• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

COVID-19 trước các xung đột nóng toàn cầu, có thật là "kẻ yếu trả thù kẻ mạnh vô lực"?

Thế giới 23/03/2020 10:32

(Tổ Quốc) - Các chuyên gia đưa ra nhiều nhận định khác nhau về tác động của đại dịch COVID-19 tới các điểm nóng xung đột trên thế giới.

Trong bối cảnh các cường quốc đang tập trung phần lớn nguồn lực vào cuộc chiến chống lại virus corona mới – hay còn có tên là COVID-19, các cuộc xung đột vũ trang trên toàn thế giới sẽ thu hẹp hay ngày càng mở rộng? Theo các chuyên gia và nhà ngoại giao tại Liên Hợp Quốc, đang có nhiều tín hiệu cho thấy phần nhiều thực tế lại nghiêng về viễn cảnh thứ hai.

Ông Bertrand Badie, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Viện Nghiên cứu Chính trị Pháp nhận định, đối với các tay súng du kích và các nhóm cực đoan, thời điểm hiện tại "rõ ràng là một cơ hội trời cho".

"Khi mà những cường quốc trở nên vô lực", ông Badie nói với hãng tin AFP, chúng ta có thể chứng kiến "sự trả thù của những kẻ yếu đối với kẻ mạnh".

Trong những ngày gần đây, khoảng 30 binh lính tại quốc gia Tây Phi Mali đã bị thiệt mạng trong một vụ tấn công tại miền bắc nước này. Chính quyền Mali cáo buộc lực lượng đứng sau sự kiện là những kẻ hồi giáo cực đoan.

Tại Libya và khu vực Idlib của Syria – hai đối tượng từng là tâm điểm của ngoại giao quốc tế trước khi COVID-19 bùng phát, chiến sự vẫn tiếp diễn.

Trong một cập nhật trên Twitter, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về các vấn đề chính trị Rosemary DiCarlo kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế và không lợi dụng "những ảnh hưởng tiêu cực tiềm năng của Covid-19 tại Idlib hay bất kỳ nơi nào khác tại Syria". "Nếu bất kỳ ai vẫn cần một cái cớ để dừng chiến tranh tại đó", bà DiCarlo viết, "thì đây [COVID-19] chính là lý do".

Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc tại Yemen Martin Griffiths đưa ra một thỉnh cầu tương tự: "Tại thời điểm khi mà thế giới đang vật lộn với cuộc chiến chống đại dịch, trọng tâm của các bên nên chuyển từ đánh nhau sang thứ khác nhằm đảm bảo cho dân số không phải đối mặt với một nguy cơ thậm chí còn lớn hơn".

Cho tới giờ, các quốc gia như Syria, Libya, Yemen, hay Afghanistan… vẫn chưa phải gánh chịu tác động của COVID-19 nghiêm trọng như tại Trung Quốc, Hàn Quốc hay châu Âu. Tuy nhiên, virus vẫn có khả năng đem tới những hậu quả nghiêm trọng nếu nó thâm nhập vào các nước nghèo và đang có xung đột.

Liên Hợp Quốc quan ngại, do không có được sự trợ giúp từ nước ngoài, hàng "triệu người" có thể thiệt mạng.

Một nhà ngoại giao lưu ý, đại dịch sẽ không trừ bỏ một nhóm người hay một cộng đồng nào bởi vì COVID-19 hiện "đang không thể kiểm soát". "Đại dịch có thể dẫn tới những cuộc xung đột tồi tệ hơn với nguy cơ làm gia tăng dòng di chuyển dân số và khủng hoảng nhân đạo", ông cho hay.

COVID-19 trước các xung đột nóng toàn cầu, có thật là "kẻ yếu trả thù kẻ mạnh vô lực"? - Ảnh 1.

Một bác sỹ tại Vũ Hán đang chăm sóc một em bé có nguy cơ nhiễm COVID-19 (ảnh: AFP)

COVID-19 trước các xung đột nóng toàn cầu, có thật là "kẻ yếu trả thù kẻ mạnh vô lực"? - Ảnh 2.

