• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cuộc di cư toàn cầu lớn nhất từ sau Chiến tranh thế giới II

Thế giới 03/09/2019 13:02

(Tổ Quốc)-Người tỵ nạn, di cư bất hợp pháp, hoặc tìm kiếm việc làm theo hợp đồng lao động đang trở thành các xu hướng chủ đạo toàn cầu.

Trong cuộc họp báo hôm 19/8/2019, đại diện Cao ủy Liên hợp quốc về người tỵ nạn (UNHCR) cho biết: "Số người tỵ nạn trên thế giới hiện đã vượt quá 70 triệu người, đây là con số cao nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Trong đó, theo số liệu của tổ chức Làng trẻ em SOS, trong năm 2018 có khoảng 12.000 trẻ em đã thiệt mạng và bị thương. Số trẻ em thiệt mạng hoặc bị thương cao nhất đến từ Afghanistan (3.062), Syria (1.854) và Yemen (1.698) - đây mới chỉ là những số liệu đã được đăng ký chính thức, còn chính thức thì sẽ cao hơn rất nhiều.

Xu hướng tỵ nạn toàn cầu gia tăng

Theo Báo cáo về xu hướng di cư toàn cầu năm 2018 do UNHCR công bố hồi giữa tháng 6 năm nay, có khoảng 70,8 triệu người trên toàn thế giới bị buộc phải di cư trong năm 2018 - mức cao nhất trong vòng 70 năm kể từ khi UNHCR được thành lập. Con số này nhiều gấp đôi so với 20 năm trước, nhiều hơn 2,3 triệu người so với năm 2017 và tương đương với dân số của Thái Lan. Trong số đó, người di cư được chia làm 3 nhóm: (i) Những người tỵ nạn: Năm 2018, số lượng người thuộc nhóm này là 25,9 triệu người (đã bao gồm 5,5 triệu người tỵ nạn Palestine), tăng 500.000 người so với năm 2017. (ii) Những người tìm quy chế tỵ nạn: Năm 2018, có 3,5 triệu người trên toàn thế giới thuộc nhóm này. (iii) Những người di cư nội địa: Nhóm này có số lượng lớn nhất với 41,3 triệu người.

người di cư đến Mỹ

Người di cư bất hợp pháp từ Trung Mỹ băng qua sông Suchiate để đến Mexico trong cuộc hành trình tới Mỹ (tháng 11/2018).

Báo cáo cũng chỉ ra, những người tỵ nạn từ Myanmar là nhóm có dân số lớn thứ 4 thế giới xét về nguồn gốc quốc gia; hầu hết những người này đang sinh sống tại Bangladesh (906.600 người tính đến cuối năm 2018). Tuy nhiên, theo số liệu của Chính phủ Bangladesh, nước này đang phải tiếp nhận trên 1,2 triệu người Rohingya, phần lớn chạy sang Bangladesh sau ngày 25/8/2017.

Steven Corliss, đại diện UNHCR tại Bangladesh, cho rằng, con số trên một lần nữa minh chứng cho chính sách nhân đạo của chính phủ Bangladesh trong việc mở cửa biên giới để tiếp nhận người Rohingya; đồng thời ông này cũng hối thúc cộng đồng quốc tế tăng cường tình đoàn kết với Bangladesh. Steven Corliss nhấn mạnh, hiện mới chỉ có 1/4 trong tổng số 920 triệu USD nằm trong kế hoạch trợ giúp của năm 2019 được các nhà tài trợ quốc tế cam kết trợ giúp; điều này là đáng lo ngại khi nửa năm 2019 đã trôi qua và mùa mưa tại Bangladesh đang đến gần. Ông này cũng đề nghị các nhà tài trợ quốc tế cần tiếp tục cung cấp các khoản viện trợ nhân đạo để đảm bảo an toàn tính mạng cho người Rohingya trong mùa mưa bão.

Cũng theo Báo cáo của UNHCR, giải pháp tối ưu cho vấn đề người tỵ nạn là đưa họ trở về nhà trên cơ sở tự nguyện, an toàn và được coi trọng. Những giải pháp khác bao gồm: hội nhập họ vào xã hội sở tại hoặc đưa họ định cư tại nước thứ ba. Tuy nhiên, trong năm 2018, chỉ có 92.400 người tỵ nạn được định cư, chiếm chưa đầy 7% so với số người thực tế muốn tìm một nơi định cư mới; khoảng 593.800 người tỵ nạn được trở về nhà.

Việt Nam: Gần 67.000 lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động

Số liệu được Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động thương binh và xã hội Việt Nam công bố, theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2019, lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động đạt 66.983 người, đạt 55,82% kế hoạch năm 2019.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, thị trường lao động thu hút đông nhất số lao động Việt Nam là Nhật Bản với 33.549 người. Tiếp theo là Đài Loan: 27.137 người, Hàn Quốc: 3.521 người, Rumania: 1.021 người, Ảrập Xêút: 575 người…

Theo dự kiến trong năm 2019, Việt Nam sẽ có khoảng 120.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Một số thị trường lao động tiềm năng cho Việt Nam

Từ 6/6/2019, Cộng hòa Séc chính thức mở lại việc cấp visa dài hạn cho công dân Việt Nam sang Séc lao động. Đại sứ quán Séc tại Hà Nội đã tiếp nhận hồ sơ đợt đầu của 200 công dân Việt Nam, sang làm việc tại Séc từ tháng 8/2019.

Đối với Bulgaria, Việt Nam có thể cung cấp 50.000 lao động trên 6 lĩnh vực, bao gồm xây dựng, dệt may, công nghệ cao , nông nghiệp và điều dưỡng.

Các nhà tuyển dụng lao động Hà Lan cho biết, số lao động nhập cư châu Âu trong lĩnh việc vận tải, xây dựng và các lao động thời vụ tại Hà Lan đang giảm mạnh. Trong 3 năm gần đây, lao động người Ba Lan hồi hương ngày càng tăng. Năm 2013, có 11.000 trường hợp, nhưng 2 năm trở lại đây có 15.000 trường hợp. Tình trạng này đang gây tình trạng thiếu hụt lao động phổ thông tại Hà Lan.

Qua khảo sát, 80% các doanh nghiệp Hà Lan hiện nay gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động mới. 70% doanh nghiệp sẵn sàng trả lương cao hơn để thu hút lao động nước ngoài.

Tuy ngành nông nghiệp cần tới 50.000 lao động phổ thông nước ngoài, nhưng việc tăng lương gặp khó khăn do chi phí lao động sẽ tăng cao.

Các nhà tư vấn tuyển dụng lao động đã đưa ra gợi ý xem xét việc tìm kiếm lao động tại các thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, do xa cách về địa lý, doanh nghiệp Hà Lan phải cân đối các yếu tố như đảm bảo chỗ ăn ở ổn định cho lao động, cũng như trường học cho con em người lao động, điều này sẽ gây nên gánh nặng cho xã hội Hà Lan.


Hoài Nam

NỔI BẬT TRANG CHỦ