• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Công bố Quy định điều kiện hành nghề tu bổ di tích

Văn hoá 16/07/2016 13:38

(Tổ Quốc) - Nghị định 61/2016/NĐ-CP quy định điều kiện kinh doanh giám định cổ vật và hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh vừa được Chính phủ ban hành.

Trong đó, về điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề tu bổ di tích, Nghị định nêu rõ: Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề tu bổ di tích (Giấy chứng nhận hành nghề) được cấp cho tổ chức khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định đối với từng trường hợp cụ thể.

Cụ thể, để được cấp Giấy chứng nhận hành nghề lập quy hoạch tu bổ di tích, tổ chức phải đáp ứng điều kiện: Được thành lập theo quy định của pháp luật; có đủ điều kiện hành nghề thiết kế quy hoạch xây dựng theo quy định pháp luật về xây dựng; có ít nhất 2 người được cấp Chứng chỉ hành nghề lập quy hoạch tu bổ di tích.

Nhiều di tích trên cả nước đang có nguy cơ biến mất nếu không được tu bổ (ảnh Dạ Minh)

Để được cấp Giấy chứng nhận hành nghề lập dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích, thiết kế tu bổ di tích, tổ chức phải đáp ứng điều kiện: Được thành lập theo quy định của pháp luật; có đủ điều kiện hành nghề thiết kế xây dựng theo quy định pháp luật về xây dựng; có ít nhất 3 người được cấp Chứng chỉ hành nghề lập dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích, thiết kế tu bổ di tích.

Tổ chức được cấp Giấy chứng nhận hành nghề thi công tu bổ di tích phải đáp ứng điều kiện: Được thành lập theo quy định của pháp luật; có đủ điều kiện năng lực của tổ chức thi công xây dựng theo quy định pháp luật về xây dựng; có ít nhất 3 người được cấp Chứng chỉ hành nghề thi công tu bổ di tích.

Tổ chức được cấp Giấy chứng nhận hành nghề tư vấn giám sát thi công tu bổ di tích phải được thành lập theo quy định của pháp luật; có đủ điều kiện năng lực của tổ chức tư vấn khi giám sát thi công xây dựng công trình theo quy định pháp luật về xây dựng; có ít nhất 2 người được cấp Chứng chỉ hành nghề giám sát thi công tu bổ di tích.

NThiếu nhân lực chuyên nghiệp khiến dư luận không biết việc trùng tu di tích liệu có khiến di tích bị "khoác áo mới" (ảnh Dạ Minh)

Với hơn 3.200 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, hàng vạn di tích cấp tỉnh đã và chưa được xếp hạng, có thể nói, Việt Nam có một khối di sản văn hóa vô cùng lớn. Tuy nhiên, hầu hết công tác trùng tu mới chỉ dừng ở việc chống lại quá trình phế tích hóa chứ chưa đạt được việc bảo tồn và phát huy giá trị. Đội ngũ nguồn nhân lực trong công tác trùng tu di tích đang thiếu và yếu. Bởi thế, mỗi lần có một dự án trùng tu di tích là dư luận lại xôn xao cho rằng “làm mới”, “phá” di tích. Trong khi chưa có một quy chuẩn cho bài toán trùng tu di tích, thì đào tạo nguồn nhân lực chính quy cho công tác này và có quy định cụ thể như Nghị định 61/2016/NĐ-CP là hướng đi đúng đắn để giải bài toán nhân lực tu bổ di tích.

Ông KTS Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích cho biết: “Nhiều năm nay, chúng ta vẫn nói về đội ngũ làm trùng tu di tích không có kiến thức về trùng tu, thậm chí nhiều đơn vị chỉ là những công ty xây dựng bình thường, không có kiến thức, thực tế, chuyên nghiệp về bảo tồn. Người làm bảo tồn phải có kiến thức, sự hiểu biết sâu rộng và kỹ năng làm nghề tốt. Một kiến trúc sư bảo tồn sau khi được đào tạo trở thành kiến trúc sư, cần phải dược bổ sung các kiến thức về lịch sử, văn hóa và bảo tồn di sản thì mới đủ năng lực hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn, trùng tu di tích”./.

Dạ Minh

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