi bày khá rõ. Nếu không giải quyết dứt điểm việc giải ngân chậm trong đầu tư công thì những dự án sẽ tiếp tục đi theo vết theo đổ không mấy sáng sủa đó.

Đây không phải lần đầu tiên đầu tư công bị chậm giải ngân vốn so với dự kiến và kế hoạch đã đề ra. Ngay cả năm ngoái, mặc dù giải ngân 6 tháng đầu năm cao hơn năm nay, nhưng vẫn rất thấp, chưa đến 30%. Vì vậy, việc dứt điểm xử lý giải ngân chậm cần được thực hiện ngay, để tránh gây ra những hệ lụy kinh tế.

Truyền hình từng có gameshow “đừng để tiền rơi” và có lẽ trong đầu tư công thì niềm mong mỏi của nhiều người là “đừng để tiền treo”. 

Có lẽ phải có giải pháp hữu hiệu gây sốc hơn nữa là tạm thời điều chuyển hoặc phải cách chức chứ không chỉ "Xử nghiêm cán bộ làm chậm trễ phân bổ, giải ngân vốn" như chỉ đạo của Phó Thủ tướng thì may ra mới giải quyết được từng bước vấn đề giải ngân vốn chậm.

Nhị Xuân

NỔI BẬT TRANG CHỦ