Quân đội kiểm tra thân nhiệt người dân tại Bali, Indonesia (ảnh: AFP)

COVID-19 trước các xung đột nóng toàn cầu, có thật là "kẻ yếu trả thù kẻ mạnh vô lực"? - Ảnh 3.

Khử trùng một khu vực dân cư tại Phillipines (ảnh: AFP)

COVID-19 trước các xung đột nóng toàn cầu, có thật là "kẻ yếu trả thù kẻ mạnh vô lực"? - Ảnh 4.

Người dân mặc áo mưa và đeo khẩu trang để hạn chế lây nhiễm COVID-19 (ảnh: SCMP)

Không nghe thấy và không nhìn thấy

Một số chuyên gia phân tích, đại dịch cũng có thể "bào mòn" ý chí và năng lực chiến đấu trong những tháng tới của các tay súng.

"Đưa quân vào chiến đấu sẽ khiến cả các quốc gia và các nhóm vũ trang phi quốc gia có nguy cơ nhiễm bệnh, từ đó dẫn đến viễn cảnh thiệt hại to lớn về nhân lực", ông Robert Malley, chủ tịch Nhóm Khủng hoảng Quốc tế chỉ ra.

Ông tin rằng, virus "chắc chắn sẽ thu hẹp năng lực và ý chí của các nước cũng như hệ thống quốc tế, bao gồm Liên Hợp Quốc, các tổ chức khu vực, người tị nạn, các lực lượng gìn giữ hòa bình, trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp hoặc ngăn cản các cuộc xung đột".

COVID-19 cũng sẽ đem tới một loạt các thách thức mới, làm phức tạp hóa việc tiếp cận tới các khu vực xung đột, khiến quá trình đàm phán tại các nước trung lập trở nên khó khăn hơn và chuyển hướng các dòng đầu tư tài chính sang cuộc chiến đối phó với virus.

"Chính phủ nào lại muốn bỏ tiền ra để theo đuổi hòa bình tại Yemen, Syria, Afghanistan hay nơi nào khác trong khi họ đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng xã hội và chính trị gần như chưa từng có trong tiền lệ?", ông Malley đặt câu hỏi.

Với truyền thông gần như dồn hết sự chú ý vào COVID-19, "cho dù các cuộc xung đột này có bạo lực và nghiệt ngã tới đâu, có thể rất nhiều người sẽ không được nhìn và nghe về chúng", ông cảnh báo.

Tại Liên Hợp Quốc, các nhà ngoại giao khẳng định, nỗ lực giám sát các cuộc khủng hoảng và xung đột khu vực sẽ vẫn tiếp tục, ngay cả khi một loạt tổ chức quốc tế đã phải thay đổi lịch trình làm việc nhằm hạn chế khả năng lây lan COVID-19.

"Chúng tôi muốn đảm bảo rằng Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đóng vai trò quan trọng trong gìn giữ hòa bình và an ninh toàn cầu", đại sứ lâm thời Anh tại Liên Hợp Quốc Jonathan Allen viết trên Twitter. "COVID-19 hiện là trọng tâm chính của thế giới nhưng chúng tôi vẫn không quên Syria, Libya và Yemen".

Tuy nhiên chuyên gia về các vấn đề toàn cầu Richard Gowan lại bày tỏ sự nghi ngờ.

"Các quan chức Hội đồng An ninh nói sẽ rất khó để chính phủ của họ tập trung vào các vấn đề Liên Hợp Quốc", ông Gowan tiết lộ.

Trong khi đó, tại các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực nhân quyền như Tổ chức Quan sát Nhân quyền, một trong những quan ngại ngày càng gia tăng là toàn bộ lĩnh vực này đang phải đối mặt với sự thờ ơ.

Một ví dụ là, bản báo cáo được mong đợi của Liên Hợp Quốc về các vụ đánh bom bệnh viện tại Syria theo kế hoạch ban đầu ra mắt vào đầu năm nay – nhưng giờ lại bị lùi tới thời hạn sớm nhất là tháng Tư.

Minh Đức

Từ khóa:

NỔI BẬT TRANG CHỦ